CSVN – Đất “Cam” (Campuchia) vốn nổi tiếng với những ngôi chùa, đền và văn hóa Phật giáo, ai đến rồi cũng có những kỷ niệm, điều đáng nhớ. Với chúng tôi, trong một chuyến công tác, đất khách đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm về sự chuyển mình, thay đổi của địa phương và người dân nơi đây khi có sự hiện diện của các dự án phát triển cao su.
Tình người nơi đất khách
Hơn 8 giờ sáng, đoàn công tác của chúng tôi có mặt ở cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) – nơi thông thương với tỉnh Ratanakiri của nước bạn. Sau vài phút làm thủ tục, chúng tôi được phép xuất cảnh. Phía bên kia, anh em Công ty TNHH Phát triển cao su Hoàng Anh – Mang Yang K đã chờ sẵn.
Trong số đó, chúng tôi khá ấn tượng với một người đàn ông có nước da ngăm đen, mặc quân phục Công an Campuchia. Anh là Keo Tài, một cán bộ an ninh tại cửa khẩu. Sau khi tìm hiểu, được biết anh là người gốc Việt và cũng lấy vợ người Việt Nam, nên tiếng Việt anh khá “sỏi”.
Khi trò chuyện với chúng tôi, anh Tài cho biết: “Đã lâu rồi chưa được gặp đoàn công tác của VRG, nhất là anh Trương Minh Trung. Nên tôi ra đây đón anh Trung, mời anh và đoàn công tác về nhà mình chơi chút. Hôm nay, tôi cũng có nhiều đoàn công tác quan trọng đến làm việc, nhưng tình cảm sâu đậm của anh Trung nói riêng, anh em ở cao su nói chung nên tôi muốn đón tiếp chu đáo và trọn vẹn nghĩa tình”.
Chất giọng miền Tây “rặc ri” của anh Tài, cùng những cái bắt tay thân thiện, nghĩa tình làm chúng tôi nhớ về phong cách sống thoải mái, vô tư của những người bạn ở miền sông nước Tây Nam bộ Việt Nam. Bữa cơm “trưa” lúc…9 giờ sáng được bày lên chiếc bàn gỗ mộc mạc. Tất cả các món đều mang hương vị người Việt, nhưng cách chế biến của người Cam. Đây không phải bữa cơm thông thường, đó là bữa cơm nghĩa tình. Vì thế, trong suốt bữa ăn, câu chuyện chỉ xoay quanh tình cảm, công việc của anh em cao su.
Tình cảm giữa các thành viên trong đoàn với anh Tài lưu luyến đến chén rượu cuối cùng ngay cả khi ra đến cửa nhà, “chân không vững” nhưng cái ôm thì thắm thiết.
Chia tay gia đình anh Tài, chúng tôi đến với anh em ở Nhà máy chế biến cao su Oyadao của Cao su Mang Yang K. Trong công trường ngổn ngang thiết bị, máy móc của Công ty Cơ khí Cao su đang chờ ngày lắp đặt để nâng công suất dây chuyền SVR10 – 20 lên 3 tấn/giờ, anh em công nhân vẫn tích cực, tranh thủ từng giây, từng phút.
Anh Trần Bá Tước – TGĐ Công ty CP Cơ khí Cao su cho hay: “Ở đây xa quê hương, xa đơn vị nên anh em kỹ sư, công nhân đều xác định phải tranh thủ từng phút từng giây, tinh thần là làm hết việc để đáp ứng yêu cầu về tiến độ cho chủ đầu tư”.
Đã quá trưa, nhưng anh Nguyễn Quốc Ninh một nhân viên thuộc phòng KCS của Cao su Mang Yang K bày tỏ: “Được biết có đoàn công tác của VRG, công ty mẹ sang làm việc nên anh em chúng tôi cũng muốn chờ đợi để gặp gỡ đoàn, mấy khi anh em ở Việt Nam sang Campuchia công tác, giây phút như thế này quý lắm”.
Một ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi đã nhanh chóng qua đi khi hầu hết anh em người Việt đang công tác tại Cao su Mang Yang K, Cao su Krông Buk – Ratanakiri cùng các anh Lê Văn Lâm – TGĐ Cao su Đồng Nai – Kratie, anh Nguyễn Quang Vịnh – TGĐ Cao su Đồng Phú – Kratie gặp gỡ tại Văn phòng Cao su Mang Yang K.
