Người nghèo Sài Gòn giữa “bão” Covid

CSVN – Dịch bệnh bùng phát, Sài Gòn phải giãn cách xã hội. Người lao động nghèo mưu sinh đã khó khăn nay càng vất vả hơn. Không ít người lâm vào cảnh ngày hai bữa cơm từ thiện cầm cự. Thậm chí dù được hỗ trợ 50% tiền phòng trọ nhưng cũng không trụ nổi, phải ra đường sống tạm bợ.

Ông Lê Hoàng Hà ngày ngày đẩy xe đi khắp Sài Gòn lượm ve chai. Tối đến ông ngủ nhờ mái hiên những ngôi nhà quanh ga Sài Gòn
Màn trời chiếu đất vì dịch bệnh

Trưa Sài Gòn, trời đứng bóng. Một cụ bà ngồi trơ trọi dưới bóng cây ven đường Nguyễn Sơn (quận Tân Phú), tay cầm xấp vé số mời mọc. Đó là bà Nguyễn Thị Bích, 60 tuổi, quê ở Thái Bình.

Hơn 20 năm trước, ba mẹ mất, bà không có chồng con, anh chị em thân thích nên rời quê vào Sài Gòn kiếm sống. Bà thuê phòng trọ ở khu vực bến xe Miền Đông và đi bán vé số. Dịch Covid bùng phát, bà bán ngày càng ế ẩm.

“Trước đây mỗi ngày tui bán khoảng 150 tờ vé số, cũng có đồng ra đồng vào, ăn uống đạm bạc, trả tiền phòng trọ rồi dư một ít để phòng thân những lúc ốm đau. Nhưng giờ người ta ngại mua vé số vì sợ lây bệnh, nay mỗi ngày tui bán chưa đến 100 tờ”, bà Bích tâm sự.

Đã vậy, tai họa lại ập đến với bà. Trong một lần đi bán, bà không may bị xe tông, người gây tai nạn đã chạy mất. Gãy chân, không có đủ số tiền hơn 30 triệu để mổ, bà xin ra viện, ngày ngày vẫn cố đi bán vé số để tồn tại.

Bà Nguyễn Thị Bích ngồi bán vé số góc ngã ba đường Nguyễn Sơn – Bình Long, quận Tân Phú

“Không đi lại được, phải ngồi một chỗ bên đường để bán, cộng thêm dịch bệnh nên bán ế lắm. Cuối tháng rồi, mặc dù chủ trọ đã giảm 50% tiền phòng nhưng không đủ tiền trả nên tui đã trả phòng, bây giờ sống vật vờ ở lề đường”, bà Bích ngậm ngùi. Ngôi nhà có mái hiên rộng ngay ngã ba đường Nguyễn Sơn – Bình Long (quận Tân Phú) là nơi tá túc ban đêm của bà.

Cùng cảnh sống vật vờ như bà Bích là ông Lê Hoàng Hà, 45 tuổi. Ông Hà quê ở Cai Lậy, Tiền Giang. Vợ chồng ông làm ruộng thuê nhưng không đủ tiền lo cho hai đứa con ăn học. Ông đành một mình lên Sài Gòn lao động.

Lúc đầu ông thuê phòng trọ ở Thủ Đức và đi làm bảo vệ cho khách sạn. Mỗi tháng cũng dành dụm gởi về nhà 3 triệu đồng. Sau những đợt dịch Covid, khách sạn không trụ nổi nên đóng cửa. Bản thân ông sức khỏe cũng yếu, tay bị tật không thể làm việc nặng nên ngày ngày ông rong ruổi đi bán vé số. Nhiều lần gặp kẻ gian lừa mất vé số, mất sạch tiền, ông sợ nên gom tiền mua một chiếc xe ba bánh đẩy khắp Sài Gòn lượm ve chai.

Ông Hà chia sẻ trong lo lắng: “Mấy năm nay vợ tôi bị bệnh không đi làm được, mọi khoản chi tiêu của gia đình đều chờ tôi gởi về. Giờ dịch bệnh quá, hàng quán đóng cửa, không có nhiều ve chai, thu nhập mỗi ngày được chừng 50 nghìn đồng. Tôi không dám ở trọ nữa, để dành tiền gởi về quê. Mình ngủ tạm lề đường cũng được, chứ không thể nào để cả nhà chịu đói, con cái bỏ học được”.

“Dịch bệnh bùng phát càng thấy lòng tốt của người Sài Gòn. Đi đâu cũng có chỗ phát cơm, nước uống miễn phí. Nhờ vậy tôi có cơm ăn mà còn có tiền gởi về nhà. Không có những tấm lòng tốt đó chắc gia đình tôi ở quê cũng khó sống”, ông Hà chia sẻ.

