Những “chiến binh” thầm lặng

CSVN – Tôi vẫn thích gọi họ như vậy bằng tất cả tình cảm quý mến và trân trọng nhất. Những con người bình thường, thuộc nhiều thành phần trong xã hội, công việc hằng ngày, đôi khi không mấy liên quan đến ngành cao su, nhưng đâu đó, ta vẫn thấy sự hiện diện của họ trong quá trình lao động sản xuất và sự đóng góp không hề nhỏ của lực lượng này trên con đường phát triển mạnh mẽ của ngành cao su trong những năm tháng vừa qua.

Đội ngũ thợ phụ đóng góp không nhỏ mang đến những dòng nhựa trắng. Ảnh: Mạc Thị Hồng Hạnh.

Ngược dòng thời gian, từ sau ngày thống nhất đất nước, ngành cao su tiếp quản những đồn điền của tư nhân đã già cỗi, cơ sở hạ tầng gần như bằng không. Nhiệm vụ đưa ngành cao su trở thành ngành kinh tế trọng điểm cực kì khó khăn. Để trở thành một tập đoàn lớn mạnh và phát triển không ngừng như ngày hôm nay, là cả một sự nỗ lực không mệt mỏi của từng cá nhân từ cán bộ cho đến công nhân lao động trong ngành.

Từ sau 30/4/1975, một số lượng lớn dân nhập cư từ các tỉnh thành miền Bắc và miền Trung là nguồn nhân lực dồi dào cho hàng loạt các nông trường mới. Với đức tính cần cù, siêng năng, chịu khó vốn có từ ngàn đời, họ đến để xây dựng nông trường, tạo dựng cuộc sống và mang theo một sắc thái của văn hoá làng xã, vùng miền về với quê hương mới.

Trong hộ gia đình, ngoài những người là công nhân cao su còn có những thành viên làm công việc khác nhau như: công nhân xí nghiệp, giáo viên…, đây chính là lực lượng, là nhân tố luôn chia sẻ và hỗ trợ trong công việc của người công nhân, góp phần không nhỏ vào sự thành công của ngành.

Bởi nét đặc thù của nghề khai thác mủ cao su là tính thời điểm và thời vụ nên nếu tối ưu hoá được thì hiệu suất công việc rất cao. Đơn cử, nếu ta cạo dứt dao, xong một vườn cây sớm lúc trời còn mát thì lượng mủ sẽ nhiều hơn hoặc vào mùa gia tăng, thời tiết thuận lợi, nếu cạo đúng kĩ thuật và dứt điểm sớm thì năng suất sẽ tăng lên rõ rệt. Chính dựa vào nét đặc thù này mà lực lượng lao động phụ đã giúp sức cho những người thân của mình trong công việc cạo mủ trở nên nhẹ nhàng hơn và năng suất được nâng cao hơn nhiều lần.

Trong tổng kết cuối năm, có những công nhân được khen thưởng đạt 200%, thậm chí đến 300% sản lượng được giao. Có thật sự họ giỏi đến như vậy không? Hoàn toàn chưa phải là như vậy!

Phần nhiều nhờ có lao động phụ nên họ nhận thêm cây từ những phần còn trống để giúp cho tổ, bù lại thu nhập cá nhân sẽ tăng lên.

Nếu các bạn ái ngại và tự hỏi, liệu lực lượng này tay nghề sẽ thế nào? Thì xin các bạn yên tâm, đa phần lực lượng trợ giúp có trình độ văn hoá nhất định nên họ tiếp thu kĩ thuật cạo mủ cũng khá dễ dàng và mau chóng.

Nhìn chung, người công nhân cao su đã mang theo văn hoá Việt về nông trường mới, đó là văn hoá của tình yêu thương, chia sẻ khó khăn cùng nhau của các thành viên trong gia đình. Ngoài những giờ nơi công sở, trường học, đổi ca, giao ca, những ngày nghỉ… những “chiến bình” này lại cùng những người thân của mình miệt mài “chiến đấu” trên vườn cây. Ngày đông tháng giá hay mùa hè oi bức họ vẫn chuyên tâm không nản lòng. Những lúc trái gió trở trời, người công nhân đôi khi ngã bệnh nhưng quyết không để vườn cây nghỉ cạo ngày nào bởi đã có mặt những trợ thủ đáng yêu rồi, còn lo gì nữa.

Ngày qua tháng lại, rồi cũng đến cuối năm, nhìn người thân được tặng giấy khen, phần thưởng rồi nào là đi chơi, nghỉ mát. Vào mùa lá rụng là lúc những “chiến binh” nở nụ cười thật mãn nguyện và hạnh phúc.

Cuộc sống cứ xoay vần và những “chiến binh” ấy ngày ngày vẫn miệt mài đi về với công việc của mình và luôn là người trợ thủ đắc lực cho người thân, góp một phần nhỏ vào sự phát triển và thành công của ngành kinh tế mũi nhọn trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế quốc dân.

NGUYỄN HƯNG