Công ty CPCS Điện Biên lạc quan mùa cạo mới

CSVN – Hơn 100 tấn mủ đông thu được là thành quả lao động sau hơn 2 tháng đưa vào khai thác trên 620 ha của công ty. Những dòng nhựa trắng tuôn chảy là minh chứng thuyết phục, củng cố niềm tin về cuộc sống ấm no hơn của CNLĐ.
TGĐ Cao su Điện Biên Phan Văn Lợi hướng dẫn CN Quàng Thị Ánh kỹ thuật khai thác mủ
TGĐ Cao su Điện Biên Phan Văn Lợi hướng dẫn CN Quàng Thị Ánh kỹ thuật khai thác mủ
Tín hiệu khả quan

Tháng 6/2017, Công ty CPCS Điện Biên bắt đầu cạo xả hàng loạt trên diện tích năm đầu đưa vào khai thác. Ông Phan Văn Lợi – TGĐ công ty, cho biết kế hoạch giao của VRG là năng suất vườn cây đạt 0,65 tấn mủ quy khô/ha (tương đương với 1,3 tấn mủ đông/ha) trong năm đầu. Thời gian đưa vào cạo chưa nhiều, song với kết quả bước đầu có thể khẳng định, năng suất vườn cây sẽ đạt và vượt kế hoạch giao. “Những diện tích hiện đưa vào khai thác có nhiều tín hiệu khả quan, năng suất sẽ vượt so với vườn cây ở một số tỉnh miền Trung”, ông Lợi tự tin.

Từ đầu năm 2017 giá cao su liên tục tăng, tranh thủ thời cơ thuận lợi, từ đầu mùa cạo đến nay, công ty đều đặn khai thác hơn 620 ha cao su tại huyện Điện Biên và Mường Chà. Để động viên, khuyến khích CNLĐ, công ty thực hiện chế độ ăn giữa ca 10.000 đồng/người/bữa, trang bị bảo hộ lao động, đèn điện, quần áo, găng tay, ủng cao cổ… tạo thuận lợi cho việc khai thác mủ.

Đội sản xuất số 2 Mường Pồn, NTCS Điện Biên hiện đưa vào khai thác 86 ha. Hàng ngày, có 21 công nhân, lao động trực tiếp cạo mủ (trong đó có 5 hộ nhận khoán vườn cây). Chị Quàng Thị Ánh – CN đội sản xuất số 2 Mường Pồn, chia sẻ mình nhận khoán cạo gần 400 cây cao su. Để lấy được nhiều mủ, chất lượng tốt, quan trọng nhất là kỹ thuật cạo và thời gian cạo. Hàng ngày, cứ 3 giờ sáng mình bắt đầu dậy chuẩn bị tư trang, vật dụng để lên lô, sau 7 giờ sáng, công việc cạo mủ kết thúc.

Sau đó, CN tập trung tại đội sản xuất báo cáo phần việc vừa thực hiện và nghỉ ăn giữa ca, còn buổi chiều thì đi kiểm tra máng cạo. Cứ sau 4 ngày, hầu hết các máng đều đầy mủ (khoảng 1,8 lít), đợi mủ đông thì trút đưa về đội làm thủ tục bàn giao, nhập kho. Sau hơn 2 tháng làm công việc cạo mủ, thu nhập của chị Ánh đã tăng lên, đạt 4,5 triệu đồng/tháng.

Chúng tôi theo chân chị Ánh lên lô khi trời mưa tầm tã, quãng đường buộc phải đi bộ gần một cây số đất đỏ trơn trượt nhưng chị chẳng nề hà. “Trước làm ngô, làm lúa nương vất vả hơn nhiều mà thu nhập bấp bênh, cuộc sống rất khó khăn, đoạn đường này đâu có thấm gì khi có công việc ổn định và thu nhập tốt”, chị Ánh cười bảo.

 Tiếp tục mở miệng cạo

Thực hiện chỉ đạo của VRG đối với việc đưa vườn cây đủ tuổi vào khai thác mà tiêu chuẩn mở cạo mới không nhất thiết phải đạt độ đồng đều 70% như quy trình ban hành, nhưng phải đảm bảo hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật và xã hội. Công ty Điện Biên tiếp tục rà soát, thống kê diện tích các vườn cây đủ tuổi khai thác nhưng tỷ lệ độ đồng đều thấp hơn quy trình, đề nghị Tập đoàn phê duyệt bổ sung đưa vào khai thác trong năm 2017. Theo ông Lợi, việc tiếp tục đưa diện tích các vườn cây vào khai thác không chỉ giải quyết việc làm cho CNLĐ vùng dự án mà còn tạo sản phẩm, tăng hiệu quả hoạt động SXKD của đơn vị.

Là người có nhiều năm phụ trách dự án phát triển cây cao su của tỉnh Điện Biên, ông Lò Quang Chiêu – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết tuy là năm đầu đưa vào cạo mủ, nhưng qua đánh giá vườn cây cho mủ khá tốt, chất lượng mủ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Những năm tiếp theo đưa vào khai thác, năng suất mủ sẽ cao hơn. Do cao su là cây công nghiệp dài ngày nên hiệu quả kinh tế không thể tính một sớm một chiều mà phải tính trong cả chu kỳ và xem xét hiệu quả tổng hợp.

Đối với vấn đề trồng mới, từ năm 2016 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã dừng mở rộng diện tích trồng mới cây cao su theo đúng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, ông Chiêu cho rằng, nếu dừng ở quy mô như hiện nay, diện tích hơn 3.700 ha sẽ không đảm bảo vùng nguyên liệu cho việc xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty CPCS Điện Biên; cũng như sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động trên địa bàn.

Gia Kiệt