Tình người giữa mùa dịch

Nhìn con đường Lý Thái Tổ (quận 10) lác đác xe cộ qua lại, ông Nguyễn Văn Công lắc đầu ngao ngán. Ngày trước, khi Sài Gòn nhộn nhịp, khách du lịch nước ngoài sang Việt Nam nhiều, mỗi ngày ông và các chiến hữu trong đoàn xích lô chạy tour cũng kiếm được kha khá. Từ khi dịch xuất hiện, đội xe hơn 30 người lay lắt. Đến giờ, mọi người đã về quê hết, còn lại mỗi ông.

Trước đây ông Công cũng có vợ và một người con trai. Gia đình lục đục, vợ con bỏ đi, ông sống cùng mẹ già và người anh trai ở quận 8. Nhà giải tỏa, mẹ mất, người anh nhận tiền đền bù đi biệt xứ, ông chính thức trở thành người vô gia cư. Tài sản lớn nhất của ông là chiếc xích lô chở khách và cũng là nơi để ông ngả lưng sau một ngày lao động.

Ánh mắt đăm chiêu hướng ra con đường vắng vẻ, ông Công tâm sự: “Bữa nay ế lắm, có ngày tôi không chạy được cuốc xe nào. Bây giờ người ta không còn đi xích lô nữa, xe ôm công nghệ vừa rẻ lại nhanh và tiện. May nhờ bà con thương tình, thỉnh thoảng họ gọi chở hoa, hàng hóa trong chợ Hồ Thị Kỷ, mỗi ngày kiếm được vài ba chục để lót lòng”.

Vừa nói ông vừa khoe ổ bánh mì thịt của một cô trong chợ cho, giọng hớn hở: “Người ta tốt lắm, biết dịch bệnh, tôi không chạy xe được nên hay cho đồ ăn, quần áo. Còn tiền chạy xe để dành tắm giặt và mua thuốc uống. Chứ tôi cũng 66 tuổi rồi, chân yếu, đi lại cũng khó khăn”.

Giữa cái nắng cháy da của Sài Gòn, bà Bích cố lết vào mái hiên căn nhà đóng cửa. Bà mở trong chiếc túi ni lông ra một hộp cơm và chai nước suối nhỏ. Đó là khẩu phần buổi trưa do cô Năm bán cơm gần đó cho.

Bà Bích cho biết: “Cô Năm ngày nào cũng cho cơm, cô dặn tiền lời cứ để dành mua một chiếc xe lăn để đi bán và dành dụm đi bệnh viện mổ chân. Chứ lần trước bác sỹ nói để lâu là sẽ không mổ được, không đi lại được nữa”.

Ông Nguyễn Văn Công trên chiếc xích lô ế ẩm
Rồi dịch bệnh sẽ qua mau thôi

Sài Gòn đang căng mình chống dịch, ai cũng phải tuân thủ quy tắc 5K. Với những người lao động nghèo, cơ nhỡ, họ còn lo lắng hơn, cố gắng bảo vệ mình và cộng đồng.

Với ông Hà, ông đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi, vì ông cho rằng: “Do mình không có nhà, ngủ ngoài đường nên khi ngủ cũng phải đeo khẩu trang, còn khi ăn cơm thì phải kiếm chỗ thật vắng, tranh thủ ăn thật nhanh, mình phải tuân thủ để hạn chế lây dịch. Là lao động chính trong gia đình, lỡ bị cách ly hay lây bệnh thì không biết tiền đâu để tồn tại”.

20 năm trong nghề đạp xích lô, có lẽ đây là khoảng thời gian ông Công cảm thấy cô đơn nhất. Con đường Lý Thái Tổ thường ngày rất đông xe, ồn ào, bây giờ chỉ lác đác vài chiếc xe máy qua lại.

Ông khẽ lắc đầu trong tiếng thở dài: “Đến tối thì buồn lắm, không người, không xe, có mình tôi trên chiếc xích lô trơ trọi bên lề đường. Nhưng tôi vẫn tin tưởng vào chính quyền, vào người dân Sài Gòn. Mọi người cùng đoàn kết rồi dịch bệnh sẽ qua mau thôi”.

Trong khi đó, bà Bích thì dí dỏm: “Tui đeo cả hai cái khẩu trang đó, khách mà ghé mua là tui nói họ đứng xa một tí, nhiều người giận, bỏ đi, nhưng biết làm sao được, phải giữ khoảng cách để cùng nhau an toàn”.

Sau những lời nói vui, giọng bà chùng xuống: “Thú thật, có những đêm nằm trằn trọc dưới mái hiên, tui cũng nghĩ sao trời không cho mình “đi luôn” cho rồi, tuổi già đơn độc khổ quá, không nhà cửa, bệnh tật. Nhưng rồi tui cũng bình tâm lại, phải cố gắng vượt qua khó khăn, sống cho hết kiếp người”.

Ánh nắng chiều hắt qua vai, rọi thẳng vào vầng trán đầy nếp nhăn của bà. Những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt như những vết cắt đau đớn của cuộc đời mà bà đang phải gánh chịu. Mong rằng, dịch bệnh sẽ qua mau thôi!

ĐÀO PHONG