Các đơn vị chế biến gỗ: Nỗ lực vượt khó

CSVN – Năm 2023, thế giới tiếp tục có sự biến động về kinh tế xã hội do ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraina. Đặc biệt, các nguyên liệu gỗ tăng cao so với những năm trước đây. Đó là nguyên nhân chính làm cho ngành chế biến, kinh doanh gỗ của VRG nói riêng và ngành gỗ Việt Nam nói chung tiếp tục giảm mạnh về sản lượng tiêu thụ cũng như lợi nhuận.

Ván MDF thành phẩm tại Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang. Ảnh: Vũ Phong
Tổng doanh thu ước đạt 5.669 tỷ đồng

Trong số các ngành nghề kinh doanh của VRG, gỗ là một trong 5 ngành sản xuất chính. Đây là lĩnh vực có biên lợi nhuận khá tốt trong những năm qua, có cơ hội phát triển trong điều kiện Việt Nam và các nước đang thắt chặt chính sách đóng cửa rừng, nhu cầu về sản phẩm sản xuất từ gỗ nói chung và gỗ cao su tiếp tục tăng trong các năm. Chính vì vậy phát triển các sản phẩm gỗ cao su tinh chế và các sản phẩm mới, nhằm phát huy tối đa nguồn gỗ là có nhiều tiềm năng, triển vọng và lợi thế để phát triển.

Từ năm 2019 đến năm 2022, tốc độ tăng trưởng sản lượng sản xuất ngành gỗ ở mức trung bình, năm 2022 chỉ tăng 3,8% so với năm 2019. Sản lượng tiêu thụ có sự tăng trưởng nhẹ trong giai đoạn 2019 – 2022 với mức tăng 7,5%, sản lượng tiêu thụ trung bình đạt 1.227.290 m³/năm, trong đó sản lượng MDF đóng góp 77% tổng sản lượng tiêu thụ; năm 2019 doanh thu đạt 7.547 tỷ đồng, năm 2022 tăng lên 7.727 tỷ đồng. Đóng góp tương đương 25% vào tổng doanh thu hợp nhất của VRG.

Về lợi nhuận sau thuế, ngành gỗ đóng góp trung bình 12,6% tổng lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn, giá trị lợi nhuận sau thuế trên doanh thu tương đương 9,5%. Riêng năm 2023, các công ty gỗ sản xuất được 85.981 m³ gỗ phôi, gỗ ghép tấm là 4.456 m³, gỗ tinh chế đạt 7.097 m³, gỗ MDF đạt 1.018.469 m³. Tương ứng với sản lượng, tổng doanh thu năm 2023 ước đạt 5.669 tỷ đồng.

Thị trường tiêu thụ năm 2024 dự báo tiếp tục gặp khó

Tại Hội nghị đánh giá công tác chế biến SXKD lĩnh vực gỗ năm 2023, giải pháp và định hướng năm 2024 của VRG, Ban Công nghiệp Tập đoàn nhận định, trong năm 2023, tại thị trường Châu Âu, tốc độ tăng trưởng GDP giảm, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh tại một số nền kinh tế lớn, đặc biệt tại Đức. Ngành xây dựng tăng trưởng âm liên tục trong 14 tháng qua, đặc biệt lĩnh vực xây dựng nhà cửa. Trong 12 tháng tiếp theo, sức ép tăng lãi suất ngân hàng tiếp tục tăng, do vậy nhu cầu sẽ khó có khả năng tăng mạnh trong tương lai gần.

Tại thị trường Bắc Mỹ, nhu cầu xây dựng căn hộ và nhà giảm. Việc tăng lãi suất gần đây có thể hạn chế trực tiếp chi tiêu và mua nhà. Giao dịch nhà cửa ở Mỹ trong tháng 6 thấp nhất trong lịch sử, do tăng lãi suất ngân hàng. Dự kiến thị trường nhà cửa và xây dựng sẽ hồi phục sau năm 2024 – 2025. Người tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ và thực hiện thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu để chống lại lạm phát tăng cao (trên 8%), trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó, chi phí logistic, giá gỗ nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào tăng cao cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động SXKD ngành gỗ nói chung.

Ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, các đơn vị thành viên Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực gỗ cần phát huy hiệu quả thế mạnh của mình, đồng thời xem xét, đánh giá lại năng lực sản xuất và tái cấu trúc các doanh nghiệp hiện hữu cũng như đề ra một số định hướng đối với ngành gỗ VRG trong thời gian tới. “Các đơn vị thành viên cần phải chủ động nguồn nguyên liệu, sản xuất sản phẩm có nguồn gốc chứng chỉ rừng bền vững, đồng thời xây dựng phương án sản xuất sản phẩm mới như viên nén, nhóm sản phẩm…; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức. Trong đó công tác chuyển đổi số đang là xu hướng tối ưu…”, ông Lê Thanh Hưng nhấn mạnh.

NG. CƯỜNG