CSVN – Đó là chia sẻ của ông Luy Pisath – một cán bộ công an Campuchia đã nghỉ hưu và hiện nay đang công tác tại Cao su Tân Biên – Kampong Thom trên cương vị Đội trưởng an ninh bảo vệ Nông trường 2.
Trong buổi sinh hoạt công nhân tháng 5 của Đội 1, Nông trường 2, chúng tôi lập tức bị thu hút bởi một nhân vật trong trang phục của đội bảo vệ rất chỉn chu, nghiêm túc và phong thái chuyên nghiệp. Sau khi dò hỏi thì chúng tôi biết ông là Đội trưởng an ninh bảo vệ của nông trường, là công an đã về hưu và được nông trường mời về làm việc. Trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết đã có dịp ở Việt Nam từ năm 1979 – 1981 khi chính quyền cử đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tại Hà Nội. Nhờ vậy, ông nói tiếng Việt rất giỏi.
Trước đây, ông làm Trưởng phòng Công an huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom. Sau khi về hưu, cảm thấy còn sức khỏe, và trong thời gian công tác, ông cũng có nhiều tình cảm với cao su, do đó khi nghỉ việc ở nhiệm sở, ông nhận lời mời vào làm việc tại Cao su Tân Biên – Kampong Thom. Với ông, công việc này vừa mang lại thu nhập hàng tháng (ngoài tiền lương hưu nhận được của Nhà nước), vừa giúp ông đỡ nhớ nghề.
Ông nói: “Trước đây, tôi đã có mấy chục năm làm công tác quản lý là phòng cảnh sát giao thông, và trưởng công an một số huyện trên địa bàn tỉnh Kampong Thom nên khi về đây công việc cũng dễ dàng, không áp lực gì. Chỉ khác là bây giờ làm công tác bảo vệ an ninh cho doanh nghiệp, địa bàn vườn cây rộng nên tôi sắp xếp để các anh em trong đội tuần tra, canh gác hợp lý và kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra”.
Đồng hành cùng sự phát triển của đơn vị, ông cũng rất vui mừng khi thấy đời sống bà con địa phương thay đổi rõ rệt, khấm khá hơn nhờ cao su. Ông chia sẻ: “Trước đây bà con chủ yếu làm nương rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập hàng năm có khi không đủ sinh hoạt trong gia đình. Nhưng tôi thấy khi bà con vào làm công nhân, nhất là lúc vườn cây đưa vào khai thác, thu nhập hàng tháng của bà con cao hơn, nhờ đó mua sắm được nhiều thiết bị sinh hoạt hiện đại. Nhà nào cũng có xe máy, ti vi, rồi con cháu cũng được đến trường, về văn hóa tín ngưỡng thì công ty cũng xây dựng chùa chiền để phục vụ đời sống tinh thần cho bà con. Nhìn thấy thôn bản và đời sống bà con được tốt hơn mỗi ngày, tôi rất mừng và biết ơn cao su”.
Nói về ông, anh Kim Nhật Thành – Phó Giám đốc Nông trường 2 cho biết: “Có ông Luy Pisath làm Đội trưởng an ninh bảo vệ nên lãnh đạo nông trường rất an tâm về công tác an ninh trật tự trên địa bàn vườn cây đơn vị đứng chân. Ông được rất nhiều người quý mến bởi tính cách điềm đạm, hòa nhã. Ngoài công việc, ông còn là cầu nối để cán bộ người Việt dễ dàng giao tiếp với NLĐ Campuchia, các anh chị em học tiếng Campuchia nhanh hơn nhờ sự hỗ trợ của ông”.
Với ông, về làm việc với Cao su Tân Biên – Kampong Thom là muốn thắt chặt hơn mối đoàn kết, tình cảm hữu nghị giữa hai nước Việt Nam Campuchia, đó cũng là nối dài thêm cơ duyên ông đã từng có thời gian học tập và tu nghiệp tại Việt Nam. Mấy chục năm trôi qua, giờ đây cao su lại tạo cơ hội cho ông được làm việc với anh chị em người Việt. Ông tâm tình: “Anh chị em cán bộ người Việt ở trong nông trường rất tình cảm, gần gũi và sẵn sàng hỗ trợ công nhân người Campuchia. Có lẽ vì vậy mà mọi người làm việc rất vui vẻ, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Trước khi chia tay, ông quả quyết: “Chừng nào tôi còn sức khỏe thì sẽ còn công tác tại đây” và hẹn gặp lại chúng tôi trong những chuyến công tác lần sau.
MINH NHIÊN
Related posts:
- Sôi nổi Hội thi Bàn tay vàng Cao su Mekong
- Hạnh phúc lớn nhất là được lao động, sáng tạo và cống hiến
- Đoàn kết là truyền thống xây dựng Cao su Chư Prông Anh hùng
- Các đồn điền cao su ra đời
- Thưởng Tết
- Các công ty cao su Cụm I tại Campuchia chúc Tết cổ truyền Chol Chnam Thmey
- Trực đêm trên lô những ngày cuối năm
- Bản tin chuyên đề số 3
- Thu nhập người lao động cao su Phú Riềng dẫn đầu ngành cao su
- Cao su Mang Yang đẩy mạnh hợp tác phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao