CSVN – Hoàn thành kế hoạch trước thời hạn, luôn chăm chỉ gắn bó, tận tụy hết lòng với công việc, là tấm gương công nhân xuất sắc của đơn vị. Đó là cặp vợ chồng anh Nguyễn Đình Hằng và chị Hoàng Thị Thêm, anh Nguyễn Mạnh Hùng và chị Nguyễn Thị Kiều, thuộc Đội 2, Nông trường Suối Ngô, Công ty CPCS Tân Biên.
Tận tâm hết lòng trên vườn cây
Giữa tháng 9 khi nhận được tin báo của chị Đoàn Thị Kiều An, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty CPCS Tân Biên đã trao thưởng cho 4 công nhân tính đến tháng 8 đã hoàn thành kế hoạch sản lượng năm 2020. Chúng tôi liên hệ ngay công ty để tìm hiểu 4 gương công nhân này.
Được sự giới thiệu của công ty, đoàn công tác chúng tôi có mặt tại Đội 2, Nông trường Suối Ngô. Anh Trần Minh Sang, Phó Giám đốc nông trường hồ hởi cho biết: “4 công nhân này đều là những tấm gương tiêu biểu xuất sắc của nông trường, luôn chấp hành tốt nội quy, quy chế của đơn vị, cạo hết cây, tận thu hết mủ, tham gia đầy đủ các phong trào của đơn vị, nhiệt tình tâm huyết với nghề. Ngoài các phần cây của mình, họ nhận thêm phần cây cạo choàng, trong đội ai vắng, bệnh thì họ đều nhận cạo giúp”.
Điều đặc biệt thú vị đó là 4 công nhân này là 2 cặp vợ chồng: Vợ chồng anh Nguyễn Đình Hằng và chị Hoàng Thị Thêm, vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Hùng và chị Nguyễn Thị Kiều.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết anh Nguyễn Đình Hằng sinh năm 1976, quê ở Nghệ An. Anh vào làm công nhân từ năm 2002. Gần 18 năm công tác tại nông trường, anh Hằng luôn gương mẫu, tận tụy trong công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được đơn vị giao, nhận được tình cảm yêu mến từ các đồng nghiệp cũng như sự tin tưởng của lãnh đạo. Trong những năm qua, anh luôn phấn đấu đạt nhiều thành tích trong phong trào thi đua lao động sản xuất, hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu sản lượng giao khoán trong nhiều năm liền.
Nhiều năm theo nghề, chứng kiến giai đoạn thăng trầm của ngành cao su. Nhiều công nhân không bám nổi nghề đã bỏ vườn cây, nhảy việc sang các khu công nghiệp và các công việc khác, nhưng anh Hằng vẫn luôn lạc quan, quyết tâm bám trụ với nghề. Ngày ngày cần mẫn, tận tụy trên vườn cây. Hết việc anh tích cực tham gia phong trào xung kích, tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ của nông trường, đi tuần tra ban đêm, tham gia bắt đối tượng trộm cắp mủ. Mùa chống cháy, anh thường xuyên trực gác cùng anh em, luôn chú tâm, hoàn thành các công việc một cách tự giác.
Nhờ tận tâm cống hiến, như con ong chăm chỉ, cần mẫn trên vườn cây anh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhiều năm liền, anh đạt Lao động xuất sắc, vinh dự nhận nhiều bằng khen, giấy khen của nông trường, công ty, Công đoàn Cao su Việt Nam và Tập đoàn. Năm 2020, sản lượng giao khoán của anh là 5.174 kg, tính đến 30/7 anh thực hiện đạt 5.217 kg, vượt 43 kg đạt 100,8% kế hoạch.
Không kém cạnh chồng, vợ anh là chị Hoàng Thị Thêm làm cùng Đội 2, sản lượng giao khoán của chị là 5.174 kg, tính đến 23/7 chị thực hiện đạt 5.356 kg, vượt 182 kg, đạt 103,52% KH. Chị Thêm chia sẻ: “Do đầu năm công ty thiếu lao động, để tổ chức bố trí lao động đảm bảo khai thác trên vườn cây nên công ty vận động công nhân nhận thêm phần cây cạo, vợ chồng chúng tôi liền xung phong nhận cạo choàng, cạo bao hết cây và tận thu mủ triệt để trên vườn cây khai thác. Vì thế nên đã hoàn thành kế hoạch sản lượng sớm”.
Chị Thêm sinh năm 1983, quê ở Bắc Giang. Chị vào làm công nhân năm 2009. 11 năm theo nghề, chị đạt nhiều thành tích cao trong công tác. Chia sẻ cảm xúc sau khi được nhận thưởng của công ty vì hoàn thành kế hoạch, chị cười hiền cho biết, cả hai vợ chồng đều rất vui, nguyện sẽ cố gắng nhiều hơn nữa và một lòng gắn bó với vườn cây, với nghề cạo. Bởi ngành cao su là một ngành nghĩa tình, các chế độ được thực hiện đầy đủ, ban lãnh đạo nông trường, công ty chăm lo, quân tâm đến NLĐ. Đặc biệt chính nghề cạo mủ đã se duyên cho anh chị nên duyên vợ chồng. Đến nay vợ chồng anh chị có thu nhập tiền lương ổn định gần 20 triệu đồng/tháng.
