CSVNO – Sáng 4/1, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Dự phiên khai mạc tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Nông Đức Mạnh, Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các đồng chí Nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; đồng chí Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương, lãnh đạo các địa phương, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội…
Tình hình KT-XH những tháng cuối năm đã có chuyển biến tích cực
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Hôm nay, trong không khí vui tươi của những ngày đầu năm mới 2022, chuẩn bị đón xuân mới Nhâm Dần, với niềm tin mới, khí thế mới và quyết tâm mới, Quốc hội khóa XV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khai mạc trọng thể kỳ họp bất thường lần thứ nhất.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, cùng toàn thể đồng bào, cử tri cả nước đã đến dự và theo dõi trực tuyến phiên khai mạc. Chủ tịch Quốc hội Vương Định Huệ trân trọng gửi đến quý vị đại biểu cùng toàn thể Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, cử tri cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong năm 2021 và nhất là quý III/2021, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc đã lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, nhờ vào sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc chuyển hướng chiến lược nhiệm vụ phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tình hình kinh tế – xã hội những tháng cuối năm đã có chuyển biến tích cực.
Lạm phát tiếp tục được giữ ở mức thấp; các cân đối lớn được bảo đảm. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính vượt kế hoạch. Cán cân thương mại duy trì thặng dư. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định. Dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục được củng cố.
Nền kinh tế vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, nền kinh tế vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường cả ở trong nước và trên thế giới.
Tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 ước chỉ đạt 2,58%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và thấp hơn rất nhiều mục tiêu kế hoạch. Rủi ro tín dụng, nguy cơ nợ xấu tiếp tục gia tăng.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế, đời sống của Nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, lao động thiếu hụt, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế – xã hội không chỉ trong năm 2022 mà còn đối với cả nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của đất nước và công tác chuẩn bị, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, để hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Chuẩn bị tốt nhất các nội dung cho kỳ họp bất thường
Ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, với quyết tâm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc khẩn trương, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan hữu quan, thường xuyên lắng nghe ý kiến của cử tri, nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để chuẩn bị tốt nhất các nội dung cho Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Tại phiên họp trù bị, các đại biểu đã thống nhất rất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp theo tinh thần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, khoa học, hợp lý, vừa tiết kiệm thời gian, vừa bảo đảm để các nội dung được xem xét, thảo luận và quyết định kỹ lưỡng, thấu đáo, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Theo đó, tại Kỳ họp bất thường này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng sau đây:
Thông qua nghị quyết đặc biệt quan trọng
Thứ nhất, Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế – xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội.
Đây là chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung phân tích, làm rõ các nội dung sau:
Một là, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, sự cần thiết, cấp bách của từng chính sách và tổng thể các chính sách, sự phù hợp với các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội; các quan điểm, định hướng lớn cần quán triệt để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu các kế hoạch 5 năm, hằng năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025;
Hai là, quy mô cụ thể các nguồn lực huy động cả về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; khả năng huy động, mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, cụ thể và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, những lĩnh vực và địa bàn trọng tâm sao cho kịp thời, khả thi và hiệu quả;
Ba là, phạm vi, thời gian thực hiện chính sách;
Bốn là, các giải pháp để tổ chức thực hiện nhanh, dễ kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách;
Năm là, trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hữu quan trong việc triển khai thực hiện, giám sát, đánh giá và kiểm tra việc thực hiện chương trình.
Đầu tư 146.990 tỷ đồng xây dựng hơn 2000km đường cao tốc
Thứ hai, Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô từ 4 – 10 làn xe, đã được Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương đầu tư giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần và đã được điều chỉnh lại gồm 8 dự án thành phần được đầu tư bằng vốn đầu tư công, chỉ còn 3 dự án theo hình thức đối tác công – tư (PPP).
Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự kiến đầu tư 729 km cao tốc trên các đoạn Bãi Vọt (tỉnh Hà Tĩnh) – Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), Quảng Ngãi – Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Cần Thơ – Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng. Do khó khăn trong việc huy động vốn ngoài ngân sách, Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, giao thông là mạch máu của nền kinh tế, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, việc sớm triển khai thực hiện dự án càng có ý nghĩa thiết thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tác dụng lan tỏa, củng cố liên kết vùng.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy trí tuệ và trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc tình hình thực hiện dự án trong giai đoạn 2017-2020; chỉ rõ những hạn chế, bất cập của giai đoạn trước làm bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời, tập trung cho ý kiến về hồ sơ dự án; sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch có liên quan và phạm vi, quy mô của dự án; về phương án thiết kế sơ bộ và lựa chọn công nghệ chính; về sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư; về hình thức đầu tư; về sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và thu hồi vốn đầu tư; về phương án phân chia các dự án thành phần và tiến độ hoàn thành cũng như cơ chế, chính sách triển khai đầu tư dự án theo đề nghị của Chính phủ; đánh giá sự tương quan giữa các dự án trong từng dự án khác nhau và trong tổng thể quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050
Thông qua dự án luật đặc biệt
Thứ ba, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Dự án đã được cả các cơ quan Quốc hội và Chính phủ chuẩn bị công phu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án Luật có tính chất đặc biệt, sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều Luật có phạm vi, đối tượng điều chỉnh khác nhau, thuộc các lĩnh vực khác nhau, các quy định có tính chất tương đối độc lập.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận kỹ lưỡng sự cần thiết và những nội dung sửa đổi, bổ sung.
Trong đó, lưu ý bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cơ sở khoa học thực tiễn của từng chính sách sửa đổi, bổ sung; các quy định phải chặt chẽ để đảm bảo việc áp dụng pháp luật trong thực tế cũng như các điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành.
Xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân vùng đồng bằng Sông Cửu Long
Thứ tư, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về từng chính sách, nhất là các chính sách lần đầu tiên được áp dụng thí điểm nhằm góp phần khơi dậy tiềm năng, tạo động lực để xây dựng và phát triển Cần Thơ thành Thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Dự lường những vấn đề lớn có thể phát sinh
Ngoài ra, tại Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ gửi báo cáo bổ sung một số nội dung: Về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay, nhất là việc ứng phó với biến chủng mới Omicron;
Những vấn đề liên quan đến công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các sai phạm, tiêu cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói chung và tại Công ty Việt Á.
Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo trên, dự lường những vấn đề lớn có thể phát sinh trong thời gian tới, hiến kế cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội những quyết sách, giải pháp cụ thể, để Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết chung của kỳ họp bất thường lần thứ nhất.
Để kỳ họp thành công thực chất
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa hết sức quan trọng, được cử tri, nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp, dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc, cầu thị trong tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng cao nhất để Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua và sớm ban hành để kỳ họp thành công thực chất, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước.
Diễn ra trong những ngày đầu năm 2022, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kỷ niệm 76 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2022), cùng với thành công của Kỳ họp thứ nhất và Kỳ họp thứ hai, những kết quả đạt được tại Kỳ họp bất thường lần này sẽ góp phần rất quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội không chỉ trong năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021 – 2025”.
Dự lường những vấn đề lớn có thể phát sinh
Ngoài ra, tại Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ gửi báo cáo bổ sung một số nội dung: Về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay, nhất là việc ứng phó với biến chủng mới Omicron;
Những vấn đề liên quan đến công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các sai phạm, tiêu cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói chung và tại Công ty Việt Á.
Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo trên, dự lường những vấn đề lớn có thể phát sinh trong thời gian tới, hiến kế cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội những quyết sách, giải pháp cụ thể, để Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết chung của kỳ họp bất thường lần thứ nhất.
Để kỳ họp thành công thực chất
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa hết sức quan trọng, được cử tri, nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp, dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc, cầu thị trong tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng cao nhất để Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua và sớm ban hành để kỳ họp thành công thực chất, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước.
Diễn ra trong những ngày đầu năm 2022, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kỷ niệm 76 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2022), cùng với thành công của Kỳ họp thứ nhất và Kỳ họp thứ hai, những kết quả đạt được tại Kỳ họp bất thường lần này sẽ góp phần rất quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội không chỉ trong năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021 – 2025”.
theo baochinhphu.vn
Related posts:
- Gỗ Thuận An có 120 chiến sĩ thi đua cơ sở
- Cao su Đồng Nai trao thưởng hơn 400 triệu đồng cho HSSV giỏi
- Sôi nổi "mùa vàng" Cao su Đồng Nai
- Tìm mọi biện pháp hạ giá thành, đảm bảo lợi nhuận
- Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tiếp xúc cử tri công nhân cao su
- Các đơn vị miền núi phía Bắc cần nỗ lực vượt khó
- Ông Phạm Văn Thành – TV HĐQT, Trưởng Ban Kế hoạch Đầu tư VRG: "Tập đoàn quyết tâm đảm bảo doanh thu,...
- Khối thi đua Gia Lai – Kon Tum: Gần 100 giải pháp, sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong năm
- Lãnh đạo VRG thăm, tặng quà chúc mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- VRG đặt mục tiêu tăng trưởng 18%/năm giai đoạn 2016-2020