Tại đây, chúng tôi gặp lại anh Keo Tài và những người bạn từng công tác nơi Công ty mẹ, Anh Mai Công Lộc – Phó phòng Tổ chức – Lao động – Tiền lương Cao su Krông Buk – Ratanakiri tràn đầy tâm sự: “Lâu lắm mới gặp các anh, qua 2 năm dịch Covid -19 hoành hành…!”. Chúng tôi hiểu, phải thân thiết lắm mới nói như thế. Tình cảm của chúng tôi cứ ly đầy rồi lại vơi, “cò cưa” câu chuyện về tình anh em, về cây cao su và về những tâm tư, nỗi nhớ gia đình, vợ con da diết… mọi mặt của cuộc sống đều được chia sẻ thắm thiết.
Cao su – thắm hình hữu nghị Việt Nam – Campuchia
Là người trong ngành cao su nhiều năm, chúng tôi đã đến nhiều bản làng ở Tây Nguyên, miền Trung nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, làm công nhân cao su ở vùng biên. Đời sống tinh thần và vật chất của người dân nơi đó đã thay đổi nhanh chóng, nhưng đến với NLĐ ở Công ty Mang Yang K và Krông Buk – Ratanakiri mới thấy hết được sự chuyển mình, khởi sắc trong đời sống của người dân.
Ông Chin Ravay – Đội 2a, Nông trường Ea H’leo thuộc Cao su Mang Yang K cho chúng tôi biết: “Lúc trước chưa có cây cao su, chúng tôi quanh năm sống trong sự khó khăn, làm nương rẫy trồng nhiều cây nhưng cũng không đủ ăn, chưa quen với công việc cạo mủ, chưa quen với giờ đi làm nhưng nay đã khác rồi, biết cách cạo mủ cao su, quen với giờ đi làm. Giờ gia đình tôi đã có nhà cửa khang trang, có cơm ngon để ăn, áo đẹp để mặc. Một tháng lấy lương 2 lần đã làm cuộc sống gia đình tôi thay đổi nhiều”.
Những cơn mưa đầu mùa nặng hạt ngày hôm trước làm con đường vào vùng dự án, nơi đặt nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Krông Buk – Ratanakiri “gây khó” cho đoàn công tác khi không thể di chuyển bằng ôtô qua cầu.
Chuyến “tăng bo” qua cầu và những chiếc ôtô bán tải chở đoàn công tác vào dự án, băng qua những đoạn đường cấp phối bằng phẳng, những lô cao su xanh mượt, căng tràn sức sống đủ chứng minh cho một chủ trương đúng đắn của VRG.
Anh Trần Ngọc Lành – TGĐ Cao su Krông Buk – Ratanakiri cho biết: “Đời sống của người dân nơi đây cũng như NLĐ của đơn vị đã thay đổi đáng kể khi vườn cây đưa vào khai thác, nhất là khi nhà máy đi vào hoạt động năm 2020 đã chế biến toàn bộ sản lượng của đơn vị và gia công, chế biến cho người dân trong vùng. Với mức lương từ 1,4 triệu Riel (trên 7 triệu đồng) thì đó là mức sống tương đối tốt so với mức bình quân chung của vùng, nên bà con ở đây rất muốn được vào làm công nhân cạo mủ hoặc công nhân chế biến”.
Chị Koh Nangkhien – công nhân Nhà máy chế biến Cao su Krông Buk – Ratanakiri chia sẻ: “Từ ngày tôi làm công nhân ở nhà máy thì cuộc sống gia đình tôi thay đổi nhiều, tháng nào cũng có tiền lương, được cho thêm gạo, dầu ăn, bột ngọt, nước mắm nên trong nhà lúc nào cũng đầy đủ đồ ăn”.
Những thay đổi, chuyển mình và khởi sắc của mỗi buôn làng không chỉ thấy qua sự cải thiện bữa ăn trong gia đình NLĐ ở các đơn vị cao su đóng chân tại tỉnh Ratanakiri mà còn thể hiện rõ qua việc được đầu tư cơ sở hạ tầng với đường giao thông, trạm xá, xây chùa…điều này đã tạo dựng lòng tin sâu sắc trong mỗi người dân bản địa, là chìa khóa cho tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia mãi bền chặt.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Cao su Phú Riềng: Hiệu quả kinh tế từ những sáng kiến
- Tập trung tuyên truyền những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Đảng, Nhà nước...
- Nông trường An Biên (Cao su Chư Prông): Vững vàng nơi vùng biên
- Cao su Đồng Nai và những hành trình kết nối, thu tuyển lao động
- Tích cực rèn trí luyện tài chờ ngày hội lớn
- Nông trường An Lộc "lội ngược dòng" ngoạn mục
- Cao su Chư Sê công bố các quyết định về cán bộ
- Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh với ngành cao su Việt Nam
- Hội doanh nhân trẻ VRG đóng góp vào sự phát triển ổn định của Tập đoàn
- "Cao su Việt Nam" - Giải thưởng của niềm đam mê sáng tạo