Đa dạng sản xuất sản phẩm gỗ để tăng tính cạnh tranh

CSVN – Tạp chí CSVN tiếp tục trích đăng những trao đổi giữa các cổ đông và đoàn chủ tịch tại Đại hội đồng cổ đông thường niên VRG – công ty cổ phần năm 2020.

Sản phẩm ván gỗ MDF của VRG đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại. Ảnh: Vũ Phong.

Cổ đông có mã số 17913:

Hiện nay, lĩnh vực chế biến gỗ MDF tại Việt Nam gặp nhiều cạnh  tranh  do các sản phẩm MDF nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan, trong khi đó Việt Nam chưa áp thuế chống phá giá. Vậy thì nhận định và phương hướng của VRG về vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Văn Thành – Thành viên HĐQT VRG trả lời:

Hiện nay, các đơn vị gỗ trực thuộc VRG đã làm thủ tục, hồ sơ về việc chống bán phá giá gởi Bộ Công Thương để Bộ xem xét và có ý kiến về vấn đề này nhưng tới thời điểm hiện nay vẫn chưa có kết quả phản hồi.

Các sản phẩm MDF nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan vào Việt Nam tạo sự cạnh tranh rất lớn đối với sản phẩm gỗ trong nước. Các nhà máy sản xuất gỗ của VRG đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm này, tuy lợi nhuận có giảm so với trước đây nhưng hoạt động vẫn có lợi nhuận.

Đối với những nhà máy sử dụng  cành nhánh của cây cao su làm nguyên liệu chế biến như MDF – Dongwha thì lợi nhuận năm 2019 vừa qua rất cao. Các nhà máy sử dụng nguyên liệu là các loại cây khác như VRG – Kiên Giang, MDF – Quảng Trị thì giá thu mua nguyên liệu cao hơn nên lợi nhuận thấp hơn. Thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 đã dẫn đến tình trạng tồn kho sản phẩm MDF, tuy nhiên tính tới thời điểm hiện tại lượng tồn kho đã giảm dần do các đơn vị dần phục hồi và đẩy mạnh công tác tiêu thụ sản phẩm.

VRG vẫn hy vọng và tin tưởng rằng, lĩnh vực chế biến gỗ MDF vẫn tiếp tục đóng góp lợi nhuận tốt. Định hướng trong tương lai, VRG sẽ không tiếp tục phát triển MDF bởi công suất các nhà máy MDF của cả nước đã vượt trên 2 triệu m³/năm, ngành gỗ hàng năm tăng trưởng 5 – 7% kéo theo đó là sự tăng trưởng về nhu cầu gỗ MDF nhưng mức tăng này không lớn. VRG sẽ chú trọng sản xuất đa dạng các sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trong nước. Với công suất của các nhà máy hiện có, VRG đủ năng lực sản xuất đáp ứng sản phẩm cung ứng cho thị trường.

Cổ đông có mã số 1313:

Tiến độ thoái vốn ngoài ngành của VRG được thực hiện như thế nào trong năm 2020, đặc biệt là thoái vốn tại Công ty CP Đầu tư Sài Gòn – VRG?

Ông Huỳnh Văn Bảo – Thành viên HĐQT, TGĐ VRG trả lời:

Tất cả các danh mục đầu tư ngoài ngành của VRG đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án thoái vốn. VRG đã thoái vốn được ở một số đơn vị và đang tiếp tục thực hiện việc thoái vốn các danh mục còn lại. Riêng việc thoái vốn ở Công ty CP Đầu tư Sài Gòn – VRG đã thực hiện xong các hồ sơ, thủ tục và thẩm định giá tuy nhiên vẫn còn vướng một số cơ chế.

VRG dự kiến sau khi có chứng thư thẩm định giá sẽ tổ chức đấu giá công khai theo quy định khoảng trong tháng 7 để đảm bảo công tác thực hiện thoái vốn nhanh và có hiệu quả. Các danh mục thoái vốn khác còn lại như Công ty CP Tư vấn Đầu tư, Công  ty CP Cơ khí Cao su và một số danh mục thoái vốn của các công ty con như ở Đồng Nai, Đồng Phú, Phú Riềng, Dầu Tiếng, Bình Long, Lộc Ninh thì tiếp tục triển khai từ đây đến cuối năm 2020. VRG cũng đã có những dự kiến kết quả, lợi nhuận thu về được tính toán trong kế hoạch của năm trong 2020.

MINH NHIÊN (ghi)