CSVN – Thưởng thức món thắng cố, mỗi người chỉ cần một cái muỗng gỗ để ăn trong cái nóng nghi ngút hơi giữa cái giá rét đặc trưng của Cao nguyên đá Đồng Văn, uống thêm chút rượu ngô men lá nồng nàn ngất ngây, mới thấy cái chất sống ở đây.
“Chưa ăn thắng cố là chưa đến Cao nguyên đá Đồng Văn…”. Đó là câu nói cửa miệng của nhiều du khách khi đến Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Nhiều người ví món thắng cố đặc trưng của dân tộc Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những món phải thưởng thức cùng với một số món khác, như: Thịt trâu, bò, lợn gác bếp; thịt gà đen; lạp sườn; rượu ngô men lá… Thắng cố là món ăn truyền thống của người Mông trong các ngày lễ, tết, hội hè, ngày chợ. Tại những chợ phiên cuối tuần trên Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi du khách thường bắt gặp những nồi thắng cố nghi ngút khói. Ở đó, luôn là nơi quây quần của già, trẻ, trai, gái cùng ngồi bên nhau thưởng thức thắng cố. Đặc biệt là những hàng thắng cố có tay nghề chế biến cừ khôi, có bí quyết nấu thắng cố riêng thì lại càng đông khách.
Thắng cố nghĩa là canh thịt, món ăn được chế biến từ thịt của các gia súc như: Bò, trâu, ngựa và cả thịt lợn. Tất cả các bộ phận thuộc lục phủ, ngũ tạng của con vật, gồm: Lòng, tim, gan, tiết, thịt… đến xương, đều được cho vào chảo nước to ninh nhừ trên bếp củi. Thêm vào đó là các loại gia vị như: Thảo quả, quế, hồi, mắc kén, ớt khô, nghệ, gừng… tạo nên nồi thắng cố cực kỳ thơm, ngon hấp dẫn.
Nhiều du khách chia sẻ, món ăn này có đặc trưng giống như quả sầu riêng của miền Nam là có mùi rất khó ngửi, nhưng một khi vượt qua được cảm giác đó, ai cũng đều muốn ăn. Ở Cao nguyên đá Đồng Văn cũng vậy, thắng cố luôn có một mùi đặc trưng ngai ngái của ruột non trâu, bò, dê, những người sành ăn thắng cố nói, như thế mới ngon, mới chuẩn vị thắng cố.
Vì thế, nhiều người lần đầu mới đến Cao nguyên đá Đồng Văn cũng chỉ dám xem thắng cố chứ chưa dám nếm thử. Nhưng cũng chính bởi cái mùi ngai ngái đó quyện với các gia vị thảo quả, hoa hồi, quế… đã tạo nên một hương vị rất lạ với người miền xuôi và khi đã ăn một lần thì sẽ muốn ăn tiếp khi có dịp quay lại phiên chợ cuối tuần của các huyện như Đồng Văn, Mèo Vạc.
Vị béo ngậy cộng chút bùi bùi độc đáo khác lạ, bát thắng cố dậy mùi thơm từ các loại gia vị đặc trưng của miền đá xám đã để lại ấn tượng với nhiều du khách khi đến với miền cực Bắc Hà Giang. Và nay, để thưởng thức món thắng cố thì ngay tại thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn cũng có, nhưng chắc chắn nó không thể mang tới cảm giác thú vị như ăn tại các phiên chợ vùng cao.
Bởi từ cách chế biến cho tới cách thưởng thức, chỗ ngồi ăn cũng khác. Món thắng cố dân dã tới mức không cần phải có nhiều bàn, ghế, chén, bát hay chỗ ngồi đẹp. Chỉ cần một khu đất bằng phẳng, hoặc một tấm gỗ kê thành bàn để trên đó một nồi thắng cố bốc hơi nghi ngút là có thể cùng nhau quây quần. Đây cũng là cái chất phóng khoáng của người Mông trên miền cao nguyên đá.
Bên không gian thắng cố, mỗi người chỉ cần một cái muỗng gỗ để ăn thắng cố nóng nghi ngút hơi giữa cái giá rét đặc trưng của Cao nguyên đá Đồng Văn cho đến khi ngây ngây rượu ngô men lá mới thấy cái chất sống ở đây.
HUY TOÁN
Related posts:
- Cảnh giác mất cắp xe máy cuối năm
- Nghề chọn người hay người chọn nghề
- Lao động nữ sinh con được nhận thêm tiền từ ngày 1/7/2023
- Khảo sát đặt cột cờ biên giới ở Tây Ninh
- Em muốn đưa đơn ly hôn
- Nhiệm kỳ 2017 – 2023 Công đoàn cao su Chư Prông phát triển được 1.112 đoàn viên
- Bổ sung các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19
- Mẹ chồng thích kiểm soát, hay soi mói
- Hàng nghìn tỷ đồng ủng hộ Quỹ vaccine Covid-19
- Bị gái xinh sành nghề...“đào mỏ”