Truyền thống là ngành động lực

  • Chuẩn bị vào mùa nước rút rồi, hy vọng giá mủ nhích lên tý cho anh em mình phấn khởi Tư Mủ nhỉ.
  • Mong lắm thay, chứ tình hình này làm sao có tinh thần đây ông ơi.
  • Ủa, lạ nha. Cái tinh thần cần cù chịu thương chịu khó của công nhân cao su mình đâu rồi, truyền thống Phú Riềng Đỏ hào hùng của ông đâu rồi? Lấy đó làm động lực chứ!
  • Nghe Hai Cạo nói vậy chắc sắp tới ngày truyền thống ngành rồi phải không. Vậy phải dùng ý này để đi động viên anh em đồng nghiệp mình thôi.

HAI CẠO

Thi đua về đích

Bốn tháng nước rút thi đua

Nỗ lực vượt khó vào mùa tăng ca

Hăng say lao động tổ ta

Phấn đấu về đích – đó là mục tiêu

Gian nan vất vả trăm điều

Giá mủ thấp, mưa gió nhiều …sá chi

Đồng lòng đoàn kết quản gì

Sức mạnh truyền thống khắc ghi trong lòng

94 năm ngọn cờ hồng

“Dòng chảy cuộc sống” khơi thông vững bền

Năng suất vượt – Sản lượng lên

Vinh danh 2 tấn ghi tên bảng vàng.

                                    THÀNH NAM

Cạo gì

Đêm qua, ông trời trở chứng mưa dầm dề đến sáng, vườn cây cao su ẩm ướt nước mưa, phải nghỉ cạo. Cũng như bao lần khác, chúng tôi lại rủ nhau đến nhà thăm bác Tám phu công- tra.

Bác rất vui có con cháu đến nhà chơi. Bác dặn dò:

– Bây mà nghỉ cạo ngoài lô, thì ghé vô nhà bác cạo… cái khác giùm bác, đừng để bác trông nghen!

– Cạo cái gì hả bác? – Chúng tôi thắc mắc.

Bác chỉ cười trừ. Tới giờ ăn cơm, chúng tôi được ăn các món đồng quê dân dã tự làm như: gà rô ti, cá lóc kho tộ, tép càng xanh lột vỏ nấu canh bầu bí. Đó là thực phẩm từ gà thả vườn, cá dưới ao, tép dưới mương nhà bác bắt đem lên mần thịt. Được mấy cô nữ thợ cạo khéo tay có bác đạo diễn nữa, cho nên nấu món nào cũng hợp khẩu vị, vừa miệng, lại ăn cùng với cơm ruộng nấu củi mà hương vị càng ngon đậm đà. Ăn cơm xong, tém dẹp tàn tro đâu đó thì ăn trái cây: cam, bưởi, ổi… đủ loại, uống nước trà gừng nóng thơm nồng cay cay thiệt đã.

Bác nhìn chúng tôi ăn mà vui lắm:

 – Bây ăn ráng cho hết kẻo bỏ phí nghen! Còn đứa nào khi nãy thắc mắc cạo gọt gì đó thì bác giải thích luôn. Chuyện cạo ở nhà bác hổng giống với chuyện cạo mủ ngoài vườn cây cao su đâu. Bữa nay, bây đã cạo giùm bác xong rồi, cho bác cám ơn. Đến nhà bác là phải nhiệt tình, không khách sáo vậy mới được. Lần sau, nhớ đến chơi với bác cho vui. Bác gái bây, nay đi thăm cháu cố mấy ngày mới về lận, bả cũng trông lắm, cứ nhắc bây hoài.

Chúng tôi cảm ơn bác, mà lại ngớ ngẩn nhìn nhau chẳng biết đã cạo giúp bác việc gì để bác phải mang ơn lại con cháu. Nghe nói thế, ông Tửng vốn ít nói cũng phân trần:

– Ông Bi ra vườn bắt gà mần thịt, ông Mèo câu cá lóc dưới ao, ông Ca xúc tép dưới mương, ông Hổ hái cam, bưởi, ổi. Mấy bà Thảo, Hồng, Lê… chế biến món ăn, nấu cơm. Ừ, cũng đâu có từ nào dính dáng tới cạo gọt gì đâu hén?

Bà Lê như hiểu ra, cười khục khục… còn lấy tay che miệng nói:

– Là cạo… nồi đó mấy cha nội ơi!

Bà Thảo chêm vô:

– Lần nào vô nhà bác, mấy ông ăn cơm cũng cạo… nồi sạch bách cơm cháy dưới đáy nồi. Cơm cháy nấu củi ăn ngon thiệt. Nhưng mà ông Tửng hơi mạnh tay cạo nồi phát nào kêu phát đó: gột, gột (rột rột) bự chà bá…

Chúng tôi lại phá lên cười gòn giã… thật vui, mà cũng xấu xí quá trời.

NGUYỄN CỦ CẢI