Nổi dậy ở đồn điền cao su

CSVN Xuân – Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân các đồn điền cao su nhiều nơi đã vùng lên chống lại địch, giành quyền kiểm soát các đồn điền nhiều ngày liền, mà tiêu biểu là ở vùng cao su Bà Rịa – Long Khánh.ii-2

Tháng 10/1967, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết xác định nhiệm vụ trọng đại và cấp bách: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định”.

Thực hiện nhiệm vụ quan trọng trên, cuối năm 1967, đ/c Lê Sắc Nghi tức Bảy Nghi, khi đó là Trưởng ban Công vận khu Đông Nam bộ, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Long Khánh (sau này là Tổng cục phó Tổng Cục Cao su) đã cử một đoàn cán bộ tăng cường cho vùng cao su Bà Rịa – Long Khánh với các đ/c Tư Công, Năm Yên, Hai Rỡ, Ba Liễu, Sáu Cội, Năm Yên, Tư Vơ, Tư Ưu, Ba Khang.

Đảng ủy vùng cao su Bà Rịa – Long Khánh khi đó gồm 8 người với 55 đảng viên sinh hoạt trong 17 chi bộ, do 2 đ/c Phan Văn Thái, Nguyễn Văn Công làm bí thư và phó bí thư. Khu vực hoạt động của Đảng ủy đồn điền gồm 33 đồn điền, sở cao su và 2 xã Thới Giao và Tân Lập của huyện Xuân Lộc.

Từ ngày 27 – 30/12/1967, Đảng ủy đồn điền đã tổ chức hội nghị và xác định nhiệm vụ của toàn Đảng bộ: “Hưởng ứng cuộc tổng tiến công và nổi dậy của Trung ương, đẩy mạnh cuộc phát động quần chúng công nhân cao su kết hợp với vũ trang nổi dậy mạnh mẽ diệt ác phá kềm, tích cực và kiên quyết tiêu hao, tiêu diệt, làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền”.

Đặc biệt, để tạo tính thần tốc, bất ngờ, Đảng ủy đồn điền đã cho anh em chiến sĩ, cán bộ, công nhân học theo hoàng đế Quang Trung xưa, tiến hành ăn Tết sớm từ ngày 25 đến 30 tháng 12 âm lịch, để tập trung toàn lực đánh đòn bất ngờ vào đúng đêm mùng một Tết. Khi xưa, vua Quang Trung đã từng cho quân ăn Tết sớm, sau đó thần tốc đưa quân từ Qui Nhơn ra Hà Nội, đi liên tục đêm ngày không nghỉ (theo kiểu hai lính cáng võng cho một lính ngủ), rồi cứ thế mà đi ròng rã, thần tốc tiến quân ra thành Thăng Long, đánh tan 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu, giải phóng đất nước khỏi họa xâm lăng vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789.

Đêm mùng một rạng ngày mùng hai Tết Mậu Thân (tức đêm 31/1 rạng sáng 1/2/1968), cùng với tiếng súng tấn công của quân dân khắp nơi, cán bộ chiến sĩ ta dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy đồn điền đã đồng loạt nổ súng tiến công vào các đồn bót địch trong các đồn điền cao su, phối hợp cùng lực lượng công nhân cao su nổi dậy diệt ác phá kềm, đứng lên làm chủ đồn điền.

Cuộc vùng lên chiến đấu của công nhân cao su hàng trăm người diễn ra từ các đồn điền trên quốc lộ 1 như Trảng Bom, An Lộc, Suối Tre, lộ 15 như Bình Sơn, đến lộ 20 như Dầu Giây, Bình Lộc, Túc Trưng,  rồi tỉnh lộ 2 như Hàng Gòn, Ông Quế, Cẩm Mỹ… Ngoài một số trực tiếp chiến đấu, nhiều công nhân cao su tham gia làm công tác địch vận, dùng loa kêu gọi binh lính ngụy buông súng trở về với nhân dân; hoặc tham gia đi dân công tải vũ khí, lương thực từ chiến khu Đ về để phục vụ cho cuộc tiến công và nổi dậy…

Đáng chú ý là ở đồn điền Trảng Bom, công nhân cao su đã nhiệt tình giúp đỡ cho đại đội 64 bộ đội địa phương do đ/c Ba Kiên chỉ huy tấn công làm tan rã đồn lính do đại đội 705 bảo an ngụy đóng giữ. Thoạt đầu, đồn này do tên đại úy Nhâm làm đồn trưởng còn cố thủ, nhưng bên ta đã làm tốt chính sách binh vận, vận động thân nhân của họ cầm thư của ta vào đồn địch kêu gọi binh sĩ ngụy buông súng trở về với nhân dân.

Trước lời lẽ quyết liệt mà nhân hậu của các bức thư, nhiều binh lính ngụy đã bỏ cuộc chiến đấu trở về nhà. Thấy lính của mình lần lượt đào tẩu, tên đại úy Nhâm rất tức giận nhưng không dám manh động, để rồi đến ngày mùng hai Tết thì y cũng lén bỏ vị trí, trốn về Sài Gòn. Nghe đâu, do đến trình diện trễ hạn, y đã bị buộc tội đào ngũ, bị lột lon rồi đưa đi lao công đào binh.

Cùng với tình hình chung của cả nước, cuộc tổng tấn công và nổi dậy của ta ở các đồn điền chỉ trụ được trong mấy ngày Tết, rồi sau đó quân ngụy với sự chi viện mạnh mẽ của quân Mỹ và các chư hầu đã dần kiểm soát trở lại miền Nam. Tuy chưa giành được thắng lợi hoàn toàn, nhưng đây là tiền đề cực kỳ quan trọng để ta làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.

Những đồn điền trên trước đây thuộc Công ty đồn điền cao su Đông Dương (Société Indochinoise des plantations d’ Hévéas, viết tắt là SIPH) nay thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai – từ năm 1975 đến nay luôn làm ăn căn cơ, hiệu quả, đời sống cán bộ công nhân ổn định. Từ những đóng góp đầy ý nghĩa vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ, trong đó có cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2005.

Tạ Tuyên