Bám trụ với cao su vì niềm đam mê … phong lan

CSVN – Chị Bạch Thị Hạnh, thôn Sông Xoài 2, xã Láng Lớn (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), một hộ cao su tiểu điền chịu thương chịu khó bám trụ với cây cao su từ thời giá cao su chạm đáy. Nhờ vậy đến nay chị đã có nguồn lực đầu tư vườn hoa lan khá lớn thay cho các loại cây ăn trái trong vườn nhà.

Chị Hạnh bên vườn lan 3.000m2 đã cho thu hoạch.

Vườn lan của chị Hạnh có diện tích 3.000m² với đủ loại hoa lan được cấy trồng trên chậu, mỗi giống lan được bố trí theo từng khu vực, có chỗ dùng chậu treo, chỗ thì để trên giàn, chỗ trồng thẳng xuống đất có ủ phân, mỗi khu vực đều có lối đi lại thuận tiện cho việc mua bán, chăm sóc hoa….

Vừa đi, chị vừa giới thiệu tên từng loại lan như: mokara (5 màu), dendro (12 loại), vũ nữ, ngọc điểm, hồ điệp… Hỏi về cách thức chăm sóc thì chị cho biết: “Hoa lan do chị cấy trồng trong chậu với vật liệu gần gũi, dễ tìm kiếm hoặc mua như: than, xơ dừa… Đặc biệt, lan ở đây không sử dụng thuốc, hóa chất kích thích phát triển nhanh, mau tốt. Trồng và chăm sóc lan thì không thể nóng vội, mà cứ để cho lan phát triển thuận theo tự nhiên.

Chính vì điều đó, mà khi chậu lan đã tốt, ra giò hoa thì có mùi hương và khoe sắc rất lâu. Người chơi lan khi mua lan ở đây về chơi sẽ yên tâm, chỉ cần phun nước tưới đều đặn thì lan sẽ sống rất khỏe và cho hoa đẹp”. Còn về kỹ thuật, để chậu lan xanh tốt, nhiều lá thì cần đủ nước, phân bón lá, lân, NPK, bánh dầu… khi người chơi muốn cho lan đâm giò nở hoa đúng thời vụ, chỉ việc kích thích bằng phân, và chị sẽ hướng dẫn cho người mua về kỹ thuật này chứ không giấu diếm.

Trồng từ tháng 5/2020 (18 tháng tuổi), vườn lan của chị Hạnh có chi phí đầu tư 1,5 tỉ đồng với lưới che mát, giàn để chậu, treo chậu và cả hệ thống tưới nước phun sương, bón phân tự động, giờ đã đến kỳ thu hoạch. Đầu ra của lan hiện tại chủ yếu vẫn bán cho người chơi lan ở địa phương và các xã lân cận. Ngoài ra bán sỉ cho khách Vũng Tàu, Đồng Nai, Sài Gòn… với số lượng lớn từ 100 – 500 chậu. Lan ở đây có giá bán cũng rất mềm từ 120 – 300 nghìn/chậu.

Riêng, các loại mokara, dendro, vũ nữ… thì cắt cành bán, mỗi cành có giá từ 6 – 8 nghìn. Nguồn cung hoa cành bỏ mối bán cho tiểu thương trong huyện vẫn còn thiếu khiến chị tính đến việc đầu tư thêm diện tích và giống trồng hoa cành sắp tới. Mỗi tuần ước lượng thu nhập từ hoa cành bình quân 5 – 7 triệu. Đó cũng là con số đáng mừng. Ước lượng thu nhập bình quân cho cả vườn lan cũng đạt khoảng 400 – 500 triệu/năm.

Chị cười nói: “Nhờ gắn bó với cây cao su đã ấp ủ cho ước mơ trồng hoa lan của tôi thành hiện thực”. Chính sự đam mê chị đã cất công bỏ việc gia đình để lặn lội lên Sài Gòn tham gia nhiều khóa học ngắn hạn trồng và chăm sóc phong lan từ: cơ bản, đến nâng cao, và chuyên sâu – do Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân TP.HCM đào tạo. Chắc chắn với tinh thần chịu khó tìm tòi học hỏi kỹ thuật trồng hoa lan sẽ giúp chị thành công trong việc đầu tư dự án trồng lan sắp tới với hiệu quả cao hơn nữa.

NGUYỄN CỦ CẢI