Nhà báo và câu chuyện tác nghiệp

CSVN – Để có những bài báo hay, sắc sảo, những phóng sự hấp dẫn, lôi cuốn độc giả, nhiều nhà báo đã phải “lăn xả” hết mình, không màng nguy hiểm đến tính mạng, “dấn thân” để cho ra đời những tác phẩm hay, góp phần truyền tải thông tin, giúp giới truyền thông, chính quyền và cả xã hội vào cuộc trước những thông tin nóng, thời sự.
PV Văn Vĩnh của Tạp chí Cao su VN dắt xe qua một con suối,  trên đường vào vùng cao su
PV Văn Vĩnh của Tạp chí Cao su VN dắt xe qua một con suối, trên đường vào vùng cao su
Từ đóng vai nông dân, thợ sửa xe…

Nhiều độc giả của báo Thanh Niên, chắc hẳn vẫn còn nhớ và cảm ơn PV Hoài Nam (Báo Thanh Niên) trong vai nông dân viết hẳn phóng sự nhiều kỳ về rau bẩn nhái VietGAP tuồn vào siêu thị, trường học tại TP.HCM.

Trong vai người nông dân lao động, sau một thời gian dài xâm nhập nhà báo Hoài Nam đã làm xe ôm, đi chở rau, trồng rau… và theo chân các thương lái rau bẩn để ghi âm, quay hình… tạo nên một phóng sự chân thực, sống động, mô tả đầy đủ về các loại rau từ nhiều nguồn nhái rau sạch vào siêu thị, trường học để bán cho người dân. Trước loạt bài này, độc giả hoan nghênh PV và báo đã mạnh dạn dấn thân, đưa những mặt khuất của xã hội ra ánh sáng. Bạn Phan Hải Kỳ, Văn Dũng cùng ý kiến: “Cảm ơn nhà báo, báo Thanh Niên đã thông tin cho độc giả, cần nhiều hơn nữa những bài báo như thế này để cho người dân biết”.

[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Báo ngành cũng vất vả”]Báo ngành cao su, không ai là không biết nhà báo Nguyễn Quang Minh, một nhà báo kỳ cựu với bút danh Sáu Vườn Ươm. Để có những bài viết hay, chân thực về ngành, về người công nhân cao su, nhà báo Quang Minh trên chiếc xe Lambretta cũ kỹ, cọc cạch đã vượt qua hàng ngàn km, mặc trời mưa nắng để về với người công nhân, hòa mình với họ để viết những bài viết hay.
Hay nhà báo Văn Vĩnh, bút danh Gia Linh, nhà báo Hoàng Dung đã phải dậy từ 3-4 giờ sáng, vào lô thức cùng người công nhân cạo mủ với bài viết được giải báo chí “Thương lắm! Ánh đèn đêm”. Các nhà báo Nguyên Khánh, Nguyễn Cường… đi thâm nhập, viết điều tra về nạn mủ tặc, pha tạp chất vào mủ lộng hành thời gian trước đây… Trên những hành trình tác nghiệp, có những trải nghiệm mới cho ra đời những bài báo hay, cống hiến cho độc giả.[/stextbox]

Bạn đọc báo Tuổi Trẻ cũng đã được mãn nhãn với nhiều clip chân thực, phóng sự hấp dẫn về “đinh tặc” trong một thời gian vấn nạn rải đinh trước đây, đó là phóng sự của nhà báo Anh Thoa. Phóng sự điều tra “Vạch trần mánh khóe đinh tặc” của nhà báo Anh Thoa, đã đạt được Huy chương vàng liên hoan truyền hình toàn quốc 2011 và giải ba nhóm phóng sự điều tra trong giải báo chí TP.HCM lần thứ 30. Anh Thoa và các đồng nghiệp đã đóng vai người thợ sửa xe dạo, thuê mở tiệm sửa xe… để lân la lấy thông tin và thâm nhập vào đường dây đinh tặc.

…đến người nghiện, gái quán bar

Nhà báo My Lăng, PV Báo Tuổi Trẻ cũng đã có hàng loạt phóng sự nhiều kỳ về phận làm gái quán Bar, vũ trường, nhà hàng trên địa bàn TP.HCM. Để có được những phóng sự chân thực, PV My Lăng đã phải đóng vai xin việc làm ở nhà hàng, quán Bar, nhân viên PR để viết lại những góc khuất, số phận, tâm sự của một bộ phận gái miền Tây lên thành phố với khát vọng đổi đời. Hàng loạt phóng sự: Phận Kiều nữ; Nước mắt kiều nữ… đã được ra đời.

Phóng viên Hoàng Lộc – Đức Phú, báo Tuổi Trẻ đã đóng vai người dân đi xe để viết một loạt bài phóng sự điều tra về một băng cướp bao gồm tài xế, lơ xe cấu kết bọn lưu manh khác lộng hành trấn lột, cướp tiền của hành khách đi tuyến TP.HCM – miền Tây: “Nhà xe trắng trợn cướp tiền khách: Lột sạch từng đồng!”. Bạn Thành cảm phục: “ Xin chân thành cảm ơn các phóng viên báo Tuổi Trẻ, dù để lấy thông tin nhưng nếu là mình đi một chuyến thôi đã “tởn” rồi mà các anh còn đi nhiều chuyến của chúng, thật can đảm”.

Có được những bài báo hay như thế là cả một quá trình, thời gian tác nghiệp, không quản ngại nguy hiểm rình rập. Nhiều nhà báo đã bị đe dọa, dọa giết, trả thù, đánh đập, giam giữ trái phép, cản trở tác nghiệp, nhiều trường hợp bị đập phá máy chụp hình, máy quay phim… Mặc dù nghề báo được xếp vào loại nghề nguy hiểm nhất, nhưng vì đã đam mê nghiệp báo, những nhà báo, phóng viên vẫn miệt mài, lăn xả hết mình, dấn thân để cống hiến vì một cuộc sống bình yên cho người dân.

Dương Cầm