Bà Lê Thị Mác (Hai Mác) đánh giặc giỏi, làm cao su “hăng”

CSVN XUÂN – Quê hương Cẩm Mỹ, Đồng Nai và lãnh đạo ngành cao su thường nhắc đến bà Lê Thị Mác (Hai Mác) với sự khâm phục. Người phụ nữ đánh giặc rất giỏi và làm cao su cũng rất “hăng”, rất bản lĩnh, trách nhiệm và tên tuổi của bà gắn liền với sự phát triển nhiều cái “nhất” của Nông trường Cẩm Mỹ.
Bà Lê Thị Mác trong lần sinh nhật thứ 70 do bạn bè tổ chức. Ảnh: Nguyễn Văn Liêm
Bà Lê Thị Mác trong lần sinh nhật thứ 70 do bạn bè tổ chức. Ảnh: Nguyễn Văn Liêm
Không chùn bước trước khó khăn

Là con của phu công tra, từ khi còn là cô bé 12 tuổi, bà đã theo cha mẹ ra lô, rồi khi lớn lên bà trở thành công nhân cao su (CNCS). Chứng kiến đồng bào mình bị giày xéo, áp bức dưới chế độ thực dân, chứng kiến cảnh CNCS dù có cực nhọc đến mấy cũng không đủ ăn, cũng bị đánh đập bởi những tay cai, trong bà đã nung nấu sự căm phẫn và ước mong về việc phải làm thế nào để người CN có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vừa làm CNCS, bà vừa tham gia đội du kích mật Cẩm Mỹ. Đội du kích gồm các thanh nữ do bà lãnh đạo, có nhiệm vụ vừa xây dựng lực lượng các tổ chức, vừa lãnh đạo CN đứng lên đấu tranh, đòi quyền lợi chính đáng   cho mình, tổ chức đánh địch, vừa tuyên truyền gây hoang mang cho chính quyền địa phương và chế độ thực dân đã khiến cho bọn chúng nhiều phen khiếp sợ. Và bà rất “hăng” không hề chùn bước, vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn, thường xuyên có những quyết sách hợp lý để không bị phát hiện và gây nhiều lo sợ cho địch.

Sau ngày giải phóng, bà phụ trách công an địa phương, đồng thời nhận nhiệm vụ Trưởng ban bảo vệ của nông trường. Bức tranh sau giải phóng ngày ấy là những tàn tích còn sót lại của chế độ cũ, vẫn còn đó những thành phần chống phá, trật tự cần lập lại. Những gì tiếp quản được là vườn cây kiệt quệ do thực dân dùng quá nhiều chất kích thích để tận thu sản lượng,  cơ sở hạ tầng chỉ là nhà tranh vách nứa, sức NLĐ suy giảm, chủ yếu còn lại lao động lớn tuổi, là những tác động của chiến tranh khiến gia đình ly tán, người còn, kẻ mất. Tình hình đó khiến bà trăn trở rất nhiều về việc làm thế nào để có thể ổn định tình hình, khôi phục sản xuất và đảm bảo cho cuộc sống NLĐ tốt hơn.

Bà chia sẻ: “Trước đây trong chiến tranh, tôi đã chứng kiến cảnh khổ cực của dân mình thì bây giờ không lý gì đất nước giải phóng, hòa bình được lập lại không hiện thực hóa ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp của công nhân cao su. Nghĩ vậy, tôi và các anh em từng bước bắt tay vào việc, vận động NLĐ làm việc, thi đua”.

Năm 1983, bà nhận nhiệm vụ giám đốc Nông trường Cẩm Mỹ, với vai trò là người đứng đầu một đơn vị, bà cùng với NLĐ biến những vườn cây kiệt quệ sau chiến tranh thành những cánh rừng cao su xanh mướt, là nơi nuôi sống, tạo công ăn việc làm cho đại gia đình 2.500 công nhân và hơn 6.000 gia thuộc.

Năm đầu tiên quản lý, bà đã cho trồng mới lên đến 400 ha. Trong suốt quá trình lãnh đạo, nông trường đã thay trên 2.000 ha diện tích cao su già cỗi. Dưới sự điều hành của bà, đến giữa thập niên 90, Nông trường Cẩm  Mỹ đã đạt nhiều cái nhất, đó là đỉnh cao trong hoạt động sản xuất, vườn cây đạt năng suất cao nhất, vườn cây KTCB được chăm sóc tốt nhất. Không chỉ vậy, nông trường còn có cơ sở hạ tầng tốt nhất khi xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, trường học, thư viện, là đơn vị điển hình trong công tác chăm lo đời sống NLĐ. Năng suất vườn cây đầu năm 2000 đạt 2 tấn/ha và có những vườn cây đạt hơn.

Với những cái nhất đó, nông trường đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, “Huân chương Lao động hạng Nhất”. Thành công đó không thể không nhắc đến vai trò của người thủ lĩnh với sự tận tâm, trách nhiệm. Năm 2002, Ban kinh tế TW chỉ đạo nông trường báo cáo điển hình công tác quản lý và khoán sản phẩm trong nông trường quốc doanh, cũng trong năm đó, bà được chọn thay mặt các nông trường trình bày tham luận trong hội nghị ngành nông nghiệp tại Hà Nội.

Dành hết tâm huyết cho công nhân cao su

Từ thế mạnh xuất thân là CN cạo mủ, bà chịu khó học hỏi, kết hợp kế thừa có chọn lọc cách quản lý của tư bản Pháp, tìm tòi mới mẻ để NLĐ đỡ vất vả, tăng năng suất lao động.

Bà luôn đau đáu về việc làm thế nào để đời sống CNCS ngày càng được ổn định, nâng cao, con cái CNLĐ được chăm sóc tốt và thụ hưởng những chế độ tốt nhất. Vì vậy, hơn 22 năm làm giám đốc nông trường, bà làm tất cả để CN của mình có môi trường làm việc tốt nhất, bà sẵn sàng đấu tranh tới cùng vì quyền lợi của NLĐ. Trong chặng đường ấy, dù cho quyết liệt, dù cho bản lĩnh nhưng khi nhắc đến NLĐ, khi thuyết phục xin chủ trương, bà đã rơi nước mắt khi nói về CNCS. Bà bản lĩnh, tài năng khi “cả gan” vượt rào để thực hiện những dự án vì NLĐ.

Bao nhiêu đó đủ để mọi người thấy ở Hai Mác tận tình, hết lòng vì NLĐ và họ, những người luôn đồng hành với vị thủ lĩnh tâm huyết ấy trong mọi hoàn cảnh. Suốt 22 năm, bà cho xây dựng trên 37.000 m² nhà xưởng phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống như nhà ở CN, nhà trẻ, trường học, thư viện, câu lạc bộ CN, nhà truyền thống, đài tưởng niệm liệt sĩ. Nữ giám đốc nông trường trực tiếp xuống tận Sài Gòn chọn mua sách để về cho CNLĐ đọc, nâng cao kiến thức, và thư viện nông trường thành lập năm 1984 trở thành thư viện lớn nhất trong hệ thống thư viện TCT Cao su Đồng Nai. Sau khi nghỉ hưu, bà cũng đã trao tặng lại toàn bộ số sách của mình cho thư viện.

Hôm nay, người phụ nữ ấy tròn 70 tuổi nhưng vẫn đầy xúc động, tâm huyết khi nhắc đến ngành cao su. Bà nói: “Ngành cao su đã có nhiều đóng góp cho đất nước. Trong giai đoạn mới với những yêu cầu mới, tôi hi vọng ngành có hướng củng cố lại, giảm bớt gián tiếp dư thừa, có nhiều giải pháp tăng thu nhập cho NLĐ”.

 HÀ KHUÊ