Nguồn gốc giống cao su do ông E. Rauol đưa vào Việt Nam

Kỳ 4

Vườn cây cao su bảo tồn tại Lô 9 Nông trường Dầu Giây, TCT Cao su Đồng Nai.
Vườn cây cao su bảo tồn tại Lô 9 Nông trường Dầu Giây, TCT Cao su Đồng Nai.

Chúng tôi đặt nhiều hy vọng vào hồ sơ lưu trữ của Vườn thực nghiệm Buitenzorg, nay chuyển thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây công nghiệp, để xác minh 2 điểm: Số lượng giống cao su, hạt hay cây con cung cấp cho phái đoàn Raoul-Lemaríe; Thời điểm cung cấp giống.

Sau 6 tháng chờ đợi, ngày 2 tháng 8 năm 1996 chúng tôi được Dr. Pasril Wahid, Giám đốc Trung tâm Buitenzorg trả lời như sau: “Căn cứ theo lịch sử nghiên cứu khoa học Indonesia năm 1996 và từ điển tổng quát Indonesia năm 1993 thì hạt giống cao su H.B là do ngài H. Wickham thu nhặt ở lưu vực sông Amazone và đưa về Anh…”. Chúng tôi xin cảm ơn Dr. Pasril Wahid đã có nhã ý trả lời cho chúng tôi…

Theo ông Bouychou thì trong phái đoàn của ông Raoul năm 1897, có ông Lemaríe. Nghe nói ông Lemaríe có viết một cuốn sách mang tên “les produits de l’ Indochine” cùng với ông Crévost; sách xuất bản  năm  1918.  Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm được cuốn sách của ông Lemaríe mà trong ấy có thể có nói về tông tích của cây H.B được ông Raoul đưa vào Việt Nam.

Chúng tôi cũng gặp một trở ngại là thư viện còn rất ít sách cũ (trước 1975). Trong khi chờ đợi có những tài liệu xác đáng hơn, hiện nay chúng tôi cho rằng những hạt cao su đầu tiên do ông Raoul gởi về Sài Gòn với số lượng lớn là lấy từ Vườn thực nghiệm Bogor (Java) năm 1897. Nhưng sau đợt nhập giống này, các đợt sau (cuối 1898 của Dr. A.Yersin, đầu năm 1899 của Phòng Nông nghiệp Sài Gòn, các đợt nhập giống của ông Belland) là nhập của Ceylan. Như vậy cao su Việt Nam có 2 nguồn gốc: Java và Ceylan (2).

 Các cuộc thử nghiệm đầu tiên

Do Nhà nước và tư nhân cùng làm. Nhà nước dựa vào số giống do ông Raoul gởi về Sài Gòn: theo ông Haffner thì số cây ương được phân phối như sau:

  • 1.000 cây cho Trạm thực nghiệm Ông Yệm
  • 200 cây cho A.Yersin
  • 200 cây cho ông Canavaggio để trồng ở Thủ Đức dưới tán rừng thưa và 100 cây để cho ông này trồng ở nhiều loại đất khác nhau.
  • 100 hạt cho ông Josselme.

Ông Josselme là giáo sư trường Trung học Chasseloup Laubat và là một nhà trồng tỉa ở Gò Vấp. Năm 1888 ông đã kiến nghị với chính quyền thuộc địa trồng cây cao su H.Brasiliensis gọi là cây cao su Pava. Năm 1898 ông Josselme lại đề nghị với phòng Nông nghiệp Nam kỳ trồng thử nghiệm cây H.B, cây Castilloa elastica và cây Ficus elastica bằng cách giao cho các nhà trồng tỉa thực hiện, ai làm tốt sẽ được thưởng nhằm mở rộng diện tích thực nghiệm trên nhiều địa bàn khác nhau.

Vào thời điểm này các nhà trồng tỉa không có lòng tin đối với các cơ quan khoa học và kỹ thuật của nhà nước sau vụ Vườn thực vật Sài Gòn tuyên bố rằng cây cà phê Liberia không thích hợp với khí hậu của Nam kỳ. Họ muốn được tham gia làm công tác thực nghiệm di nhập các loại cây mới.

 Tại trạm Ông Yệm và một số tư nhân người Pháp

Việc thử nghiệm cao su của nhà nước là ở trạm Ông Yệm (Bến Cát). Một ngàn cây cao su non được giao cho trạm và cùng một lúc với 200 cây chuyển cho Dr.A.Yersin, vào khoảng tháng 10 năm 1897, nhưng các lô thửa thí nghiệm chưa tổ chức xong, nên mãi đến năm 1898 trạm Ông Yệm mới trồng trên diện tích 8,5 ha. Theo ông G.Capus, trong báo cáo gởi lên Toàn quyền Đông Dương năm 1900 thì đất thí nghiệm cao su bị xói mòn nặng, nghèo mùn và nhiều cát. Tuy nhiên sau 2 năm, số cây còn lại mọc khỏe, nhưng không đều.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp Nam kỳ, năm 1910, thì các cây cao su đầu tiên năm 1898 được trồng trong một vùng đất trũng, ẩm thấp nên chỉ còn 300 cây, phát triển không đều. Vì vậy đến năm 1906 vẫn chưa mở miệng cạo được. Trên một vùng đất cao, cây cao su mọc tốt, cao và to, nhưng chỉ còn 90 cây, được mở miệng cạo năm 1908 (tức là 10 năm sau khi trồng).

Trạm thực nghiệm Ông Yệm, lúc ấy do ông Haffner là Giám đốc Sở Nông nghiệp Nam kỳ phụ trách, đã hiểu lầm rằng cây H.Brasillensis ưa thích đất ẩm thấp, thậm chí ngập úng, vì vậy một số lớn cây cao su nhận được từ 1897 đã bị chết vì không đúng đất.

(Xem tiếp kỳ sau)

T.S (trích từ sách “100 năm cao su ở Việt Nam” của ông Đặng Văn Vinh)