Hạnh phúc khi được quan tâm và yêu thương!

CSVN – Đó là chia sẻ của Bàn tay vàng Rơ Lan H’Anh – Một trong ba thí sinh người dân tộc đạt điểm cao nhất, cũng là thí sinh đạt giải Tài năng trẻ tại Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ năm 2020, sau khi chị trở về đơn vị.

RơLan H’Anh vui mừng và “không tin vào thành tích đạt được của mình”
“Bén duyên” với nghề từ khi phụ mẹ trút mủ

Trong màu áo xanh của 205 thợ giỏi có mặt tại buổi lễ tổng kết hội thi, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với “Bàn tay vàng” còn rất trẻ, bởi khuôn mặt sáng và nụ cười bẽn lẽn rất duyên của thí sinh người dân tộc Jrai. Mãi đến khi Ban tổ chức xướng tên là 1 trong 3 thí sinh người dân tộc đạt điểm cao nhất và đạt thêm giải Tài năng trẻ thì tôi mới biết tên chị là Rơ Lan H’Anh – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông.

Trong tiếng nhạc rộn ràng, tôi tìm gặp chị khi đang chung vui với đồng đội về giải thưởng vừa mới nhận được. Điều lưu lại trong tôi khi tiếp xúc với H’Anh đó là sự “kiệm lời” – Bởi quá vui và hạnh phúc trước thành tích “không tin rằng mình sẽ đạt được” đến nghẹn lời, lúng túng “tìm” số điện thoại của chính mình mà… “quên mất”.

Được biết, Rơ Lan H’Anh đến với nghề cạo mủ như là một “cơ duyên”, bởi chị không qua trường lớp đào tạo nào mà “bén duyên” với nghề ngay từ những ngày còn nhỏ theo mẹ đi trút mủ. Những ngày phụ mẹ trên lô cao su với H’Anh là những kỷ niệm đẹp về cây cao su và nghề cạo mủ, cứ thế theo thời gian lớn dần lên cùng năm tháng. Thế rồi, “khi mẹ yếu không đi làm nổi, mình xin vào làm công nhân cạo mủ thay mẹ”.

Vui khi được mọi người yêu thương, quan tâm

25 tuổi đời, 5 tuổi nghề, khoảng thời gian thâm niên công tác không nhiều so với “sự dày dặn” của 35 Bàn tay vàng được vinh danh tại hội thi. Nhưng với thành tích 100 điểm của H’Lan đạt được khiến ai cũng phải “nể phục”. Để có mặt tại hội thi cấp ngành, chị đã trải qua 2 kỳ “sát hạch” tại hội thi Bàn tay vàng cấp nông trường (đạt giải nhì), cấp công ty (đạt giải ba). Vẫn chưa hài lòng với kết quả đạt được, giọng chùng xuống, chị chia sẻ: “Kỹ thuật thì không sợ nhưng điểm yếu của mình là tốc độ. Càng thi tốc độ càng… tụt xuống”.

Khi được hỏi, có dự định gì trong 2 năm tới ở  hội thi Bàn tay vàng tại Cao su Dầu Tiếng, chị cười: “Không biết có được chọn vào đội tuyển không nhưng mình sẽ cố gắng. Điều đầu tiên là phải cải thiện “điểm yếu” đó là tốc độ. Hôm nay, được về tham dự hội thi cấp ngành, đó là vinh dự lớn của mình và của Nông trường Suối Mơ”.

Những ngày cuối năm, ở Tây Nguyên, trên các nông trường ai ai cũng đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch. H’Anh lại càng bận rộn hơn, ngày chị tranh thủ thời gian cùng chồng lên rẫy hái cà phê, tối về đi cạo mủ. Ngoài ra, H’Anh còn phụ trách công tác nữ công của nông trường, vì với chị “Công việc nữ công rất vui, được cùng với chị em trong nông trường tổ chức các phong trào, các ngày lễ trong năm. Phần thưởng cho chị em có công không nhiều nhưng đã động viên, khích lệ khiến ai cũng vui và hăng say lao động”.

Khi tôi hỏi, sao không rủ chồng vào làm công nhân, H’Anh chân thành: “Công việc chính của em vẫn là cạo mủ, còn chồng phải lo “cái rẫy”, nếu vào làm công nhân thì không có người hái 40 gốc cà phê của nhà. Mấy năm nay, cà phê không được giá nên một mùa thu hoạch cũng được khoảng 30 triệu đồng, cộng thêm tiền lương gần 5 triệu/tháng là vợ chồng và hai con sống cũng tạm ổn”.

Một năm mới lại về, mong ước lớn nhất của cô thợ giỏi đó là, công nhân trong ngành thật nhiều sức khỏe để cống hiến nhiều hơn và ngành cao su VN ngày càng phát triển bền vững trong tương lai. Riêng H’Anh “vui với bản thân” vì năm 2020 đem đến cho chị nhiều điều, nhất là được đồng nghiệp yêu thương và quan tâm hơn sau khi trở về từ hội thi.

NGUYỄN LÝ