Truyền thống ngành trên vùng đất mới

CSVN – Viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành cao su, VRG ngày càng lớn mạnh, phát triển toàn diện. Không chỉ phát triển cao su ở những vùng truyền thống, VRG còn đưa cây cao su ra miền núi phía Bắc, qua nước bạn Lào, Campuchia với sứ mệnh lớn lao.
: Cán bộ kỹ thuật Công ty CPCS Bà Rịa – Kampong Thom kiểm tra vườn cây khai thác. Ảnh: P.L
: Cán bộ kỹ thuật Công ty CPCS Bà Rịa – Kampong Thom kiểm tra vườn cây khai thác. Ảnh: P.L
Mang niềm tự hào để vươn cao, vươn xa

Đưa cây cao su ra khỏi biên giới Việt Nam, đến với 2 nước bạn Lào, Campuchia, VRG mang sứ mệnh tô thắm tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia, với mong muốn cùng đóng góp một phần công sức chung tay cùng địa phương tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng. Trải qua thời kỳ đầu gian khó khi triển khai chương trình, đến nay đã có những “dòng nhựa trắng” mang thương hiệu Việt – Lào, Việt – Campuchia.

Anh Trần Hoài Khải – Phó giám đốc Công ty CPCS Đồng Nai – Kratie cho biết: “Phát triển cao su trên đất bạn, các đơn vị gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng với truyền thống 88 năm xây dựng và phát triển của ngành, toàn thể anh chị em đã quyết tâm vượt qua gian khổ và đạt được những kết quả bước đầu khả quan. Công tác ở nước bạn, chúng tôi luôn mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành, tin tưởng vào sự chuyển mình vững chắc, vươn xa của VRG. Chúng tôi sẽ phát huy những giá trị truyền thống ấy và viết thêm vào trang sử hào hùng của ngành bằng sự quyết tâm lao động, vì sự phát triển bền vững của VRG”.

Là cán bộ công tác tại Lào (Công ty CPCS Quasa – Geruco), anh Đoàn Hữu Minh Nhật chia sẻ: “Khi đến vùng đất mới, nhìn thấy sự phát triển của ngành cao su, tôi thực sự ngỡ ngàng và thán phục, những gì ngành cao su mang lại cho người dân Lào, không chỉ là vài năm kinh tế, mà là  cả mấy mươi năm về sau, có khi là cả một thế hệ. Từ đây, người dân Lào sẽ có cuộc sống ấm no hơn, đời sống kinh tế sẽ được cải thiện”.

“Hành trình tuổi trẻ, có đi thì mới cảm nhận được những khác biệt ở những vùng đất mới. Khi đã chọn dừng chân nơi đây, điều đơn giản nhất là được cống hiến sức trẻ cùng với mọi người, không ngừng nỗ lực xây dựng công ty ngày càng vững mạnh, góp phần đưa ngành cao su ở nước bạn được sánh ngang cùng ngành cao su trong nước”, anh cho biết.

Nhiệt huyết và niềm tin

Năm 2007, VRG triển khai chương trình phát triển cao su ra miền núi phía Bắc, với mong muốn tri ân, chung tay cùng đất nước chăm lo cho đời sống đồng bào vùng cao, xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã tròn 10 năm, trong suốt quá trình ấy đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc phát triển cao su ở miền núi phía Bắc. So với những vùng truyền thống khác trong nước, việc phát triển cao su ở đây gặp không ít khó khăn về điều kiện thời tiết, đất đai và con người. Nhưng những hoài nghi về loài cây này đã được giải đáp, cây cao su đã phủ xanh đất trống đồi trọc và đứng vững trên vùng đất mới.

Anh Nguyễn Xuân Tiệp – Công ty CPCS Lai Châu II tâm sự: “ Miền núi phía Bắc được xem là vùng đất ngoài truyền thống của cây cao su. Từ những ngày đầu làm việc trong ngành cao su, tôi đã cảm nhận được nỗi vất vả của CBCNVC – LĐ trong công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ vườn cây KTCB. Với địa hình dốc, giao thông đi lại khó khăn, lao động chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế thì việc triển khai phát triển cao su ở đây gặp khó là điều dễ hiểu. Tôi nghĩ, dù có khó khăn như thế nào nhưng chúng ta quyết tâm thì sẽ làm được. Truyền thống ngành cao su sẽ được viết thêm bởi sự có mặt của cây cao su phát triển ở miền núi phía Bắc”.

Những người công tác tại Lào, Campuchia và miền núi phía Bắc hầu hết là những cán bộ trẻ, mang trong mình đầy nhiệt huyết, trách nhiệm và niềm tin vào tương lai tươi sáng của cây cao su trên vùng đất mới. Họ sẽ là những người viết tiếp vào những trang sử truyền thống hào hùng của ngành cao su, tiếp nối truyền thống cha anh, dựng xây tương lai tươi đẹp.

Minh Nhiên