Thiêng liêng – Tượng đài Chi bộ Phú Riềng Đỏ

CSVN – Chiều nắng. Con đường nhựa chạy vào thôn 1, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) ít có người, xe qua lại. Gió reo trong từng lá cờ đỏ dài theo khuôn viên tượng đài lịch sử Đảng – Chi bộ Phú Riềng Đỏ. Tiếng lá, tiếng hoa như được trổ mầm trong lòng đất thầm thỉ tiếng con suối Đá, làng 3. Nơi những cánh tay tuyên thệ đêm thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên. Tôi như lắng lại hơi thở mình, trước bao cảm xúc dồn nén, nơi cõi thiêng liêng một thời “Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng”…

Dâng hương tại tượng đài Phú Riềng Đỏ
Tượng đài thiêng liêng màu nhựa trắng

Tượng đài Chi bộ Phú Riềng Đỏ được xây dựng với lòng tri ân cao quý nhất, nhằm ghi dấu một sự kiện quan trọng vào đêm 28/10/1929, tại khu rừng suối Đá, làng 3 (nay thuộc Công ty CP Cao su Đồng Phú) Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập đã đánh dấu một mốc son lịch sử của ngành cao su Việt Nam nói riêng và khu vực miền Đông Nam bộ nói chung. Kể từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng của đội ngũ công nhân cao su và nhân dân các tỉnh miền Đông đã thay đổi. Từ những cuộc đấu tranh nhỏ lẻ, tự phát trong công nhân đã trở nên phong trào đấu tranh có tổ chức chặt chẽ, có mục tiêu và phương pháp đấu tranh cách mạng đa dạng, phong phú, với sự lãnh đạo sáng suốt, kiên cường của Chi bộ cộng sản trong đồn điền cao su mà thực dân Pháp cai trị.

Tượng đài là chứng tích đau thương bất hủ, là máu đổ thành dòng để viết lên khúc ca hùng tráng “Không có gì quý hơn độc lập – tự do”. Tượng đài Chi bộ Phú Riềng Đỏ như một tháp chuông màu trắng trên đỉnh gắn búa liềm. Phải chăng, đó là hình ảnh tượng trưng của muôn vàn dòng nhựa cao su kết tinh lại của một thời “Kiếp phu đổ lắm máu đào/ Máu loang mặt đất, máu trào mủ cây/ Trần gian địa ngục là đây/ Đồn điền đất đỏ nơi Tây giết người”.

Luôn hướng về cội nguồn dân tộc

Anh Bùi Quang Ly, 47 tuổi, quê tỉnh Quảng Trị là tổ trưởng tổ bảo vệ khu vực liên tổ 3, nơi có di tích cách mạng Chi bộ Phú Riềng Đỏ. Anh Ly có mặt từ ngày đầu nên tường tận mọi điều, từ xây dựng tượng đài cho đến các đoàn về thăm viếng. Anh xúc động kể: Hàng năm có nhiều đoàn, khách từ 20 người – 500 người một lượt vào thăm viếng.

Các đoàn thể, nhân dân, các bộ, ngành Trung ương, địa phương trên khắp mọi miền Tổ quốc đến thăm viếng như tìm lại cội nguồn. Khi bắt đầu tổ chức kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Chi bộ Phú Riềng Đỏ, kể từ đó đến nay khách các bộ, ngành đến nhiều hơn nơi cội nguồn cách mạng – Chi bộ cộng sản đầu tiên lãnh đạo công nhân đấu tranh phá xiềng xích nô lệ. Cạnh khu di tích hướng cổng chính có nhà bảo vệ liên tổ 3 nối với sân bê tông đậu được hàng chục xe khách, đoàn đến thăm viếng. Chúng em vừa cắt cử bảo vệ các lô cao su của nông trường vừa gìn giữ bảo vệ khu di tích cách mạng Phú Riềng Đỏ.

Cụ Hà Cao Khải, sinh năm 1930, 72 năm tuổi Đảng, ngụ ấp Thuận An, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú từng trải qua những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xúc động nói, khi tôi đến chúc thọ cụ: “Hằng năm, cứ đến ngày thành lập Chi bộ Phú Riềng Đỏ và Tết Nguyên đán là ông kêu con cháu đưa đến tượng đài Chi bộ Phú Riềng Đỏ. Tại đây, ông như thấy lại những năm tháng đen tối khổ ải của công nhân lao động và cũng tự hào làm người công dân, người đảng viên trên quê hương Bình Phước anh hùng. Nơi đây còn là cái nôi cách mạng của lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam trước năm 1930…

Tượng đài Chi bộ Phú Riềng Đỏ là mốc son chói lọi của sự đoàn kết đấu tranh chống mọi áp bức nô lệ. Là tinh hoa của dân tộc truyền thống mấy nghìn năm giữ nước. Là khí phách anh hùng bất khuất thà hy sinh chứ không chịu làm nô lệ. Thiêng liêng tượng đài Chi bộ Phú Riềng Đỏ là khúc tráng ca muôn thủa để con cháu soi vào…

NGUYỄN DUY HIẾN