Thú vị nghề MC đám tiệc

CSVN – Là nhân vật thổi hồn cho không khí các buổi tiệc hoặc các chương trình hội chợ, sự kiện… thêm vui tươi náo nhiệt, các bạn trẻ làm MC luôn tự tin, năng động, tràn đầy sức sống và tự hào về công việc thú vị này của mình.
 Một MC đang tạo không khí trên sân khấu
Một MC đang tạo không khí trên sân khấu
Đòi hỏi nhiều kỹ năng

Ngày nay, nhu cầu tìm kiếm MC (viết tắt từ tiếng Anh Master of Ceremonies, tạm dịch là người dẫn chương trình) cho các chương trình tiệc tùng, sự kiện ngày càng nhiều đã tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ, gây nhiều áp lực cho MC. Vì thế, để ghi được dấu ấn trong lòng khán giả, các bạn trẻ luôn phải biết tạo cho mình phong cách riêng. Bạn Ngô Thị Linh Phương, năm nay 24 tuổi, khá xinh đẹp, vốn xuất thân từ một gia đình công nhân cao su ở Đồng Nai, hiện là sinh viên Trường ĐH Khoa học – Xã hội & Nhân văn TP.HCM, thường tranh thủ những ngày nghỉ để làm MC cho các chương trình đám cưới, sinh nhật, tiệc mừng thọ…

[stextbox id=”stb_style_259398″]Bạn Ngô Thị Linh Phương chia sẻ rằng mãi không thể quên được lần đầu tiên mà bạn dẫn tiệc cưới. Phương vẫn nhớ như in cái cảm giác mà khán giả cười rầm lên khi cô đọc nhầm tên mẹ của cô dâu lại là tên của cô dâu. Và trong một tiệc mừng thọ khác của một cụ bà năm ấy đã 80 tuổi, khi giới thiệu bà bước ra trình diện trước các quan khách, không hiểu sao Phương lại nói nhầm một câu khiến khán giả bật ra cười nghiêng ngả, cũng may là họ không… giận! Đó là câu: “Kính thưa quý vị! Xin mời tất cả quý vị hãy cùng hướng tầm nhìn về sân khấu chính bởi ngay sau đây là sự xuất hiện của đôi tân lang và tân giai nhân!” (?)[/stextbox]

Phương khoe: “Công việc giúp em tự tin, biết cách ứng xử khéo léo hơn. Mỗi lần được đứng trước khán giả, em có điều kiện thay đổi bản thân từ cách thể hiện sắc thái, ngôn từ, trang phục… Qua đó, em thấy mình luôn “mới” trong mắt mọi người”. Tương tự, bạn Đặng Minh Phượng, 30 tuổi, hiện đang là MC “ruột” của một số nhà hàng tiệc cưới ở khu vực Chợ Lớn, TP.HCM, cho rằng: “Nhiều người thường nghĩ MC chỉ cần thuộc kịch bản, có chất giọng tốt là làm được. Nhưng khi vào nghề tôi mới hiểu rằng phải nói sao cho lôi cuốn, thu hút sự chú ý của tất cả mọi người mới gọi là thành công”.

Đào tạo MC hiện nay chỉ là hoạt động "đi tắt đón đầu"
Đào tạo MC hiện nay chỉ là hoạt động “đi tắt đón đầu”

Cô nói thêm: “Ngoài yếu tố ngoại hình, khả năng ăn nói lưu loát thì kiến thức rộng, vốn từ phong phú và cái “duyên” trên sân khấu cũng là những điều tối quan trọng đối với sự thành công của một MC đám tiệc. Hiểu biết rộng, vốn từ phong phú sẽ giúp mình xử lý được những tình huống bất ngờ không có trong kịch bản, tránh được cảm giác nhàm chán cho khán giả. Và điều quan trọng nữa chính là giọng nói lưu loát và cách thể hiện cũng góp phần đáng kể trong thành công của một MC”.

Hoạt động còn thiếu tính chuyên nghiệp

Nhìn chung nghề MC hiện nay đã trở thành một nghề khá hấp dẫn đối với giới trẻ. Tuy nhiên đây vẫn còn là hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp. Ở nước ta cho tới nay vẫn chưa có một trường lớp chính quy chuyên môn đào tạo nghề MC nào. Phần lớn những người dẫn chương trình đều đến với nghề một cách ngẫu nhiên, tự phát bắt nguồn từ khả năng biết cách ăn nói khá hơn người khác chút ít cộng với những quan hệ công việc khiến họ có nhiều cơ hội xuất hiện hơn trước công chúng.

Tại những lớp đào tạo người dẫn chương trình ở các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa quận, huyện hiện nay chủ yếu hướng dẫn các kỹ năng sân khấu, kỹ năng nói chuyện trước đám đông, tức là một cách đào tạo “đi tắt đón đầu” xem ra cũng có chút ít, hiệu quả nhưng chưa thể giúp các MC tương lai một độ sâu tri thức phục vụ cho công việc có thể rất phức tạp sau này. Giáo viên đứng lớp kiểu này hầu hết đều là những MC chuyên nghiệp nên chỉ mang tính truyền nghề. Trong khi ấy, công việc MC lại đòi hỏi phải có kiến thức tốt về nhiều lĩnh vực: chất giọng, cách diễn xuất, nhạc lý cơ bản, lịch sử các loại hình nghệ thuật, hiểu biết về chính trị, văn hóa, xã hội…

Nguyễn Sinh