Nữ sinh tham gia chống dịch và những bài học quý giá

CSVN – Các em đều là con em NLĐ trong ngành cao su, với tinh thần vì cộng đồng đã không ngần ngại tham gia vào lực lượng tuyến đầu, hỗ trợ chống dịch Covid – 19.

Thu Hiền (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn trong đội tình nguyện tham gia các hoạt động tuyên truyền chống dịch Covid – 19, lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người.
Những bữa ăn vội vã và giấc ngủ không tròn

Em Nguyễn Thị Thu Hiền là con gái đầu của chị Nguyễn Thị Lệ Thu – nhân viên thủ quỹ Nông trường An Viễng, TCT Cao su Đồng Nai. Đại dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, Hiền ý thức được trách nhiệm của một sinh viên còn đang ngồi trên ghế giảng đường của trường Y, cộng với đó tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ đã thôi thúc em đăng ký tham gia đội tình nguyện hỗ trợ khám sàng lọc tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và sau đó là chăm sóc các trường hợp là F1 tại khu điều trị của Bệnh viện Thủ Đức.

Mặc dù làm việc theo ca nhưng từ tình hình thực tế là dịch bệnh bùng phát theo cấp số nhân, bệnh nhân bị nhiễm tăng với những con số “chóng mặt”, đội ngũ nhân viên y tế thiếu nên lịch trình làm việc của Hiền đều đặn mỗi ngày trực từ 8h sáng đến 12h đêm. Về đến phòng, Hiền và các bạn chỉ kịp ăn uống, vệ sinh cá nhân xong và thức đến 3h sáng làm hồ sơ cho các trường hợp đã hết thời gian cách ly, có sức khỏe tốt để sáng sớm họ được về nhà. Mỗi đêm Hiền chỉ ngủ mấy tiếng đồng hồ rồi lại tất tả vào ca trực.

Trước ca trực, Hiền chỉnh trang đồ bảo hộ kín mít, điện thoại phải bọc kín và hầu như không sử dụng nếu không có tình huống khẩn cấp. Chiếc điện thoại trong thời gian làm việc chỉ có một chức năng duy nhất là liên lạc với cấp trên để xin ý kiến trong những trường hợp khẩn cấp. Những bữa ăn nuốt vội, những cuộc “chia tay” với bệnh nhân chớp nhoáng, Hiền cảm nhận được những mất mát to lớn mà đại dịch Covid – 19 để lại.

Sau khi khu điều trị F1 giải thể, Hiền tiếp tục đăng ký sang Bệnh viện dã chiến số 6 để chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid – 19. Hiền chia sẻ: “Nghĩ lại 4 tháng đã qua, đại dịch Covid – 19 và thời gian tham gia công tác chống dịch nơi tuyến đầu đã để lại cho em nhiều bài học quý giá. Em thấy trân quý tình cảm gia đình hơn. Đây cũng là khoảng thời gian cho em tập sự làm công việc điều dưỡng. Ở bệnh viện, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Do đó, em thấy trân trọng cuộc sống của mình hơn, muốn sống và làm những việc có ích cho gia đình, cho cộng đồng xã hội”.

Đinh Hoàng Bảo Trâm chăm sóc cho sản phụ F0 tại bệnh viện phụ sản Hùng Vương.
Trở thành F0 vẫn không chùng bước

Biết được Thành đoàn TP.HCM tuyển tình nguyện viên hỗ trợ y tế, bản thân đã được tiêm 1 mũi vaccine và không có bệnh nền, phù hợp với tiêu chí nên Đinh Hoàng Bảo Trâm xin tham gia hỗ trợ chống dịch. Bảo Trâm vừa tốt nghiệp PTTH Trường THPT Trần Phú, quận Tân Phú. Ông Đinh Văn Thức (Chủ tịch Công đoàn Công ty CP XD Địa ốc Cao su), ba của Bảo Trâm chia sẻ: “Khi con gái xin đi tình nguyện, gia đình đã hết sức khuyên răn vì lo lắng cho con. Từ nhỏ đến lớn con gái chưa bao giờ sống xa gia đình và làm một việc nguy hiểm như vậy. Nhưng với thái độ cương quyết và sự thuyết phục của Bảo Trâm, gia đình tôi đã đồng ý để con tham gia tình nguyện”.

Ngày 25/8, Trâm chính thức được cử đến khoa sản, bệnh viện phụ sản Hùng Vương hỗ trợ chống dịch. Với một cô nữ sinh thì việc chăm sóc sản phụ, em bé mới sinh là một việc khó. Tuy nhiên, hàng ngày chứng kiến biết bao nhiêu thai phụ thân hình nặng nề bị mắc Covid, sức khỏe kém, không có người thân bên cạnh rất xót xa. Bảo Trâm tự nhủ mình phải cố gắng giúp đỡ, ân cần như một người thân để sản phụ vơi bớt sự mệt mỏi, đau đớn, tủi thân để chiến đấu với Covid, chờ ngày mẹ tròn con vuông.

Với một người lạc quan như Bảo Trâm cộng thêm nhiều lời động viên từ gia đình, bạn bè, F0 cũng không có gì đáng sợ. Vượt qua mấy ngày đầu với các triệu chứng ho, sốt nhẹ, mất vị giác và khứu giác, sức khỏe của cô nhanh chóng cải thiện. Trâm chia sẻ: “Với một F0, điều quan trọng nhất là tinh thần. Có tinh thần tốt, lạc quan, tâm trạng thoải mái cùng với uống thuốc, vận động điều độ thì sẽ nhanh khỏi bệnh”.

Sau một tuần điều trị, Trâm khỏi bệnh. Dù gia đình khá lo lắng và ngần ngại, nhưng Bảo Trâm một lần nữa đã thuyết phục gia đình để tiếp tục quay trở lại bệnh viện phụ sản Hùng Vương.

Công việc lần này với Trâm vất vả, khó khăn hơn. Cô phải mặc trang phục bảo hộ để chăm sóc những sản phụ F0 nặng tại khu K1. Cô sợ nhất là khi nghe còi báo động đỏ. Bởi khi đó báo hiệu có bệnh nhân nguy kịch, toàn bộ y bác sỹ trực phải lập tức có mặt để cấp cứu cho bệnh nhân. Và giữa lằn ranh sinh tử đó, có người không qua khỏi. Họ trút hơi thở cuối cùng nơi phòng bệnh, không người thân, lạnh lẽo, xót xa. Đó là điều ám ảnh nhất với tâm hồn non trẻ của cô.

Ngày 30/9, khi dịch bệnh “hạ nhiệt”, hành trình 35 ngày chống dịch của cô nữ sinh Bảo Trâm khép lại. Em trở về gia đình để trở thành tân sinh viên Đại học Nông Lâm. Nhớ lại khoảng thời gian vất vả nhưng ý nghĩa đó, Bảo Trâm tâm sự: “Đó là khoảng thời gian em không bao giờ quên được. Nó giúp em cảm nhận được tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau giữa con người trong dịch bệnh. Sau này nếu có thời gian và khi cộng đồng, xã hội cần, em sẽ tiếp tục tham gia, tiếp tục góp sức cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh”.

HÀ KHUÊ  – ĐÀO PHONG