Những “nữ tướng kỹ thuật” trên vùng đất Tây Nguyên

CSVN – Nhắc đến nữ trưởng phòng kỹ thuật nông nghiệp, rất nhiều người thường nghĩ về những cực nhọc, vất vả trong công tác điều hành, quản lý và sự hy sinh việc nhà để dành thời gian cho công việc. Thế nhưng, trong con mắt của chính các chị lại có góc nhìn rất mở, với những điều mà phụ nữ còn phát huy tốt hơn các đồng nghiệp nam.
Trưởng Phòng kỹ thuật Công ty Chư Păh, Huỳnh Thị Nga (bìa phải) đang trao đổi với lãnh đạo VRG về sự phát triển của cao su trên đất rừng khộp.
Trưởng Phòng kỹ thuật Công ty Chư Păh, Huỳnh Thị Nga (bìa phải) đang trao đổi với
lãnh đạo VRG về sự phát triển của cao su trên đất rừng khộp.
Việc kỹ thuật lợi thế hơn nam

Trong số 7 công ty cao su tại Tây Nguyên trực thuộc VRG thì có đến 4 đơn vị có nữ làm trưởng phòng kỹ thuật. Đó là chị Võ Thị Hồng Huệ – Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk, chị Trần Thị Thanh Mai – Công ty Ea H’leo, chị Phạm Thị Lanh – Công ty Mang Yang và chị Huỳnh Thị Nga – Công ty Chư Păh. Ngoài “nữ tướng” còn có những “nữ phó tướng” khá năng động và nhiệt huyết như chị Huỳnh Thị Lưu – Phó phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, chị Trương Thị Kiều – Phó
phòng kỹ thuật Công ty Chư Păh….

Mỗi khi nhắc đến công việc kỹ thuật, vườn cây hay công nhân, các chị đều nói vanh vách nhưng khi đề cập đến bản thân các chị lại rụt rè khiêm tốn. Trong một chuyến công tác, chị Phạm Thị Lanh – Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang đã chia sẻ với chúng tôi: “Phụ nữ làm kỹ thuật cũng có những thế mạnh và hạn chế của nó, làm kỹ thuật không chỉ đơn thuần là làm chuyên môn cứng nhắc trên vườn cây cao su mà còn giải quyết được nhiều vấn đề mà nam giới khó làm tốt được. Đó là những công việc tế nhị với các nữ công nhân hay với người đồng bào dân tộc, nhất là trong tình hình hiện nay nếu “lớn giọng” thì công nhân dễ cãi lại ngay, thậm chí có thể bỏ cạo, nghỉ việc”.

Sá chi vất vả

Đề cập đến những vất vả mà các nữ trưởng phòng gặp phải khi công tác, chị Huỳnh Thị Nga – Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, người đã có 17 năm làm công tác kỹ thuật cao su, bày tỏ: “Lúc mới vào làm đúng là vất vả thật,
nhưng giờ thì đã quen với công việc. Còn nhớ thời thanh niên mỗi ngày đi kiểm kê hay kiểm tra kỹ thuật phải đi bộ hàng chục km với những lô cao su, đường giao thông rất khó đi, không như bây giờ có thể đi xe máy đến từng lô. Mình cũng có lúc so bì với một số đồng nghiệp ở bộ phận khác, nhưng đây là lựa chọn ngay từ thời đi học và yêu thích công việc nên chấp nhận thôi”.

Còn chị Trần Thị Thanh Mai – Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo lại lạc quan: “Có gì đâu mà vất vả, công nhân còn đi từ lúc sáng sớm. Họ đi được, mình cũng đi được. Hơn nữa, mình lại là người gần gũi với người lao động hơn, những lúc ấy phụ nữ với nhau lại dễ dàng chia sẻ những khó khăn mà đôi khi các đồng nghiệp nam thường cứng nhắc”.

Thủ lĩnh trong đào tạo công nhân khai thác

Nói thì nói vậy, nhưng rõ ràng phụ nữ vẫn có những bất lợi nhất định khi so sánh với các nam trưởng phòng. “Cái hạn chế nhất của chị em chính là phải đi lô vào ban đêm hay những trường hợp đối mặt với những kẻ trộm mủ. Mặt khác, cũng có những cái khó khi phụ nữ mang thai hay đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ”, chị Lanh cho biết thêm.

Tuy là phái yếu, nhưng nhìn vào kết quả sản xuất kinh doanh, công tác khai thác cũng như công việc đào tạo tay nghề và trình độ tay nghề của người công nhân những đơn vị này không hề yếu so với những đơn vị khác, nếu không muốn nói là có sự tăng trưởng tốt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tỷ lệ nữ làm cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh chiếm 60% tổng số cán bộ, còn tại Công ty Mang Yang con số này là 50%. Trong những năm qua, 2 đơn vị này là những đơn vị tiêu biểu, tiên phong trong việc đào tạo công nhân khai thác hàng đầu khu vực và của ngành. Đặc biệt Công ty Chư Păh lần nào tham dự hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ cũng có ít nhất 1/3 là nữ công nhân và luôn đạt giải thưởng cao.

Bài, ảnh: Gia Linh