Đăk Lăk đề nghị hỗ trợ nông dân vay vốn trồng cao su

Để thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển cao su, trong thời gian qua tỉnh Đăk Lăk đã có nhiều chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế, đào tạo nhân lực…ưu tiên vay vốn, miễn tiền thuê đất các năm đầu thực hiện dự án, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động tại chỗ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với cao su tiểu điền, các hộ tham gia dự án đa dạng hóa nông nghiệp trồng cao su từ năm 2001 -2006 được ưu tiên đo cấp đất miễn phí, cho vay vốn ưu đãi, trả dần lãi và vốn sau khi có thu hoạch sản phẩm, được đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác. Ngoài ra đối với các nông hộ không tham gia dự án, thuộc diện hộ nghèo, hộ đồng bào các dân tộc thiểu số được đào tạo, tập huấn miễn phí theo Chương trình đào tạo nghề nông thôn.

Cao su trồng mới tại Công ty TNHH MTV Cao su Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk.
Cao su trồng mới tại Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk.

Trước tình hình khó khăn do giá cao su xuống thấp, ảnh hưởng đến thu nhập người nông dân, một số người dân dao động chuyển đổi cao su sang trồng cây khác, tỉnh đề nghị đối với các hộ nông dân trồng cao su, cần phải xác định rõ lợi ích lâu dài và giá trị mang lại từ cây cao su, chủ động đầu tư, nâng cao năng suất và chất lượng vườn cây.

Chấp hành tốt quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác, hướng dẫn của các hộ khuyến nông cao su, nông dân chủ chốt để vườn cây cho năng suất cao, ổn định và bền vững. Tăng cường học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức về canh tác cây cao su, kiến thức thị trường, giá cả và bảo quản tốt mủ cao su nhằm giữ vững chất lượng.

Ngoài ra tỉnh cũng đề nghị về lâu dài cần nghiên cứu thí điểm bảo hiểm cho ngành sản xuất cao su. Cao su là cây có thời gian KTCB dài, thời gian thu hồi vốn chậm, do vậy cần có cơ chế và chính sách phù hợp tạo điều kiện cho nông dân được vay vốn đầu tư trong thời gian KTCB và 3 năm đầu để người dân yên tâm khai thác.

P.V