CSVNO – Ngày 27/4, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Tổ chức Forest Trends và Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (RRIV) tổ chức Hội thảo Liên kết tiêu thụ sản phẩm cao su tiểu điền: Thực trạng và ý nghĩa đối với sản xuất cao su bền vững tại Việt Nam.
Hội thảo được nghe Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký VRA Võ Hoàng An trình bày tham luận “Chuỗi cung ứng ngành cao su Việt Nam: Một số nét chính và vai trò của cao su tiểu điền”; Tham luận của Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa – Chuyên gia RRIV về “Liên kết tiêu thụ cao su thiên nhiên từ hộ tiểu điền:Thực trạng và một số khía cạnh chính sách”; Tham luận “Liên kết tiêu thụ gỗ cao su từ hộ tiểu điền: Thực trạng và một số khía cạnh chính sách” của Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang – đại diện Tổ chức Forest Trends .
Đồng thời hội thảo còn chia sẻ thông tin và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình liên kết tiêu thụ nông – lâm sản giữa hộ sản xuất và doanh nghiệp hướng tới các sản phẩm sạch, bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu…
Theo đó, năm 2020, giá trị xuất khẩu ba nhóm mặt hàng: cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su, gỗ cao su và các mặt hàng được làm từ loại gỗ này đạt gần 7,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt trên 2,38 tỷ USD, các mặt hàng từ gỗ cao su đạt 2,36 tỷ USD và nhóm sản phẩm cao su đạt trên 3,11 tỷ USD.
Hiện Việt Nam có khoảng 265.000 hộ trồng cao su tiểu điền, với diện tích 479.600ha, tương đương 51% tổng diện tích cao su cả nước. Khoảng 426.000ha trong diện tích cao su tiểu điền đang trong giai đoạn cạo mủ, với lượng cung trên 732.000 tấn mủ quy khô mỗi năm (chiếm gần 62% tổng lượng mủ được khai thác trên toàn diện tích cao su cả nước).
Bên cạnh đó lượng cung gỗ nội địa cũng lớn, bình quân khoảng 5,5 triệu m3/năm. Đây là nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào quan trọng tạo các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ngành cao su đã và đang hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế, đồng nghĩa với việc các hộ tiểu điền hiện đang trực tiếp cung cấp mủ và gỗ cao su cho các chuỗi cung toàn cầu này cần tuân thủ các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên thiếu thông tin từ các khâu trong chuỗi cung, bao gồm thông tin về liên kết giữa các hộ tiểu điền và các đơn vị thu mua, đồng nghĩa với việc không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường xuất khẩu…
Theo Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa, việc minh bạch thông tin về chuỗi cung, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc và tính hợp pháp của sản phẩm, là một trong những đòi hỏi cần thiết trong việc hướng tới chuỗi cung cao su thiên nhiên bền vững tại Việt Nam.
Trong liên kết tiêu thụ gỗ cao su tiểu điền, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang cho rằng, vị thế của các hộ cần được nâng lên thông qua việc hình thành các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, là đơn vị đại diện cho quyền lợi hợp pháp và chính đáng của hộ. Việc tổ chức thành tổ hợp tác với nhiều hộ tham gia sẽ tạo ra nguồn lực lớn, chuyển tải các yêu cầu, kiến nghị của hộ tới các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý được tốt hơn…
Hội thảo cũng đã thảo luận và đề xuất những biện pháp hướng tới xây dựng chuỗi cung ứng cao su tiểu điền bền vững nhằm đáp ứng các yêu cầu về tính hợp pháp và bền vững của thị trường xuất khẩu trong tương lai.
P.V
Related posts:
- Cao su Ea H’leo về trước kế hoạch sản lượng 53 ngày
- Kịp thời hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19
- TCT Cao su Đồng Nai "tuyển và giữ" lao động hiệu quả
- Cao su Đồng Phú đón nhận cờ thi đua của Bộ Công an
- Khai thác cao su tại Lai Châu: Thành quả đầu tiên
- Gởi niềm tin vào mùa cạo mới
- Đội sản xuất 5 nhất toàn đoàn hội thi Bàn tay vàng Cao su Hòa Bình
- Hiệp định CPTPP tác động đến ngành cao su: Cơ hội & thách thức
- Các công ty cao su Đông Nam Bộ: Nhiều đóng góp lớn cho Tập đoàn và địa phương
- Cao su Lai Châu II: Nhiều giải pháp phấn đấu khai thác 3.750 tấn mủ