Cao su Lộc Ninh: Thi đua yêu nước trên nhiều lĩnh vực

CSVN – Nhờ hưởng ứng mạnh mẽ phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đã  giúp công ty hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm. Đặc biệt, đây là một trong những đơn vị tiêu biểu, có nhiều sáng kiến cải tiến và áp dụng khoa học kỹ thuật khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực SXKD.
Công trình cải tạo lò xông mủ tờ công suất 2.000 tấn/năm, giúp tiết kiệm cho công ty 10 tỷ đồng
Công trình cải tạo lò xông mủ tờ công suất 2.000 tấn/năm, giúp tiết kiệm cho công ty 10 tỷ đồng
Tiết kiệm chi phí đến 10 tỷ đồng

Trên lĩnh vực tái canh trồng mới (TCTM), nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm suất đầu tư, từ năm 2012 công ty trồng thí điểm với diện tích hơn 23 ha cao su tái canh xen cây keo lai. Năm 2013 tiếp tục trồng xen canh cây giá tỵ và tràm bông vàng trên diện tích tái canh hơn 11,6 ha nhằm thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của các loại cây lâm nghiệp khác nhau. Qua theo dõi thấy keo lai phù hợp, năm 2015 công ty triển khai trồng xen canh đại trà trên vườn cây tái canh theo chủ trương của VRG.

Ông Trần Thanh Tùng – Phó Bí thư Đảng ủy, TV HĐTV, Chủ tịch CĐ công ty cho biết, đặc biệt với sáng kiến trồng mới bằng bầu 5 tầng lá, từ năm 2010 đến 2014, công ty tái canh được 1.323 ha cao su, chiếm gần 46% tổng diện tích TCTM, tỷ lệ cây sống đạt 100%. “Vườn cây định hình ngay từ năm đầu tiên, cây sinh trưởng tốt, đồng đều, vượt yêu cầu. Rút ngắn thời gian KTCB được từ 6 tháng đến 1 năm, sớm đưa vào khai thác, tiết kiệm chi phí đầu tư năm cuối từ 4 đến 7 tỷ đồng”, ông Tùng cho hay.

Đối với vườn cây khai thác, công ty áp dụng sáng kiến phân chia số cây cạo trong phần hợp lý từ bình quân 450 cây/phần, thành bình quân 350 cây/phần (cây 2 miệng cạo 250 cây/phần, cây 1 miệng 400 cây/ phần). Việc phân chia giúp công nhân giảm nhẹ cường độ lao động, cạo hết cây trong phần, kết thúc thời gian cạo sớm. Từ đó, thời gian cây cho mủ dài hơn, công nhân có thêm thời gian chăm sóc, vệ sinh vườn cây, dụng cụ, tận thu hết mủ…

Chế biến mủ tờ tại Nhà máy Công ty
Chế biến mủ tờ tại Nhà máy Công ty

Trên lĩnh vực chế biến, tiếp tục phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, năm 2014 công ty mở rộng thành công dây chuyền tăng công suất chế biến mủ tờ RSS. Đây là sáng kiến Cải tạo 4 lò xông mủ Crếp cũ được xây dựng từ thời Pháp đã hư hỏng, xuống cấp không còn sử dụng trong hơn 40 năm qua, thành Lò xông mủ tờ công suất 2.000 tấn/năm. Sáng kiến đã được đưa vào hoạt động sản xuất ổn định, góp phần giúp công ty tiết kiệm được trên 10 tỷ đồng (so với các dự án cải tạo tương tự trong ngành).

Duy trì tốt phong trào phát huy sáng kiến

Ông Tùng cho biết thêm, ban lãnh đạo công ty rất coi trọng việc sáng kiến, sáng tạo, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thường xuyên phát động và duy trì tốt phong trào trong nhiều năm qua. Từ sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào, đã có hàng trăm sáng kiến, cải tiến, giải pháp mới của người lao động ở các lĩnh vực được áp dụng tại đơn vị, làm lợi cho công ty hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài những sáng kiến kể trên, trong lĩnh vực khai thác còn có sáng kiến “Giàn treo cất màng phủ chén”, “Bàn tận thu mủ tạp”; công nghiệp chế biến có “Phục hồi máy cưa lạng, tạo tờ của dây chuyền chế biến mủ tờ số 2”; “Cải tạo hồ chứa trạm bơm nước nguồn tại Nhà máy Lộc Hiệp”; “Cải tạo, tạo đáy hồ tiếp nhận mủ cao su để xử lý trước khi đánh đông”; “Sử dụng bơm trục đứng trong bơm hồi lưu nước thải và bơm nước serum tại xưởng cốm tinh Xí nghiệp Cơ khí Chế biến Lộc Hiệp”…; trong cơ khí sửa chữa có sáng kiến “Bàn nâng hộp số xe ô tô”…

Trong những năm qua, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch SXKD, tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu, quảng bá thương hiệu, nâng chất lượng sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao đời sống người lao động. “Thành quả đạt được đã khẳng định tinh thần đoàn kết, ra sức thi đua yêu nước, hăng hái lao động sản xuất của tập thể CB.CNVC-LĐ công ty, nhất là phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, ông Tùng đúc kết.

Bài, ảnh: Anh Thư