Ông Nguyễn Công Tạn – Nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ NN & PTNT đã cống hiến cả đời mình cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Những người gần gũi ông luôn thán phục trước sự say mê, sức làm việc và năng lượng hàm chứa trong con người ông khi miệt mài làm việc cho đến cuối đời.
Những năm ông làm Bộ trưởng và sau đó là Phó Thủ tướng phụ trách mảng nông nghiệp, đất nước ta đã đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý và nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển vượt bậc cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi. Xóa đói giảm nghèo ở nông thôn có chuyển biến rõ nét.
Trong những thành tựu đó của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã có sự đóng góp to lớn của ông với tư cách là người chủ trì tham mưu và trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương chính sách quan trọng. Những người làm việc bên ông luôn cảm thấy được khích lệ trước tinh thần tìm tòi sáng tạo, sự kiên định và táo bạo của ông trong nỗ lực đổi mới cơ chế, chính sách nông nghiệp.
Ông là một chính khách luôn bám sát thực tiễn, gắn bó với đồng ruộng, rừng, biển và nông dân. Trong con người ông cũng luôn có sự đam mê của nhà khoa học. Ông là người đã đưa về Việt Nam nhiều giống cây, giống con mới. Nhờ có ông, nuôi đà điểu và trồng cây mắc ca đang trở thành những ngành hàng mới của nông nghiệp Việt Nam.
Từ cuối những năm 50, ông là Trưởng Bộ môn Canh tác, giảng dạy ở Học viện Nông Lâm, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Trưởng đoàn chỉ đạo sản xuất của Bộ Nông nghiệp giúp tỉnh Hòa Bình (năm 1967), khi ông công tác ở Phú Thọ (1971), ở Bộ (1978) rồi về Hà Nội (1982), trở lại Bộ Nông nghiệp (1986), ở Chính phủ (1997)…
Khi nghỉ hưu (2002), ông lại sáng lập Trường Đại học Thành Tây, tiếp tục sự nghiệp “tiên vi sư, hậu vi sư” của mình.
Trong những năm 60 và 70, là Thường vụ Trung ương Đoàn TNCSHCM, ông tiên phong trong phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang” chống Mỹ cứu nước, tập hợp lực lượng trẻ đi xây dựng Khu kinh tế đầu tiên của Đoàn Thanh niên, khai sơn phá thạch, khẩn hoang ở vùng rừng Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) ngày nay.
Công tác tại Bộ Nông nghiệp (1978), ông là Thứ trưởng phụ trách sản xuất rồi kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Khai hoang kinh tế mới, ông lại đi tiên phong trong phần việc xây dựng vùng kinh tế mới ở miền Trung, miền Nam và khai hoang vùng Tây Nguyên, Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên… góp phần giải quyết mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và phân bổ lại lực lượng lao động, lực lượng sản xuất, khôi phục kinh tế nông nghiệp sau chiến tranh.
Có thể nói rằng ông Nguyễn Công Tạn đã dành cả cuộc đời mình cho mặt trận nông nghiệp, luôn ở tuyến đầu. Ông còn là nhà quản lý hàng đầu trong ngành nông nghiệp nước ta, trưởng thành từ các cương vị: Giám đốc Khu kinh tế thanh niên, lãnh đạo cấp sở, thành phố, cấp bộ, cấp Chính phủ, tham gia Trung ương Đảng, Quốc hội…
Trong những năm 1990, 2000, ông là chủ biên của những chương trình lớn như chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phát triển kinh tế trang trại; chương trình rau, hoa, quả; chương trình giống quốc gia; chương trình thủy sản; chương trình trồng 5 triệu ha rừng; chương trình thủy lợi và thoát lũ ở ĐBSCL; chương trình khuyến nông…Ông chủ trì xây dựng Luật Đất đai 1993, Luật Tài nguyên nước, Luật Phát triển rừng, Luật Đê điều, Luật Thú y, Luật Bảo vệ thực vật…
Mới đây nhất ông tâm huyết đề xuất “tái cấu trúc” ngành nông nghiệp chuyển đổi giảm bớt đất lúa sang nuôi trồng cây con khác có hiệu quả cao hơn khi động lực sản xuất của nông dân giảm sút. Tuy chủ yếu làm quản lý nhưng ông vẫn là người say mê khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Người ta phong tặng ông là “cha đẻ” của việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật lúa lai vào nước ta từ đầu những năm 90 thế kỷ trước. Ông là người tổ chức chỉ đạo thực hiện ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới không chỉ trong nông nghiệp mà cả trong lâm nghiệp, thủy sản…
Khi nghỉ hưu, ông vẫn say sưa tìm tòi, viết sách, dịch sách… lập Viện nghiên cứu nông lâm nghiệp, có sản phẩm lúa chất lượng cao RVT, cỏ VA06, nuôi ngỗng trời, trồng cây mắc ca, cây nhiên liệu sinh học, cây dược liệu mới, ứng dụng công nghệ xanh…
P.V (tổng hợp)
Related posts:
- Cao su Lai Châu: Nhiều giải pháp ổn định lao động khai thác mủ
- Thành công từ mô hình nuôi rắn hổ vện
- Cao su Lộc Ninh - Điển hình về thu mua mủ tiểu điền
- Tỉnh trưởng Tỉnh Kampong Thom, Vương quốc Campuchia tặng quà công nhân cao su
- Lòng kiên định vượt gian nan, dựng xây đời no ấm ở cao su Chư Mom Ray
- Hội thiện nguyện Việt Nam trao quà cho công nhân khó khăn ở Cao su Quasa Geruco
- Chi bộ Cơ khí Cao su: Lấy vai trò xung kích, tiên phong của Đảng viên làm đòn bẩy phát triển
- Rộn ràng mùa nước rút
- Cao su Đồng Phú: Về trước kế hoạch sản lượng 51 ngày
- Cao su Hà Giang: Thành quả trên vùng đất khó