Cao su ở bảo tàng và mơ ước một bảo tàng cao su

CSVN – Vào tháng 4/2014, Tạp chí CSVN đã phát động Cuộc vận động sưu tầm ảnh tư liệu truyền thống Ngành Cao su, trong toàn ngành. Hưởng ứng cuộc vận động, chúng tôi đã đến các nhà truyền thống của những công ty cao su, và nhà bảo tàng của các tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ, (gọi chung là: Bảo tàng (BT), Nhà truyền thống (NTT)) tiến hành sưu tầm hiện vật có liên quan đến lịch sử phát triển của ngành CSVN. Và, chúng tôi nhận thấy đôi điều còn bất cập…

>> Tạp chí Cao su: Mở cuộc vận động sưu tầm ảnh tư liệu truyền thống ngành

Thẻ công tra của công nhân cao su thời Pháp thuộc - Ảnh được Tạp chí Cao su VN sưu tầm và triển lãm
Thẻ công tra của công nhân cao su thời Pháp thuộc – Ảnh được Tạp chí Cao su VN sưu tầm và triển lãm
Các hiện vật về cao su ở Bảo tàng, Nhà truyền thống

Các tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam bộ được coi là thủ phủ của cây cao su ở VN. Lịch sử phát triển của cây cao su luôn gắn với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc dựng xây đất nước của từng địa phương thuộc miền Đông Nam bộ. Vì lẽ đó, các BT, NTT, đều trưng bày và lưu trữ hình ảnh, tài liệu, hiện vật, liên quan đến lịch sử phát triển của cây cao su VN.

Tuy nhiên, ngoài vị trí trưng bày không thuận lợi, thì những hình ảnh, hiện vật, tài liệu không nhiều, đa phần lại là hình ảnh liên quan về người Pháp xây dựng và phát triển các đồn điền cao su tại VN; Đời sống của phu cao su; Phong trào đấu tranh của công nhân cao su (CNCS) trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đó là, những bức ảnh, những hiện vật, gắn liền với từng sự kiện, từng mốc thời gian, đã giới thiệu với người đến tham quan, tìm hiểu, về một quá khứ thấm đẫm nước mắt, chất chứa tủi hờn, song cũng đầy kiêu hãnh, vinh quang và tự hào của những người CNCS.

Được biết, các BT, NTT, luôn tập trung nghiên cứu, sưu tầm bổ sung các hiện vật liên quan đến lĩnh vực cao su. Nhưng, những hình ảnh, hiện vật, tài liệu… gắn với các sự kiện, các thành tựu của ngành cao su từ ngày đất nước thống nhất đến nay, rất nghèo nàn, không tiêu biểu.

Trong trưng bày, ảnh thường không lồng khung kính, chủ yếu là treo gắn lên tường, hiện vật trưng trên kệ, trong tủ kính; gần như chưa áp dụng kỹ thuật đồ họa, 3D, chưa dùng những chất liệu mới làm bục bệ, vách ngăn, chưa áp dụng kỹ thuật in mới, thiết bị ánh sáng còn hạn chế… Gần như không có phim tư liệu truyền thống, tư liệu khoa học, các video clip, các sách tài liệu, các bảng hướng dẫn, biểu đồ giới thiệu về những vấn đề liên quan tới cây cao su, ngành cao su. Ở các NTT không có phòng chiếu phim.

Đoàn viên thanh niên các đơn vị xem triển lãm ảnh tư liệu truyền thống tại Lễ kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành cao su. Ảnh: Văn Vĩnh
Đoàn viên thanh niên các đơn vị xem triển lãm ảnh tư liệu truyền thống tại Lễ kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành cao su. Ảnh: Văn Vĩnh

Do thiên nhiên khắc nghiệt, cùng với sự tác động liên tục của các điều kiện tự nhiên như: mối mọt, mưa bão,…Và tác động của con người làm cho các loại hiện vật này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ hư hỏng, mất mát. Thiết nghĩ, đồ gốm sứ, đồ đá có chế độ bảo quản tương đối dễ, còn các loại như đồ sắt, đồ gỗ, đồ vải, đồ giấy… thì cần được bảo quản đặc biệt. Đồng thời, công việc phục chế phải được chú trọng để có thể hạn chế tối đa sự hư hỏng của các hiện vật.

Ngoài những hiện vật trưng bày trong các BT, NTT thì các di tích, chứng tích có liên quan đến cuộc sống, sản xuất và liên quan truyền thống đấu tranh cách mạng của đội ngũ CNCS, chưa được chú ý bảo tồn, trùng tu và phục dựng… nên các di tích đang bị xuống cấp, bị con người và thời gian tàn phá.

