“Bóng đá ân tình”, “bóng đá kinh tế” lại lộ phát

CSVN – Đến hẹn lại… “lộ”. Những vòng đấu cuối của V-League lại rối tung lên trong hàng loạt sự hoài nghi. Khi cuộc đua đến chức vô địch và trụ hạng đang nóng dần lên thì lại xuất hiện thứ “bóng đá kinh tế”, “bóng đá ân tình” chỉ có ở VN.
CĐV Sông Lam Nghệ An rất tức giận khi đội nhà "thua dễ" Hoàng Anh Gia Lai
CĐV Sông Lam Nghệ An rất tức giận khi đội nhà “thua dễ” Hoàng Anh Gia Lai

Ở vòng đấu 22, giới truyền thông, người hâm mộ cũng như các chuyên gia bóng đá Việt một lần nữa phải bất ngờ với chiến thắng “bất thường” của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trước Sông Lam Nghệ An (SLNA) trên SVĐ Pleiku. Trước ngày này diễn ra, dư luận tin rằng đội khách sẽ thất bại trước một chủ nhà đang vào thế “tử”. Quả nhiên, đám trẻ nhà bầu Đức đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục dù chơi không hay hơn là mấy so với đối thủ.

Có rất nhiều điều để nói về sự bất thường này bởi ở thời điểm hiện tại đội khách SLNA đã hết mục tiêu ở V-League, trong khi đó HAGL họ cần hơn bao giờ hết một chiến thắng để thắp lên hy vọng được ở lại V-League. Trắng tay rời phố núi ở một trận thua ngược khó hiểu, không ai khác CĐV xứ Nghệ mới là những người đau xót nhất, bởi họ vượt cả trăm cây số lên phố núi chỉ để xem “diễn kịch”.

Không riêng trận HAGL – SLNA, vòng 22, cuộc đối đầu của hai đội bóng thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long là Đồng Tâm Long An và Cần Thơ cũng để lại nhiều nghi vấn là có “ân tình với nhau”. Ở vòng 18, Hải Phòng trắng trợn diễn thứ bóng đá “ân tình” với Cần Thơ, khi đội khách cất giấu hàng loạt trụ cột để rồi Cần Thơ có được trọn 3 điểm bằng chiến thắng (2-1) để rộng đường thoát án xuống hạng.

Cũng chỉ trước đó 1 vòng đấu, ở vòng 17 tại phố núi, một Bình Dương đang hừng hực khí thế với chuỗi trận chiến thắng như chẻ tre, bỗng dưng bị một HAGL đá đâu thua đó thắng ngược 1-2. HLV Trần Bình Sự của Đồng Nai – đối thủ chính trong cuộc trốn chạy khỏi suất xuống hạng với HAGL, đã phải cám cảnh thốt lên rằng: “Tại V-League không sạch, tại HAGL “quan hệ” giỏi quá. Các đội diễn thứ bóng đá “ân tình” nên chính người hâm mộ, truyền thông,… nhìn đâu cũng thấy ngờ vực. Chứ chúng tôi làm gì có xin, mà nghèo như Đồng Nai xin ai cho”.

[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Khán giả Việt vẫn được xem Champions League “]

Chủ đề “Xem Champions League ở đâu?” trở thành đề tài nóng trong suốt thời gian qua khi nhiều nhà đài của VN thông báo không thể mua được các gói bản quyền truyền hình của giải đấu này vì số tiền là quá lớn. Không ít người hâm mộ bày tỏ sự tiếc nuối lẫn thất vọng trước thông tin này bởi việc thưởng thức các trận đấu tại Champions League vào rạng sáng giữa tuần đã trở thành một thói quen đối với họ trong suốt những năm qua.

Tuy nhiên, mới đây, Truyền hình Cáp VN cho biết đã tiến hành thương thảo thành công hợp đồng mua bản quyền phát sóng các trận đấu tại Champions League. Được biết, bản quyền Champions League năm nay được chia thành 4 gói khác nhau, với mức giá rất cao và cách lựa chọn tương đối phức tạp. Để đáp ứng tối đa nhu cầu xem các trận đấu đỉnh cao của giải đấu này vào giữa tuần cho khán giả, Bóng đá TV sẽ chọn hợp lí từ những gói khác nhau này sao cho có ít nhất 4 trận độc quyền/1 tuần cho vòng đấu bảng, 2 trận độc quyền cho vòng đấu loại trực tiếp và tứ kết. Đặc biệt, các trận đấu bán kết, chung kết và Siêu cúp Châu Âu sẽ là những trận đấu được hai kênh này ưu tiên lựa chọn đầu tiên.

P.N

[/stextbox]

V-League năm nay giờ giống như rất nhiều mùa giải đã qua, có nghĩa mọi chuyện luôn khó đoán ở giai đoạn nước rút. Khi đã đủ điểm trụ hạng, một số đội bóng bắt đầu nghĩ đến việc cho điểm, nhường điểm để có chút “ân tình” về sau, hoặc là tranh thủ “làm kinh tế” trong thời buổi khó khăn.

Hàng loạt trận đấu có vấn đề, nhưng điều mà BTC V-League chỉ biết kêu gọi và yêu cầu các đội bóng cần chơi thứ bóng đá… tử tế. Khi các đội bóng “không tử tế”, BTC cũng không làm gì được họ khi câu chuyện “bằng chứng đâu” như một bài toán khó mà BTC không thể giải được.

Nói về câu chuyện bóng đá “ân tình” của các đội bóng ở V-League, chính chuyên gia Trịnh Minh Huế cho rằng nếu không xử lý mạnh tay đây sẽ vấn nạn lớn của sân chơi được gọi là chuyên nghiệp. Bởi theo phân tích của ông Huế rằng: “Cứ một đội xin được thì đội khách cũng cho được, chẳng mấy chốc mà người hâm mộ, khán giả người ta quay lưng lại với giải đấu cao nhất của VN. Mà thực tế, người hâm mộ giờ ngán bóng đá Việt lắm rồi!.

Trung Phong