CSVN – Việc sử dụng “song ngữ” khi giao tiếp với người bệnh là người đồng bào dân tộc đã góp phần mang lại hiệu quả cao trong công tác điều trị bệnh của Trung tâm y tế Cao su Chư Prông. Đây là giải pháp hữu ích của Bác sĩ Võ Thành Long – Giám đốc Trung tâm.
Học ngôn ngữ của đồng bào dân tộc
Hơn 30 năm công tác ở Trung tâm, nơi gắn liền với số đông đồng bào dân tộc thiểu số đến khám và chữa bệnh, bác sĩ Long trăn trở và thấy rằng cần phải thay đổi cách tiếp cận với người bệnh trong công tác khám chữa bệnh mới mang lại hiệu quả tốt. Bác sĩ Long chia sẻ: “Qua nhiều năm theo dõi, tôi nhận thấy việc tiếp cận để khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay chưa thật sự hiệu quả, nên nghĩ đến việc phải thay đổi cách tiếp cận, đó là khuyến khích y, bác sĩ học ngôn ngữ của đồng bào và sử dụng trong giao tiếp. Đồng thời, tổ chức học tập thường xuyên, định kỳ trong các đợt sinh hoạt để mọi người trao đổi kinh nghiệm tại các buổi giao ban của khoa và của Trung tâm”.
Để triển khai có hiệu quả giải pháp này, anh đã giao nhiệm vụ cho bác sĩ Nay Oanh – Phó Giám đốc trung tâm phụ trách việc dạy tiếng Jrai cho đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm. Bác sĩ Long yêu cầu “người đứng lớp” phải sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, trực quan để giải thích, tuyên truyền, sử dụng tranh ảnh, áp phích bằng tiếng Jrai để giảng dạy.
Bên cạnh đó, anh còn tổ chức vận động bệnh nhân người Jrai cùng tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường, ăn uống hợp vệ sinh, vệ sinh phòng bệnh, không rượu chè khi tham gia giao thông, hợp tác với nhân viên y tế trong công tác điều trị bệnh… Trong tất cả các hoạt động giao tiếp với người bệnh đều sử dụng “song ngữ” để tăng hiệu quả giao tiếp cho đội ngũ y, bác sĩ trong đơn vị mình.
Hiệu quả thiết thực
Bác sĩ Nay Oanh cho hay: “Sau một thời gian thực hiện ý tưởng, hầu hết bệnh nhân người Jrai đến khám, điều trị tại bệnh viện đều an tâm tin tưởng vì được giải thích rõ các quy định của việc khám chữa bệnh từ bảo hiểm y tế bằng tiếng Jrai hoặc tiếng phổ thông. Điều này làm tăng hiệu quả điều trị, nâng cao trình độ thực tiễn của đội ngũ y, bác sĩ, rút ngắn được thời gian điều trị cho người bệnh. Đồng thời, việc trao đổi thông tin giữa người bệnh và nhân viên y tế trở nên dễ dàng, gần gũi gắn bó với nhau hơn”.
“Không những thế, quá trình đó còn có những sáng tạo phát sinh trong trao đổi với người bệnh, vận dụng những kinh nghiệm quý báu trong khám chữa bệnh của đồng bào tại chỗ và góp phần đẩy lùi các tập tục sai lầm, lạc hậu”, bác sĩ Long cho biết thêm.
Giải pháp này không những mang lại hiệu quả xã hội mà còn mang lại giá trị kinh tế quan trọng đối với người bệnh cũng như với Trung tâm. Bác sĩ Long chia sẻ: “Việc nâng cao nhận thức trong công tác khám chữa bệnh bằng việc khuyến khích đội ngũ y, bác sĩ học tiếng Jrai – ngôn ngữ của người bệnh là đồng bào dân tộc tại chỗ đã góp phần rút ngắn thời gian điều trị bệnh trung bình từ 6,5 ngày/đợt xuống còn 5,5 ngày/đợt. Giảm chi phí cho người bệnh một đợt điều trị nội trú khoảng 150 ngàn đồng/lượt, giảm chi phí điều trị ngoại trú khoảng 20 nghìn đồng/lượt. Mặt khác, người bệnh nhanh chóng được điều trị, sức khỏe hồi phục và xuất viện sớm”.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Buồn lòng vì chồng ngủ ngáy quá to
- Kỷ lục: Hơn 18.500 bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi trong ngày
- Không để bất kỳ người dân nào đứt bữa, thiếu chăm sóc y tế
- Bám trụ với cao su vì niềm đam mê ... phong lan
- Cuộc đời em là do em chọn
- Trao 28 suất quà cho công nhân lao động khó khăn tại Cao su Ea H’Leo
- Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam thông tin về gia hạn sử dụng vaccine Pfizer
- Thưởng thức thắng cố ở cao nguyên đá Đồng Văn
- Nữ sinh tham gia chống dịch và những bài học quý giá
- Người nghèo Sài Gòn giữa "bão" Covid