Xen cây dược liệu trên đất cao su: Cách làm hiệu quả

CSVNO – Đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam trồng xen canh các loại cây ngắn ngày trên đất cao su với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” bước đầu mang lại hiệu quả.
Anh Nguyễn Duy Thạnh – Bí thư Đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam giới thiệu về loại cây cà gai leo. Ảnh: H.C
Anh Nguyễn Duy Thạnh – Bí thư Đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam giới thiệu về loại cây cà gai leo. Ảnh: H.C
Ý tưởng trồng dược liệu

Từ năm 2013, khi trồng cao su tại Tổ sản xuất cao su xã Bình Lãnh (Thăng Bình), nhận thấy tình trạng người dân ồ ạt đi khai thác cây cà gai leo để bán cho thương lái Trung Quốc dẫn đến tình trạng ngày càng khan hiếm, ĐVTN Tổ sản xuất Cao su Bình Lãnh (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam) đã có sự tìm tòi, nghiên cứu về đặc điểm, thuộc tính của loài cây này.

Anh Huỳnh Văn Lo – nhân viên kỹ thuật của Tổ sản xuất cao su xã Bình Lãnh cho biết, cây cà gai leo là loại cây dược liệu dùng để đặc trị những bệnh về gan, là loại cây ngắn ngày, dễ trồng có thể thích nghi với những vùng đất có điều kiện khắc nghiệt.

“Từ thực tế về giá trị kinh tế mà loài cây này mang lại, chúng tôi đã nảy sinh ý tưởng nhân giống để loài cây này không bị tận diệt và tăng thu nhập kinh tế cho công nhân tổ sản xuất” – anh Lo nói.

Anh Nguyễn Duy Thạnh – Bí thư Đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam cho biết, xuất phát từ ý tưởng trồng các loại cây dược liệu xen canh trong các vườn cây cao su kiến thiết cơ bản nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người lao động, Ban Chấp hành Đoàn công ty đứng ra chịu trách nhiệm phối hợp cùng Viện Dược liệu Hà Nội và Viện Công nghệ sinh học Việt Nam, thí nghiệm và đưa những giống cây dược liệu phù hợp để trồng xen trong vườn cây cao su kiến thiết cơ bản của công ty như sâm ba kích, cà gai leo, đinh lăng, sả…

“Trong thời gian cao su chưa khép tán thì có thể trồng xen nhiều loại cây trồng khác nhằm tăng thêm thu nhập. Việc trồng xen canh đã giúp giảm công làm cỏ, người lao động thường xuyên chăm sóc vườn cây cao su và cây dược liệu ở những vùng sâu vùng xa trong thời gian chờ cao su phát triển. Ngoài ra còn giảm bớt tình trạng xói mòn đất tại những nơi đồi dốc, giúp cản gió cho cây cao su mới trồng, tạo điều kiện thuận lợi cho cao su phát triển. Hơn nữa, cây trồng xen hấp thụ các chất khó tan trong lòng đất, sau khi thu hoạch để lại lượng chất hữu cơ làm tăng độ phì cho đất và có sản phẩm ủ gốc giữ ẩm mùa hè, giữ ấm mùa đông để cây cao su trồng mới sinh trưởng, phát triển tốt” – anh Thạnh cho biết.

Theo tính toán, sau 6 tháng kể từ lúc trồng, người lao động có thể thu hoạch vụ mùa cà gai leo lần đầu tiên. Với 1ha cây cà gai leo trồng xen cây cao su, sau 1 năm, trừ đi chi phí trồng có thể thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng. Bắt đầu từ mùa vụ thứ hai cây sẽ tự sinh trưởng và không cần tốn chi phí trồng mới.

“Hiện tại, Tổ sản xuất cao su Bình Lãnh, Nông trường Cao su Bắc Trà My 2 là những đơn vị trồng thí điểm loại cây này. Hiệu quả và giá trị kinh tế mà cây cà gai leo mang lại là rất cao, giúp giải bài toán khó khăn trước mắt của người trồng cao su” – anh Thạnh khẳng định.

Lấy ngắn nuôi dài

Tính đến nay, tổng diện tích cao su toàn Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam là 5.600ha, trong đó có 1.950ha vườn cây kinh doanh, đang khai thác mủ cao su, và có hơn 3.650ha kiến thiết cơ bản. Với mật độ trồng cao su 555 cây/ha, diện tích đất chưa sử dụng trong vườn cây kiến thiết cơ bản là rất lớn.

Theo anh Thạnh, sau khi nhân giống và trồng thí nghiệm thành công tại một số vườn ươm, Ban Chấp hành Đoàn công ty đã liên hệ tìm đầu ra cho các sản phẩm. Hiện tại một số công ty như Công ty CP Daphaco tại Đà Nẵng, Công ty CP Traphaco và một số bệnh viện y học dân tộc trên cả nước đã nhận làm nơi tiêu thụ sản phẩm dược liệu cho công ty.

Với việc ổn định đầu ra cho sản phẩm trong những năm tiếp theo, Ban Chấp hành Đoàn công ty đã lên kế hoạch mở rộng quy mô trồng các loại cây dược liệu trong các vườn cây cao su của công ty trên địa bàn toàn tỉnh. “Bên cạnh cây cà gai leo, hiện tại các tổ sản xuất cao su tại Hiệp Đức đã trồng và phát triển thành công cây sâm ba kích, loại cây chỉ mọc được ở các huyện miền núi cao như Tây Giang với năng suất và hiệu quả dược liệu cao tương đương cây trồng trên đất bản địa” – anh Thạnh cho biết thêm.

Theo ông Trần Hùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, trong những năm gần đây, giá bán mủ cao su giảm sâu làm công ty gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Hiện nay công ty đang đẩy mạnh các giải pháp, nhằm hạ giá thành sản phẩm, trong đó có việc trồng xen trong vườn cây cao su từ năm 1 đến năm 5 tuổi, qua đó tăng thu nhập cho người lao động. Việc phát triển, trồng xen canh các loại cây dược liệu với phương châm lấy ngắn nuôi dài đã góp phần giải quyết việc làm và từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động tại địa phương.

“Sắp tới, công ty sẽ nhân rộng mô hình trồng xen và tạo điều kiện về giống để cán bộ, công nhân lao động công ty đẩy mạnh trồng xen cây dược liệu trên vườn cây cao su. Đây được xem là hướng đi mang đầy triển vọng, đáp ứng chủ trương đẩy mạnh trồng xen của Tập đoàn Cao su đề ra” – ông Hùng nói.

Theo Báo Quảng Nam