Buồn vui đời nhạc công không chuyên

CSVN – Dù nhận tiền theo hình thức nào thì hằng đêm các “nhạc công nghiệp dư” cũng mong cho có thật nhiều “bông”. Những hôm “bông cao” nhạc công cũng vui lây theo các chủ quán hay bầu sô.
 Nghề nhạc công không chuyên có lắm buồn vui
Nghề nhạc công không chuyên có lắm buồn vui
Có “máu” văn nghệ

Nói “nhạc công không chuyên” là nói về những người chơi nhạc cho các ban nhạc tự phát, do một “ông bầu” hoặc người nào đó có chút vốn cộng với “máu”…văn nghệ lập ra. Sau đó chuyên nhận “sô” hát cho đám cưới, đám tang hoặc phối hợp cộng tác với các tụ điểm nhậu nhẹt, nhà hàng, cà phê có thêm giấy phép kinh doanh “nhạc sống” hoặc “hát với nhau”.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, một tay nhạc công năm nay 52 tuổi với gần 20 năm trong nghề, có biệt tài chơi rất giỏi các điệu dân ca Nam bộ, từng giao lại mấy héc-ta cao su tiểu điền ở quê nhà Tân Phước Khánh (Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cho vợ con canh tác rồi bỏ tiền sắm sẵn cho mình một cây organ Yamaha “xịn”, bắt đầu chiêu mộ “nhân tài” mở ban nhạc Hoàng Văn.

Thời gian sau, có lẽ “tiếng lành đồn xa” đã đưa anh Nguyễn Đình Lịch, 43 tuổi, từng là tay guitar của các đoàn ca nhạc tạp kỹ, cải lương… ở bên tỉnh Đồng Nai xin được về “đầu quân”. Anh được anh Hoàng giao đánh solo mỗi đêm thứ bảy, chủ nhật ở một vài quán cà phê, quán nhậu có “hát với nhau”, còn những hôm khác nếu có “sô” đám cưới, đám ma sẽ được gọi đi làm “đột xuất”. Trong ban nhạc Hoàng Văn còn có anh Trần Đại Lộc, một tay đàn cổ vốn trước đây chỉ chơi đờn ca tài tử ở Thủ Đức (TP.HCM), nếu thời gian không phải đi đánh đàn thì anh hành nghề chay xe Honda “ôm” loanh quanh khu công nghiệp Sóng Thần 1.

Tối nọ, chúng tôi thử theo chân anh Hoàng đến một quán nhậu có “hát với nhau” nằm trên địa bàn thị trấn Dĩ An (tỉnh Bình Dương) để xem anh đảm nhận chương trình.

Khi công việc chính thức kết thúc vào lúc gần 23 giờ khuya, anh Hoàng bèn đổ thùng “tiền bông”, đếm được tổng cộng 1 triệu 120 nghìn đồng, bèn chi trả tiền cho “em-xi” (người dẫn chương trình) 120 nghìn đồng, tiền ca sĩ (hai người, 400 ngàn đồng), tiền thuê dàn âm thanh (của một nơi chuyên cho thuê dàn tại Thủ Đức) 200 nghìn đồng, tiền cho tay chơi guitar 150 nghìn đồng, trả tiền xăng xe 50 nghìn đồng, còn lại đúng 200 nghìn đồng bỏ… túi riêng.

Sống nhờ tiền “bông”

Anh Hoàng cho biết thêm: “bông” đây là tên gọi chung cho những cành hoa hồng bằng nhựa được nhét thêm vào đó những… tờ giấy bạc. Khi mới xuất hiện phong trào hát với nhau, chủ các quán cà phê, quán nhậu thường phải bỏ
tiền thuê nhạc công đến đánh đàn để câu khách. Dần dà, khi thấy xuất hiện chuyện khách hay tặng hoa cho ca sĩ, “boa” tiền cho người chơi đàn… các chủ quán nhận ra rằng có thể dùng nguồn tiền “boa” này để trả công cho ban nhạc luôn và thế là hình thức tặng hoa kèm theo tiền ra đời và được giới nhạc công gọi là “tiền bông”.

Hiện có ba hình thức sử dụng những đồng “tiền bông” này. Thứ nhất là chủ quán lấy hết và nhạc công chỉ được trả một khoản catsê cố định, có nơi tỏ ra hào phóng hơn khi thỏa thuận gửi lại nhạc công từ 30 – 50% “tiền bông”. Thứ hai, là bầu sô, như trường hợp anh Hoàng, đảm nhận làm chương trình ca nhạc sẽ thu giữ lại, sau đó có nhiệm vụ phải trả catsê cho nhạc công, ca sĩ hát lót, “em-xi”, trả tiền thuê dàn âm thanh, xe vận chuyển.

Và cuối cùng, dạng khá hiếm, là nhạc công tự đứng ra nhận làm chương trình và vừa đàn vừa… hồi hộp nhìn theo “tốc độ và chất lượng” những cánh hoa có kẹp tiền do khách mang lên tặng. Những đêm vắng khách, “bông thấp” lèo tèo dĩ nhiên nhạc công “mặt chau mày dột” dù đang chơi toàn những bài bản nhạc vui!

Chuyện nghề của nhạc công cũng vô số tình tiết cười ra nước mắt. Ví dụ như chuyện khách hàng hát rồi cự cãi lại nhạc công là chuyện thường ngày. Đánh đàn cho người biết hát thì dễ, còn đánh cho người vừa không biết hát lại vừa… “xỉn” mới rõ khổ! Tất nhiên, giới nhạc công quán nhậu ai cũng thuộc lòng câu “một câu nhịn là chín sự lành”. Cho dù khách hàng nói quàng xiên, trách móc hay chửi bới gì vẫn cứ “im lặng là vàng”.

Có lẽ cũng vì không thuộc nằm lòng câu châm ngôn kể trên mà Tuấn Toàn – một tay chuyên chơi organ ở một quán nhậu nằm trên đường Tên Lửa, quận Tân Phú – dám cự cãi lại một ông khách và kết quả là anh nhận ngay một bạt tai từ vị khách đang say, tiếp theo còn bị chủ quán quyết định cho nghỉ việc!

Nguyễn Sinh