Đồng thuận vợ chồng “tát biển Đông cũng cạn”
Gương hoàn thành kế hoạch của công ty ngoài vợ chồng anh Hằng, chị Thêm còn có cặp vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Hùng và chị Nguyễn Thị Kiều. Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng cả hai anh chị đều có tay nghề cao và tận tâm với công việc. Chia sẻ cảm xúc khi được nhận phần thưởng hoàn thành kế hoạch, anh Hùng phấn khởi khoe với chúng tôi: “Ngoài 4 triệu đồng được công ty thưởng (2 triệu đồng/người), cả 2 vợ chồng còn được Công đoàn thưởng gần 1 triệu (gần 500 đồng/người), lại còn được thưởng thêm 2 vỏ xe “Ba sao” nữa. Mừng quá chị ạ!”.
Để tìm hiểu thêm về công việc hằng ngày của các anh chị, chúng tôi ra tận lô cao su của nông trường. Nhìn cán dao khai thác dài hơn 7 mét, chúng tôi không khỏi ái ngại khi đứng trước vườn cao su nhóm 3 đang chờ ngày thanh lý. Anh Hùng đùa vui: “Mới nhìn cán dao, ai cũng phát “sốt”, nhưng cạo riết rồi quen, thấy cũng bình thường thôi”.
Đúng thật, chỉ khi tận mắt chứng kiến những đường cạo thuần thục, chuẩn xác của các anh chị công nhân, nhìn từng giọt mủ chảy xuống theo đường dây dẫn vào tô, chúng tôi bỗng vỡ ra một điều: Đối với những người công nhân tâm huyết, yêu nghề, tận tâm với công việc và mong có thu nhập cao thì không khó khăn nào có thể khiến họ lùi bước.
Nghe anh Hùng say sưa kể về nghề, về công việc khai thác mủ và cả niềm vui khi xây được căn nhà hơn 450 triệu đồng, mua thêm đất để phát triển kinh tế gia đình bằng chính tiền lương, tiền thưởng trong quãng đời làm công nhân cao su chúng tôi cũng vui lây.
Khi chúng tôi hỏi, trước tình hình khó khăn, nhiều công nhân nhảy việc, anh có bao giờ nảy sinh ý định đó không? Anh chân thành chia sẻ: “Mình sinh năm 1986, đã có 16 năm gắn bó với nghề. Thú thật cũng có khoảng thời gian “nhảy việc” nhưng thấy làm ngoài công việc bấp bênh, lại không có chế độ đãi ngộ. Thế là mình lại xin được vào làm công nhân nông trường.
Khi có vợ, “vợ đâu chồng đó”, cả hai cùng làm công nhân khai thác, cứ hơn 1 giờ khuya hai vợ chồng lên lô, sáng giữ mủ, chiều bắn dây, đóng đinh, hai con nhờ mẹ chăm sóc. Và cứ thế, vợ hàng trên, chồng hàng dưới, động viên nhau “cố gắng vượt khó”…7 tháng đầu năm, mình thực hiện được 5.707/5.302 kg mủ, vượt 405 kg đạt gần 108% kế hoạch sản lượng được giao; còn vợ đạt 5.513/5.303 kg (vượt 210 kg)”. “Vả lại, nhiều công nhân có tuổi nghề cao như anh Hằng, chị Thêm còn bám trụ với ngành huống hồ mình còn trẻ thì khó khăn hiện nay nào có sá gì”, anh nói thêm. Còn chị Nguyễn Thị Kiều thì tiết lộ “bí quyết” thành tích cả hai cùng vượt sản lượng, ngoài tay nghề cao còn nhờ sự “hợp tác” ăn ý, đồng thuận vợ chồng. Ngoài ra, anh chị còn có sự “trợ giúp” của mẹ và con gái lớn (học lớp 8), nhận thêm phần cây trống, cạo choàng, cạo thay…
“Mỗi tháng thu nhập của hai vợ chồng được hơn 20 triệu, ngoài chi tiêu trong gia đình cũng dành dụm được hơn 8 triệu, tụi em ráng tiết kiệm để dành mua thêm đất trồng cao su. Và sẽ “vẫn làm cao su” cho đến khi nghỉ hưu”, chị Kiều bộc bạch.
Có lẽ niềm vui ấy không chỉ thấy trên khuôn mặt rám nắng của những đôi vợ chồng anh Hùng chị Kiều, anh Hằng chị Thêm, mà chúng tôi còn bắt gặp trên nhiều khuôn mặt những người công nhân khác trên vườn cây khai thác. Với họ, những người lao động cần cù chịu thương chịu khó, tận tụy với công việc, ngày đêm bám trụ vườn cây có ước mơ thật giản dị “mủ nhiều, cao su có giá để thu nhập cao hơn”.
BÌNH AN – NGUYỄN HỒNG
Related posts:
- Tổ thu mua cao su tiểu điền Cao su Mang Yang: Nhọc nhằn và những trái ngọt
- Sản xuất phân hữu cơ sinh học từ công nghệ nuôi trùn quế
- Hoạt động Công đoàn hướng về cơ sở, đi vào thực chất
- Cao su Sa Thầy về đích sớm 44 ngày nhờ thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ
- Hạt nhân trong phong trào thi đua vượt sản lượng
- Cao su Phước Hòa chia cổ tức 45%
- Người bảo vệ tận tâm
- Cao su Việt Lào phấn đấu về trước kế hoạch từ 5 đến 10 ngày
- Nhiều quốc gia điển hình trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên thế giới
- Tổ 3 tấn liên tục nhiều năm liền ở Cao su Phú Riềng