Vùng đất Rung Pi 10 năm phát triển vượt bậc

CSVN – Trước đây cả khu vực này chỉ có nhà tôi buôn bán tạp hóa, nhưng nay đã có trên 40 hộ gia đình cũng kinh doanh, nhiều gia đình đã xây được nhà lầu, mua được xe hơi đắt tiền, cuộc sống sung túc hơn rất nhiều.
Cơ ngơi của chị Mát sau 10 năm kinh doanh
Cơ ngơi của chị Mát sau 10 năm kinh doanh

Đó là cảm nhận của chị Mat, chủ hộ gia đình kinh doanh đầu tiên ở Rung Pi về sự thay đổi từng ngày của quê hương mình, nơi có 4 công ty cao su đóng trên địa bàn. Những ngày đầu những người đi tiên phong ở các dự án Cao su Tân Biên, Phước Hòa, Bà Rịa, Gol Pho Son (tỉnh Kampong Thom, Vương quốc Campuchia), thì mới thấm hiểu được những khó khăn vất vả về tất cả mọi mặt, kể cả những người đi làm dự án, cũng như cuộc sống của người dân nơi đây.

Đời sống của dân cư gần vùng dự án khi chưa có các công ty đầu tư trồng cao su thì rất khó khăn, người dân chủ yếu sống bằng phát nương làm rẫy, cuộc sống bữa đói bữa no, chạy ăn từng bữa, không có việc làm ổn định, nên rất bấp bênh. Giao thương, trao đổi hàng hóa chưa phát triển. “Tôi nhớ lúc đó cả Rung Pi chỉ có một quán chị Mat là bán tạp hóa, kiêm luôn bán hột vịt lộn, ngoài ra không có chợ, quán hàng ăn uống, nhà dân thì thưa thớt. Muốn mua đồ phải chạy ra ngoài thị trấn Bông Mo cách dự án 40km, mùa mưa đường sình lầy phải đi hết 2,5 giờ mới tới được”, anh Phuong Chan So Phát, Phó phòng Kế toán Công ty Cao su Bà Rịa Kampong Thom nhớ lại.

Chợ Rung Pi hiện tại có 2 địa điểm kinh doanh buôn bán
Chợ Rung Pi hiện tại có 2 địa điểm kinh doanh buôn bán

Nói như vậy để hiểu được khó khăn về đời sống kinh tế của người dân, cũng như điều kiện cơ sở hạ tầng lúc bấy giờ. “Lúc đó tháng 4/2009, tôi và 7 anh em qua nhận nhiệm vụ để khai hoang trồng mới. Khó khăn, thiếu thốn không nói, buồn nhất khi đêm xuống muốn điện về nhà cho vợ con mà không có sóng điện thoại, muốn điện được phải chạy ra gốc cây gần trên núi cách văn phòng công ty hơn 1km, giơ giơ thì có được chút sóng, giờ thì khác hoàn toàn rồi”, ông Lê Văn Hùng – Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Cao su Bà Rịa Kampong Thom cho biết.

Chợ Rung Pi hiện tại có 2 địa điểm kinh doanh buôn bán
Chợ Rung Pi hiện tại có 2 địa điểm kinh doanh buôn bán

Sau 10 năm thì cuộc sống của người dân trong vùng dự án cũng như ngoài dự án đã phát triển lên rất nhiều. Từ không có chợ đã hình thành được chợ để người dân buôn bán trao đổi hàng hóa, từ không có điện lưới đã có điện lưới kéo tới từng hộ dân, từ không có quán hàng ăn uống thì nay quán xá mọc lên rất nhiều. Nếu như ngày xưa từ dự án ra thị trấn huyện mất hơn 2 giờ đi xe, thì nay chỉ 30 phút là tới, vì đã có đường nhựa. Sở dĩ có bước chuyển mình mạnh mẽ như vậy là do có 4 công ty cao su đóng trên địa bàn đầu tư vào đây đã tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập ổn định cho hơn 3.500 lao động của các công ty, từ đó tạo ra nhu cầu trao đổi hàng hóa, nhu yếu phẩm rất lớn. 4 công ty kéo điện vào để sản xuất, đồng thời Nhà nước cũng bán điện cho người dân sử dụng, tuyến đường nhựa từ thị trấn huyện đi hết dự án của 4 công ty cũng đã gần hoàn thành, tạo thuận lợi cho giao thương.

Sau giờ cạo mủ công nhân chăn nuôi thêm bò để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Sau giờ cạo mủ công nhân chăn nuôi thêm bò để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

“Trước đây cả khu vực này chỉ có nhà tôi buôn bán tạp hóa, nhưng nay đã có trên 40 hộ gia đình cũng kinh doanh, nhiều gia đình đã xây được nhà lầu, mua được xe hơi đắt tiền, cuộc sống sung túc hơn rất nhiều”, chị Mat chủ hiệu tạp hóa chia sẻ. Trưởng ấp Rung Pi cho biết thêm: “Cách đây 10 năm cả Rung Pi chỉ có 30 hộ dân, nhưng hiện nay đã hình thành khu dân cư khá phát triển với hơn 200 hộ dân, hơn một nửa số hộ là làm công nhân cho các dự án, số còn lại kinh doanh buôn bán, trong đó có 22 hộ đã xây được nhà lầu, có 2 cây xăng và hơn 50 xe ô tô. Nhà nước đã xây chợ kiên cố để người dân buôn bán tập trung, xây trường học, chùa. Trước đây làm gì có ti vi để xem truyền hình, giờ đầy đủ cả ti vi, tủ lạnh, điều hòa, mạng wifi, tôi thấy ở đây đời sống của người dân phát triển nhanh hơn các nơi khác”.

Đối với đời sống của người lao động làm trong các dự án cao su đóng trên địa bàn, thì cũng thay đổi rõ rệt cả về nhận thức, lẫn đời sống tinh thần, vật chất. “Thời xây dựng cơ bản tôi cũng đã làm công nhân của nông trường, nhưng sau đó tôi bỏ lên thủ đô làm bảo vệ, nhưng lương thấp không đủ sống nên xin về lại làm công nhân cạo mủ. Trải qua 4 năm làm công nhân cạo mủ cao su, đời sống của gia đình ngày càng khấm khá lên, gia đình tôi có điều kiện để sắm các vật dụng đắt tiền, như ti vi, tủ lạnh, mua và nuôi 3 con bò, chiếc xe Dream đời 2019 này giá 2.300 USD. Nếu không làm công nhân cạo mủ thì làm sao gia đình tôi đủ tiền mua xe. Quyết định trở về làm công nhân khai thác mủ cao su là sáng suốt của hai vợ chồng tôi”, anh Choi Sa Don, công nhân cạo mủ đội 5, Nông trường Ou Tuek Thla, Công ty Cao su Bà Rịa Kampong Thom chia sẻ.

Ông Keo Sanh, Chủ tịch xã Krayea cho biết: “Xã tôi rất may mắn khi có 4 công ty cao su đóng trên địa bàn, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, không những ở địa phương mà cả những nơi khác tới lập nghiệp, từ đó đời sống kinh tế xã hội của xã phát triển rất mạnh mẽ về mọi mặt, trong 10 năm qua là xã có tốc độ phát triển nhanh nhất trong tỉnh, đặc biệt là ấp Rung Pi. Cơ sở hạ tầng, điện đường trường trạm được đầu tư lớn, người dân thì có của ăn của để”.

NGUYỄN DƯƠNG