K+ mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh: Không thể khác!

CSVN – Cuộc chiến bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh giai đoạn 2016-2019 đã ngã ngũ, khi Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+) thông báo đã hoàn tất việc mua lại bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh tại Việt Nam trong ba mùa từ 2016 – 2019 từ đối tác MP&Silva, gồm 380 trận đấu mỗi mùa.bản quyền

Theo đó, nhà đài được thành lập bởi liên minh Cannal của Pháp và VTV độc quyền phát sóng một số trận đấu cuối tuần và được quyền ưu tiên lựa chọn phát sóng một trận đấu của các vòng diễn ra giữa tuần. Toàn bộ quyền phát sóng nêu trên được áp dụng trên cả hai chuẩn phát sóng SD và HD.

Các nhà cung cấp truyền hình trả tiền khác như VTVCab, MyTV, Viettel, FPT, Hanoicab… cũng có thể xem giải Ngoại hạng Anh thông qua việc đồng phân phối bốn kênh của K+ trên hạ tầng của các nhà cung cấp này. Một điểm mới đáng lưu ý là giải bóng đá số một nước Anh sẽ được phát miễn phí trên Internet nhờ ứng dụng myK+ cho các thuê bao của K+.

Chi số tiền lớn để giành bản quyền Ngoại hạng Anh tại Việt Nam, nhưng K+ không tăng giá thuê bao. Mức phí của nhà đài này mới hạ từ 230.000 đồng mỗi tháng xuống 125.000 đồng. Nhà đài này cũng cam kết sẽ chú trọng thêm vào thể thao Việt Nam, đặc biệt là các trận đấu của tuyển Việt Nam. Thời gian qua, họ đã chi tiền để mua bản quyền các trận đấu giữ Việt Nam và Iraq, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc)…

Trước đó, theo yêu cầu của Bộ Thông tin & Truyền thông, 10 đài truyền hình Việt Nam đã thống nhất lập ra Ban đàm phán bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh ba mùa giải sắp tới. Ban đàm phán mong muốn mua tất cả các trận đấu, không độc quyền và giá tăng không quá 20% so với ba mùa trước, tức vào khoảng 48 triệu USD. Tuy nhiên, cuối tháng 3 vừa qua K+ gửi công văn thông báo muốn đàm phán riêng. Theo một số nguồn tin, K+ đã bỏ ra 46 triệu USD cho thương vụ lần này, theo đúng cam kết với Ban đàm phán.

Trung Phong

 [stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Nhà đài “sống chết” với giải Ngoại hạng Anh”]

Theo những người am hiểu lĩnh vực bản quyền truyền hình, BTC giải Ngoại hạng Anh (FAPL) nghiên cứu từng thị trường rất kỹ. Họ đánh giá sức mua của thị trường Việt Nam bằng các phương pháp tính toán rất kỹ lưỡng. Họ hiểu rõ Việt Nam có dân số 93 triệu, 7 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, khoảng 100 kênh truyền hình quảng bá, cộng thêm khoảng 100 kênh truyền hình trả tiền trong nước, và bóng đá là môn thể thao “vua” với số người hâm mộ áp đảo các môn thể thao khác…

Tất nhiên họ cũng hiểu thu nhập quốc dân trên đầu người ở Việt Nam chỉ khoảng 2.300 USD/năm. Tổng hợp lại, họ sẽ có công thức tính, để đạt được “một lát của chiếc bánh doanh thu” trên thị trường truyền hình, bao gồm cả quảng bá, trả tiền và trên mạng Internet.
BTC Giải Ngoại hạng Anh (FAPL) và bên dự thầu nước ngoài (IMG, MP&Silva…) có cùng tư duy thị trường, nên các con số họ đưa ra dễ khớp với nhau hơn. Việt Nam thường kỳ vọng mức phí trên cơ sở cộng cơ học thêm khoảng 10% đến 20% giá trị của 3 mùa trước. Cũng có những đơn vị rất quyết tâm và đặt giá không nhỏ, nhưng vẫn chưa tới vạch bứt phá ở mức vượt 10% so với đơn vị kế tiếp ngay ở lần bỏ giá đầu tiên…

BTC Giải ngoại hạng Anh luôn chủ động trong việc định giá cho từng thị trường và họ rất lọc lõi trong việc ép giá, không chỉ ở thị trường quốc tế, mà trên chính thị trường nước Anh. Minh chứng là 3 mùa bóng 2016-2019 giá bản quyền trong nước Anh là 5,136 tỷ bảng, tăng 71% giá trị bản quyền Ngoại hạng Anh của 3 mùa giải trước. Tính vui, trung bình mỗi người dân gánh mức phí 130 USD/3 mùa bóng.

Tại Việt Nam, sở dĩ các nhà đài vẫn “sống chết” để có bản quyền giải Ngoại hạng Anh là bởi chúng ta chưa có nội dung thể thao giải trí tương tự, lấp khoảng trống khi không mua được Ngoại hạng. Còn về đường dài, nếu V-League hấp dẫn hơn, chắc chắn Ngoại hạng Anh sẽ “giảm nhiệt” tại Việt Nam. Vấn đề là đến bao giờ? Mặt khác, thay bằng bóng đá, từng đài cần tập trung xây dựng cho mình một vài nội dung giải trí chủ chốt, đủ sức hấp dẫn và khác biệt, khán giả khi đó sẽ không quay lưng lại trong bất cứ hoàn cảnh nào.

T.P

[/stextbox]