CSVN – Cách đây 10 năm, thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo của Chính phủ, tỉnh Kon Tum đã đồng ý chuyển đổi và giao cho công ty lập dự án đầu tư phát triển cây cao su tại địa bàn xã Moray thuộc huyện Sa Thầy (nay là huyện Ia H’Drai). Với tổng diện tích được chuyển đổi là 4.182,5 ha nằm dọc theo 30 km giáp với đường biên giới tỉnh Ratanakiri Vương quốc Campuchia.
Tập đoàn CNCS Việt Nam (VRG) đã chấp thuận cho phép Công ty Cổ phần Mang Yang Ratanakiri thành lập Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray để triển khai thực hiện dự án trồng cao su và được tỉnh Kon Tum cấp phép chứng nhận đầu tư. Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray gồm có 3 cổ đông chính là VRG với tỷ lệ vốn góp là 47,5%; Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang 45% và Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk 7,5% vốn. Đến nay, tổng vốn đã đầu tư cho dự án là 900 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang được giao trách nhiệm là Công ty mẹ để kịp thời điều động nguồn nhân lực cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật và nguồn vốn để giúp cho công ty triển khai thực hiện dự án. Với 5 cán bộ đầu tiên được điều động lên Công ty Cao su Chư Mom Ray do đồng chí Trương Minh Tiến làm giám đốc. Bộ khung mới chỉ có 2 đảng viên trong lúc địa bàn của dự án hết sức khó khăn, hệ thống đường sá, nhà cửa khu dân cư hầu như không có, chỉ có 3 đồn biên phòng nằm lọt thỏm giữa cánh rừng hoang vắng, mùa mưa đường lầy lội.
CB.CNV phải dựng lán trại ở tạm, tận dụng nước mưa để sinh hoạt ăn uống, mùa nắng khô khốc, nguồn nước không có. Ở phía Bắc sông Sa Thầy hầu hết nguồn nước bị nhiễm phèn và vôi. Địa hình rừng núi hiểm trở chia cắt, bom mìn, chất độc trong chiến tranh vẫn còn sót lại, bệnh sốt rét rừng tưởng chỉ còn trong quá khứ nay lại quay trở lại. Phía Tây sông Sa Thầy giáp với biên giới Campuchia chưa có cầu để qua lại, mùa mưa bị chia cắt. Trong những tình huống khẩn cấp phải nhờ đến cano của biên phòng hỗ trợ, nhất là khi có người bệnh nặng, không có cách gì để vượt sông đưa về cấp cứu…
Đó là thử thách đòi hỏi ý chí, sự nỗ lực và quyết tâm của cán bộ đảng viên và lãnh đạo công ty, cộng với sự quan tâm và chỉ đạo của lãnh đạo VRG, UBND tỉnh Kon Tum đã giúp công ty tổ chức triển khai thực hiện thành công dự án.
Quá trình xây dựng và phát triển công ty chia thành 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Năm 2007 – 2013
Ngày 4/1/2008: UBND tỉnh Kon Tum đã có quyết định cấp phép cho dự án 1 với tổng diện tích 955,3 ha. Trong điều kiện năm đầu còn nhiều khó khăn và thiếu lao động nên công ty chỉ trồng được 171,37 ha. Ngày 19/5/2009, tỉnh Kon Tum đã có quyết định cấp phép cho dự án 2 với diện tích 1.383 ha. Kết thúc năm 2009 công ty trồng được 408 ha và tuyển dụng thêm 27 lao động. Ngày 14/5/2010, UBND tỉnh Kon Tum có quyết định chuyển đổi cấp phép cho công ty với diện tích 600,88 ha. Cuối năm 2010, công ty trồng được 747,2 ha. Năm 2011, UBND tỉnh tiếp tục có quyết định chuyển đổi và cho phép đầu tư 2 dự án với tổng diện tích 2.480,5 ha. Cuối năm 2011, công ty đã trồng được 815,09 ha, năm 2012 trồng được 1.400 ha và năm 2013 trồng được 128,44 ha.
Kết thúc dự án năm 2013, tổng diện tích trồng mới đạt 3.660,89 ha cao su, thành lập 3 nông trường trực thuộc với 537 cán bộ công nhân viên. Để tạo sự ổn định về đời sống, sinh hoạt cho người lao động yên tâm lập nghiệp nơi vùng quê mới, công ty đã đầu tư hệ thống điện lưới đến các nông trường và khu dân cư với tổng giá trị đầu tư 12,5 tỷ đồng.