Việc số hóa các hiện vật một số BT đã tiến hành, ở các NTT thì gần như chưa được quan tâm. Đây cũng là một cách bảo quản hiện vật, cần được chú trọng, nhất là ở các NTT của các công ty cao su.

Việc chú thích hiện vật cả ở BT và NTT, đều chỉ sử dụng một ngôn ngữ là tiếng Việt. Rất ít dùng ngôn ngữ khác. Không những thế tên gọi hiện vật theo ngôn ngữ của đồng bào DTTS, cũng không hề được sử dụng. Như vậy sẽ gây khó cho khách tham quan, nghiên cứu. Rất nhiều trường hợp, cùng một tấm ảnh, nhưng mỗi nơi chú thích một khác. Không chú thích theo dạng gợi kể một câu chuyện, một sự kiện… Rồi thì dán ngay chú thích vào tấm ảnh, vào hiện vật, nhìn rất phản cảm.

Công tác thuyết minh chủ yếu vẫn sử dụng con người, và vẫn đa phần chỉ với một thứ tiếng. Đã đến lúc cần phải được trang bị hệ thống thuyết minh tự động bằng máy cassette mini có tai nghe (earphone) với nhiều thứ tiếng hoặc bằng tivi thuyết minh, hoặc có thể sử dụng màn hình vi tính thuyết minh. Thuyết minh bằng máy có lợi thế là không nói sai, nói thiếu, lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ.

Có một điều ở BT, NTT hiện nay không có khách tham quan. Trong khuôn viên một số BT, NTT hình như cho thuê mặt bằng làm quán café, tổ chức hội nghị, đám cưới, hoặc giữ xe. Lý do có phải vì BT, NTT thiếu hiện vật, hay vì người VN… không thích đi BT!
Các BT, NTT chưa có website, vì vậy việc tìm hiểu thông tin và quảng bá còn vô cùng khó khăn. Vì thế, các BT, NTT cần tiến hành xây dựng website ngay.

Mơ ước có một Bảo tàng cao su

Phải nói rằng, có rất ít ngành có một bề dày truyền thống như ngành cao su. 117 năm cây cao su có mặt tại VN; 85 năm truyền thống đấu tranh cách mạng của đội ngũ CNCS; Trở thành tập đoàn kinh tế nông nghiệp hàng đầu của đất nước.

Triển lãm ảnh tư liệu truyền thống ngành cao su do Tạp chí CSVN thực hiện. Ảnh: Tùng Châu
Triển lãm ảnh tư liệu truyền thống ngành cao su do Tạp chí CSVN thực hiện. Ảnh: Tùng Châu

Giáo dục truyền thống là để nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau không được phép quên lãng những gì tốt đẹp mà các thế hệ đi trước đã dày công nhen nhóm, thắp lửa và tỏa sáng. Đồng thời cũng là để cảnh tỉnh thế hệ hôm nay: Sống phải có ý thức giữ gìn, sống phải có trách nhiệm bảo vệ, sống phải có nghĩa vụ đối với con người, với cây và đất… là những việc làm mà không được có ngày ngơi nghỉ.

Trong nhiều năm nay, Ban lãnh đạo của VRG đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của ngành. Ngoài Phòng truyền thống, một số đơn vị đã xây dựng NTT, nhưng Tập đoàn vẫn chưa có NTT toàn ngành.

Lãnh đạo VRG đã vạch ra kế hoạch xây dựng NTT (mơ ước hơn cả là xây dựng được một Bảo tàng Cao su) để là nơi trưng bày và lưu giữ tài liệu, hiện vật, hình ảnh, chân dung những nhân vật lịch sử, nhằm giáo dục, học tập, nghiên cứu và thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu về ngành CSVN. Đồng thời, sẽ tìm một địa điểm thích hợp ở miền Đông Nam bộ để lập Làng truyền thống CNCS.

Không ai có thể mô tả trọn vẹn hình hài của lịch sử. Tuy còn có những khoảng trống về những bức ảnh, những hiện vật, vẫn còn rải rác ở nhiều nơi, chúng ta phải có trách nhiệm sưu tầm thu thập và bảo quản giữ gìn, để mãi mãi về sau, mỗi khi đứng trước những hiện vật đó, mỗi CB CNV Ngành CSVN sẽ tự ý thức hơn nữa trọng trách của mình đối với những thế hệ cha anh đi trước, đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Hồ Trung Trực