Quy hoạch phải gắn với thực thi

CSVN – Dự thảo Luật Quy hoạch đang được lấy ý kiến trong thời gian qua sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Quốc hội vào kỳ họp trong tháng 10 tới đây. Đối với ngành nông nghiệp, mong rằng khi Luật Quy hoạch chính thức ban hành, sẽ loại bỏ những bất cập trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch hiện nay. Đồng thời, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp thời gian tới phải theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả và tính bền vững của nền nông nghiệp.
Hiện nay, do mủ cao su mất giá, một số hộ dân đã chặt bỏ vườn cây để chuyển qua các cây trồng "thời thượng" khác
Hiện nay, do mủ cao su mất giá, một số hộ dân đã chặt bỏ vườn cây để chuyển qua các cây trồng “thời thượng” khác
Nhiều bất cập trong công tác quy hoạch

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, hoạt động quy hoạch đang được điều chỉnh tại 52 Luật, 7 Pháp lệnh và 59 Nghị định hướng dẫn Luật, Pháp lệnh với gần 20.000 quy hoạch các loại được lập để đáp ứng yêu cầu quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua công tác quy hoạch còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém gây khó khăn trong việc điều hành phát triển kinh tế – xã hội, lãng phí nguồn lực đất nước và cản trở việc đầu tư, sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Từ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém về công tác quy hoạch, việc đổi mới toàn diện về công tác quy hoạch là cấp thiết. Luật Quy hoạch mới nhằm thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật của VN liên quan đến hoạt động quy hoạch.

Dự án Luật Quy hoạch có tầm quan trọng, không chỉ nhằm hướng tới cải cách toàn diện về công tác quy hoạch mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc xóa bỏ các quy hoạch sản phẩm, ngành nghề cụ thể. Các sản phẩm, ngành nghề này trước đây được sử dụng thông qua công cụ quy hoạch để quản lý phát triển nay chuyển sang thực hiện quản lý bằng các điều kiện, tiêu chuẩn một cách công khai, minh bạch…

Bài học từ cây cà phê, hồ tiêu, cao su…

Hiện nay, một số mặt hàng thuộc ngành nông nghiệp của VN như hồ tiêu, cà phê, cao su… xếp tốp đầu thế giới về khối lượng xuất khẩu. Tuy giá trị xuất khẩu chưa tương xứng với khối lượng, nhưng vài năm qua giá các mặt hàng này đều khá cao, khiến người trồng cà phê, hồ tiêu, cao su… đua nhau mở rộng diện tích.

Đơn cử như cây cà phê và hồ tiêu ở Đắk Lắk. Theo quy hoạch đến 2020, tỉnh sẽ có 190.000 ha cà phê và 5.000 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, trên thực tế đến nay toàn tỉnh đã có gần 205.000 ha cà phê và hơn 16.000 ha hồ tiêu.

Với cây cao su, theo Quyết định số 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu phát triển diện tích cây cao su của VN đến năm 2015 là 800.000 ha và giữ diện tích ổn định ở mức này. Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), đến nay diện tích cây cao su cả nước đã lên đến 915.000 ha, tức về diện tích đã vượt hơn 115.000 ha và về thời gian vượt trước 5 năm so với quy hoạch. Trong đó, phần diện tích vượt chủ yếu do người dân tự chuyển đổi từ cây trồng khác (mía, sắn, điều…) sang trồng cao su khi giá mủ cao su tăng cao.

Vườn cà phê bị chết khô do trồng ở vùng thiếu nước tưới
Vườn cà phê bị chết khô do trồng ở vùng thiếu nước tưới

Việc phát triển cây cà phê, cao su, hồ tiêu… đã giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, đồng thời góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh chính trị trên địa bàn.

Tuy vậy, thực tế việc tăng trưởng “nóng” của một số cây trồng nêu trên đã phá vỡ quy hoạch và dẫn đến những hệ lụy khó lường. Đơn cử như với cây cà phê, phần lớn diện tích trồng ngoài vùng quy hoạch đều xa nguồn nước hoặc không chủ động được nguồn nước, trồng trên những vùng đất không thích hợp, dùng giống không rõ nguồn gốc nên thường bị dịch bệnh, năng suất kém, hiệu quả kinh tế không cao. Thậm chí, nhiều hộ gia đình còn mất trắng hàng trăm triệu đồng do vườn cà phê thiếu nước tưới, bị chết khô.

Tương tự là với cây cao su. Việc mủ cao su tăng cao trong vài năm trước đã kích thích người dân đổ xô trồng cao su trên những vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp. Thêm vào đó, việc sử dụng nguồn cây giống trôi nổi, khâu chăm sóc, khai thác không đúng kỹ thuật, khiến cho cây cao su sinh trưởng kém, hiệu quả kinh tế thấp. Nghiêm trọng hơn, việc người dân tự phát tăng diện tích cây trồng dẫn đến phá vỡ quy hoạch như đã nêu ở trên. Ba năm gần đây, khi mủ cao su rớt giá sâu, người dân lại tự ý chặt bỏ vườn cây để chuyển qua trồng hồ tiêu, mắc-ca, chanh dây…

Trong lúc diện tích cà phê, hồ tiêu, cao su… ngoài quy hoạch vẫn đang ngày một già cỗi, năng suất thấp, hiệu quả kém dần, thời tiết diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ bấp bênh… thì bài toán quy hoạch ngành hàng lại trở nên nóng hổi.

Dù hiện nay, Bộ NN&PTNT đã có quy hoạch hầu hết các cây, con chủ lực nhưng việc thực thi vẫn là nan giải. Ngay việc giám sát thực thi quy hoạch đang còn nhiều lúng túng bởi Bộ NN&PTNT không thể “quản” trực tiếp từng diện tích đất canh tác, trong khi địa phương cũng có sức ép an sinh cho người dân.

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vào giữa tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh tới trách nhiệm vượt quy hoạch hơn 100.000 cao su ha thuộc về ai. Bộ trưởng nói: “Đương nhiên trách nhiệm về quản lý đối với toàn ngành thuộc về Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, các đồng chí ở các chính quyền địa phương cũng phải liên đới. Thực tế là quản lý ở các địa phương phải là các đồng chí, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT không thể lặn lội đến từng cánh đồng để biết được khu vực này có trong quy hoạch hay không trong quy hoạch, mà chủ yếu là làm trên tổng thể và cơ chế chính sách”.

Khi người nông dân vẫn loay hoay với vòng luẩn quẩn “trồng-chặt”, “chặt-trồng” thì chính quyền địa phương cũng chỉ có thể tập trung vào biện pháp tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, hoặc trồng tái canh bằng các giống mới để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Quy hoạch phải gắn kết và phát huy được nguồn lực ngành nông nghiệp

Trở lại với Dự thảo Luật Quy hoạch, chúng ta mong muốn và kỳ vọng quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp (bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản) phải theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả và tính bền vững của nền nông nghiệp.

Công tác quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp phải trên cơ sở đổi mới tư duy, tiếp cận thị trường, kết hợp ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, nhân lực được đào tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái để khai thác có hiệu quả lợi thế và điều kiện tự nhiên của mỗi vùng, mỗi địa phương.

Mặt khác, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp phải gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ; tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp phải gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn. Cùng với nguồn nhân lực được đào tạo, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa với trình độ kỹ thuật và công nghệ ngày càng cao, phát huy tiềm năng và lợi thế để hội nhập quốc tế.

Phi Long