Đồng thời, xây dựng 162 km đường giao thông và đường lô cao su, hệ thống nhà trẻ ở các nông trường, đầu tư trung tâm y tế với đội ngũ y bác sỹ, hệ thống xét nghiệm, siêu âm, xe cứu thương. Từ nguồn vốn công ty và vốn vay ngân hàng, công ty xây dựng hàng trăm căn nhà cho công nhân. Diện mạo của vùng kinh tế cao su bắt đầu hình thành.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà công ty luôn quan tâm từ những ngày đầu là xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh để lãnh đạo cán bộ đảng viên và người lao động vượt qua khó khăn, thực hiện thành công dự án gắn với nhiệm vụ cùng với địa phương và lực lượng biên phòng làm tốt công tác bảo vệ an ninh biên giới.
Tháng 4/2010, Chi bộ công ty được thành lập với 6 đảng viên. Đến tháng 9/2015 chuyển thành Đảng bộ công ty với 47 đảng viên và sát nhập sinh hoạt về trực thuộc Đảng bộ huyện Ia H’Drai tỉnh Kon Tum. Đến nay, Đảng bộ có 64 đảng viên. Tỉnh ủy Kon Tum đã có quyết định tặng cờ thi đua 5 năm liền Đảng bộ trong sạch vững mạnh 2011-2015. Tổ chức Công đoàn của công ty có 600 đoàn viên trực thuộc Công đoàn Cao su Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ chí Minh có 200 đoàn viên trực thuộc huyện Đoàn Ia H’Drai.
Giai đoạn 2: Năm 2014 – 2017
Năm 2014, đánh dấu cột mốc quan trọng với sự kiện mở miệng cạo 100 ha cao su trồng năm 2008 rút ngắn được thời gian KTCB 1 năm. Đến nay, công ty đã đưa vào khai thác 1.520 ha, dự kiến sản lượng đạt 1.500 tấn, vượt 10% sản lượng so với kế hoạch. Năng suất vườn cây bình quân tăng dần qua từng năm, năm thứ nhất đạt 8 tạ/ha, năm thứ 2 đạt 1 tấn/ha, năm thứ 3 đạt 1,2 tấn/ ha và năm thứ 4 đạt 1,5 tấn/ha, trong tương lai nhiều khả năng sẽ đạt năng suất từ 2 tấn/ha trở lên.
Năm 2015, được sự đồng ý của UBND tỉnh Kon Tum và VRG, công ty đã nhận sang nhượng dự án cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Đăk Lăk chi nhánh tại Kon Tum với diện tích 1.534,6 ha, trong đó diện tích tái canh trồng mới năm 2015 là 597 ha nâng tổng diện tích lên 5.175,25 ha. Bên cạnh việc đầu tư phát triển cao su, công ty đã đầu tư xây dựng trụ sở văn phòng công ty, 4 nông trường trực thuộc và 27 nhà tổ sản xuất, 250 căn nhà cho công nhân. Hệ thống điện, nước sinh hoạt được kéo đến từng nhà công nhân.
Với sự cố gắng nỗ lực vượt khó của tập thể người lao động và CB.CNV trong toàn công ty, trong những năm qua công ty đã nhận được nhiều bằng khen và Cờ thi đua của Bộ NN&PTNT năm 2013- 2015; bằng khen của UBND tỉnh Kon Tum 2 năm liền 2014 -2016; Cờ thi đua của Tập đoàn trong 3 năm 2014, 2015, 2016. Nhiều cán bộ CNV-LĐ được lãnh đạo các cấp, các ngành khen thưởng.
Văn Vĩnh – P.V
Related posts:
- Sự tôn vinh đặc biệt dành cho đơn vị đầu tiên của VRG tại nước ngoài
- Trồng xen cà phê với cao su: Đa dạng nguồn thu
- "Cả gan" lập nghiệp nơi vùng biên
- Công đoàn Công ty 75 bàn giao nhà “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân khó khăn
- Cao su Dầu Tiếng: Công nhân tay nghề ngày càng cao
- Cao su Quasa - Geruco: xanh thẳm tình hữu nghị
- Nơi đất khó “vượt mốc” kế hoạch
- Cao su Kon Tum: 30 năm thành lập, "về đích" sớm 34 ngày
- Kỳ vọng một năm thắng lợi
- “Các đơn vị tại Lào cần tăng cường giải pháp để sản xuất kinh doanh năm 2024 có hiệu quả”