CSVN – Dù trong những năm qua gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến nay Nông trường An Biên đã phát triển ổn định, thu hút việc làm cho người dân địa phương, giúp nâng cao mức sống và tăng thu nhập, cải thiện an sinh xã hội tại khu vực biên giới.
Bước đầu gặp nhiều khó khăn
Vào năm 2008, dự án khi mới bắt đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đường sá đi lại. Mùa mưa, đường lầy lội, việc di chuyển từ công ty vào rất gian nan. Có những ngày nhóm công nhân phải mất hơn 5 giờ để đi qua một quãng đường hơn 40 cây số. Ngoài giao thông, việc ăn uống sinh hoạt cũng nhiều trở ngại. Vì khu vực này xa khu dân cư, gần như không có nguồn thực phẩm tại chỗ. Công nhân chỉ có thể mang đồ ăn từ bên ngoài vào để sử dụng trong vòng 1 đến 2 ngày.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là thiếu hụt nước sạch và điện để sử dụng hàng ngày. Khi mới khai hoang, nước rất độc và khí hậu trong khu vực rừng rậm khá khó chịu, anh em công nhân cũng hay bị ốm đau ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng người lao động.
Bên cạnh đó, với đất mới khai hoang chưa thuần đất, khu vực này có nhiều đất cát pha sét. Trong mùa khô, đất trở nên cứng, mùa mưa lại có nhiều vùng đất trũng nước. Khi triển khai trồng cây mới trong mùa mưa, một số khu vực bị ngập nước không thể trồng được. Khó khăn nhất là việc vận chuyển cây giống từ nơi tập kết đến các vùng trồng.
Thêm vào đó, do địa hình đặc biệt và hệ thống giao thông kém phát triển, gần như không có sẵn lực lượng lao động địa phương. Công ty phải tuyển công nhân từ các khu vực khác, điều này ban đầu là những thử thách đáng kể đối với công ty.
Góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới
Để đạt được hiệu quả cao trong sản xuất, trong công tác trồng mới, Cao su Chư Prông đã áp dụng phương pháp trồng, thiết kế vườn với khoảng cách 3m X 6,5m (512 cây/1 ha) khoan hố bằng máy khoan cơ giới 60cm X 60cm. Sau đó giao khoán cho từng công nhân và trồng bầu 1 tầng lá ổn định. Đến nay nông trường đã có diện tích khai thác là 1.559 ha/2.097ha diện tích toàn nông trường. Năm 2022, công ty giao kế hoạch sản lượng 1.450 tấn, nông trường khai thác đạt 1.559 tấn (đạt 107% kế hoạch). Năm 2023 với diện tích khai thác 1.571ha công ty giao 1.540 tấn, nông trường đang phấn đấu đạt và vượt sản lượng.
Hiện tại nông trường có 219 CB.CNV LĐ trong đó người lao động dân tộc thiểu số chiếm 86%. Năm 2022 thu nhập bình quân của người lao động trong toàn nông trường đạt hơn 7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2023 nông trường đang phấn đấu mức thu nhập của người lao động 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Song song với công tác sản xuất, là một nông trường xa trung tâm công ty, giáp khu vực biên giới Campuchia, do đó ngoài việc phát triển kinh tế nông trường cũng góp phần giữ gìn an ninh trật tự nơi biên giới. Bên cạnh đó là thực hiện các chương trình xã hội, hỗ trợ cộng đồng tại địa phương. Nông trường đóng góp tích cực vào phát triển hạ tầng khu vực, như xây dựng và cải tạo đường giao thông, cung cấp điện và nước sạch cho người dân. Tại đây, Cao su Chư Prông còn chú trọng đến việc bảo vệ môi trường và thực hiện các biện pháp bền vững trong quá trình khai thác và trồng cây cao su. Điều này đã góp phần bảo vệ và duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng trong khu vực biên giới.
HẰNG NY
Related posts:
- Cao su trên quê hương Bác và dòng nhựa trắng xây đời
- Cao su Hà Tĩnh phấn đấu doanh thu gần 127 tỷ đồng năm 2024
- Cao su Dầu Tiếng: Sôi nổi hội thi bàn tay vàng thu hoạch mủ 2022
- Các đơn vị miền núi phía Bắc phấn đấu vượt kế hoạch sản lượng
- Bàn giao “Nhà Đại đoàn kết” cho công nhân Cao su Phước Hòa
- Cao su Chư Sê Kampong Thom sôi nổi giải bóng chuyền và các trò chơi dân gian chào mừng Lễ Phchum Ben
- Cao su Sơn La ra quân khai thác mủ
- Lao động mùa cạo 2017: đã ổn định
- Nông trường An Viễng giải Nhất Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ Tổng Công ty cao su Đồng Nai
- Cao su Quasa Geruco: Linh hoạt vượt khó hoàn thành nhiệm vụ