Quản lý suất đầu tư và trồng xen ở Tây Nguyên, miền Trung: Bước đầu hiệu quả

CSVNO – Nhằm đánh giá kết quả thực hiện suất đầu tư (SĐT) và công tác trồng xen canh trong cao su tái canh tại khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền trung (DHMT) từ năm 2015 đến nay, ngày 5/7, tại Chư Păh, VRG đã tổ chức hội nghị để lãnh đạo các công ty 2 khu vực này nêu thực trạng và có ý kiến, đề xuất nhằm triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa hai chủ trương này trong thời gian tới.

>> VRG sẽ tiết giảm 313 tỷ đồng suất đầu tư trong năm 2016

[stextbox id=”stb_style_259398″]Tham dự hội nghị có Chủ tịch HĐTV Võ Sỹ Lực, TGĐ Trần Ngọc Thuận, các Phó TGĐ Nguyễn Văn Tân, Huỳnh Trung Trực, Nguyễn Tiến Đức và Lê Xuân Hòe cùng các Ban chuyên môn VRG, Viện nghiên cứu Cao su VN.[/stextbox]
Đại diện Ban QLKT báo cáo về công tác trồng xen tại hội nghị
Đại diện Ban QLKT báo cáo về công tác trồng xen tại hội nghị

Đã giảm 812,35 tỷ đồng SĐT

Thực hiện chủ trương tiết giảm SĐT, ngày 10/6/2015, HĐTV VRG đã có Quyết định số 183/QĐ-HĐTVCSVN về việc phê duyệt các giải pháp đầu tư và SĐT tối đa trồng và chăm sóc cao su KTCB năm 2015. Theo đó, SĐT bình quân khu vực Tây Nguyên là trên 73 triệu đồng, của DHMT là trên 87,6 triệu đồng. Trong khi đó, SĐT được VRG thỏa thuận với các đơn vị từ 2014 trở về trước của Tây Nguyên là trên 106,5 triệu đồng/ha, DHMT là hơn 98 triệu đồng/ha.

Căn cứ vào diện tích trồng mới, tái canh của các công ty và sự điều chỉnh về SĐT của VRG thì tổng giá trị SĐT trồng mới, tái canh toàn VRG trong năm 2015 đã giảm được 812,35 tỷ đồng, trong đó khu vực Tây Nguyên giảm 149,27 tỷ đồng, DHMT giảm 99,85 tỷ đồng.

Tìm tòi, áp dụng các mô hình, cách thức trồng xen

Cùng với việc giảm SĐT, nhằm nâng cao hiệu quả sử sụng đất, tăng thu nhập cho người CN, các công ty đã tích cực triển khai chủ trương trồng xen canh. Nhiều mô hình trồng xen, nhiều cây trồng được các công ty đưa vào thử nghiệm. Do không có mô hình trồng xen chuẩn, bởi từng vùng miền có sự khác nhau về thổ nhưỡng, khí hậu, cao trình…., nên mỗi đơn vị đã tìm tòi, chọn cho mình mô hình, cách thức trồng xen riêng.

Trồng xen khoai lang trên vườn cây KTCB ở Cao su Quảng Trị. Ảnh: Nguyễn Cường
Trồng xen khoai lang trên vườn cây KTCB ở Cao su Quảng Trị. Ảnh: Nguyễn Cường

Điển hình như Công ty Cao su Chư Sê đã liên kết với Công ty Tây Nguyên Xanh, Công ty Đất Xanh để trồng cà phê, hồ tiêu, cỏ.v.v. trên quy mô lớn. Hay các công ty DHMT thực hiện mô hình trồng gừng, nghệ, sả, các loại cây họ đậu… Chỉ riêng các CTCS ở Tây Nguyên, đến nay đã trồng xen canh trên 1.276 ha, trong đó cây hàng năm như cỏ, các loại đậu, lúa là 589 ha, cây lâu năm là 675,5 ha.

Theo đánh giá của Ban QLKT VRG, bước đầu việc trồng xen đã mang lại lợi ích cho cả người trồng xen và vườn cây cao su. Về mặt kỹ thuật, cây trồng ngắn ngày sau khi thu hoạch có thể tận dụng làm nguồn tủ ẩm, chống xói mòn, cải tạo đất. Về giá trị kinh tế, một số cây trồng xen mang lại thu nhập đáng kể cho CN. Đặc biệt, theo khảo sát của Ban QLKT VRG, việc trồng cây khoai lang Nhật đã đem lại lợi nhuận cho CN từ 40 – 60 triệu đồng/ha và khoảng 3 triệu đồng/ha cho công ty.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả SĐT và trồng xen

Tại hội nghị, các công ty đều đồng tình cao với việc VRG có chủ trương để các đơn vị trồng xen canh nhằm nâng giá trị sử dụng đất, tạo điều kiện hạ giá thành và nâng thu nhập cho CNLĐ. Đồng thời, các đơn vị cũng nêu lên những mặt được và chưa được của việc tiết giảm SĐT và công tác trồng xen canh. Đại diện Công ty Cao su Quảng Nam kiến nghị: Việc VRG cho linh hoạt trong điều hành SĐT là hết sức cần thiết nhưng cần phải cụ thể hóa bằng văn bản pháp lý để các đơn vị yên tâm thực hiện.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐTV VRG Võ Sỹ Lực nhấn mạnh: “Qua 2 năm thực hiện chủ trương trồng xen canh và tiết giảm SĐT, chúng ta thấy rõ đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Về xen canh, các đơn vị cần chủ động hơn, không nên chờ vào hướng dẫn của VRG. Trong những năm tới, VRG tiếp tục tiết giảm SĐT phù hợp với tình hình biến động của giá bán cao su, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác xen canh trên vườn cao su”.

Kết luận hội nghị, TGĐ Trần Ngọc Thuận đánh giá: “Đến nay đã có cơ sở khẳng định chủ trương trồng xen canh là đúng và bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, chủ trương trồng xen là không bắt buộc, chỉ khuyến khích thực hiện theo tình hình thực tế của từng đơn vị”.

TGĐ cũng yêu cầu các Ban chuyên môn VRG tập hợp toàn bộ ý kiến của các đơn vị để tham mưu cho lãnh đạo VRG có những hướng dẫn phù hợp hơn. Đồng thời, đề nghị các đơn vị phối hợp với Viện nghiên cứu Cao su VN, Ban QLKT để tìm ra mô hình phù hợp và phương pháp trồng xen canh tối ưu.

 Văn Vĩnh