Bình Phước: Sân bay chưa xây, “cò” đã gây sốt đất ảo

CSVN – Trong những ngày qua, “sức nóng” của tình trạng buôn bán đất trên địa bàn Hớn Quản, địa phương dự kiến được tỉnh Bình Phước chọn để xây dựng sân bay lưỡng dụng (quốc phòng kết hợp dân sự) đã lan tới khắp mọi miền cả nước. Từ đó, tạo ra cơn “sốt đất ảo” chưa từng có tiền lệ tại địa phương này, “cò đất” tứ phương, tám hướng đổ về bủa vây khắp mọi nẻo đường gây náo loạn cả một vùng quê thuần nông vốn dĩ rất yên bình.

Xe ô tô từ các nơi đổ về xã An Khương đông như đi hội
Cuộc sống người dân bị đảo lộn

Xã An Khương, huyện Hớn Quản là xã có trên 60% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó 80% làm nông nghiệp. Bấy lâu nay, đời sống bà con quanh năm gắn liền với con trâu, mảnh ruộng và canh tác các loại cây công nghiệp đặc thù tại địa phương như điều, tiêu, cao su. Theo đó, trung bình mỗi người dân sở hữu từ vài ngàn mét vuông tới vài ha đất với giá trị không tới 1 tỷ đồng.

Có mặt tại xã An Khương những ngày này, chúng tôi dễ dàng bắt gặp cảnh tượng người đông như đi trẩy hội. Ôtô mang biển kiểm soát của khắp các tỉnh thành đậu kín hai bên đường khu vực trung tâm hành chính xã, thậm chí một số đoạn nằm trong các phum, sóc cũng bị ùn tắc buộc lực lượng cảnh sát giao thông tại địa phương phải ra quân để điều tiết giao thông. Cùng với đó là từng nhóm người tụ tập thành một “đội lái” bất động sản bàn tán xôn xao về việc mua bán đất và chèo kéo khách hàng, nhóm khác tỏa đi khắp hang cùng ngõ hẹp để dụ dỗ người dân địa phương bán đất tạo nên khung cảnh hỗn độn.

Anh Điểu Vĩnh, một người dân địa phương cho biết, hầu hết đất ở khu vực xã Tân Lợi là đất nông nghiệp, chưa có thổ cư. Ngày trước, ai có nhu cầu bán đất toàn bán cả vườn vài sào đến vài ha. Thậm chí, bán mấy ngàn mét vuông giá chỉ vài trăm triệu nhưng không có người mua, thế nhưng, những ngày này, chỉ cần có đất bán, ngay sau đó sự xuất hiện đội ngũ “cò đất” hùng hậu đánh thẳng xe hơi vào tận nhà để chèo kéo bán đất với đủ loại mệnh giá.

Anh Điểu Vĩnh chia sẻ thêm, trước đây, gia đình anh sở hữu gần 2 ha đất nông nghiệp trồng cao su nằm cạnh đường đất đỏ, chỉ có xe máy và xe công nông đi được bởi nắng thì bụi bay mù mịt, mưa thì lầy lội, năm ngoái, do kẹt tiền anh bán đi một nửa và thu về chưa tới 500 triệu đồng. Mấy ngày nay, giá mảnh đất này đã lên tiền tỉ, anh không biết thật giả thế nào chỉ biết ngậm ngùi tiếc nuối. “Với miếng đất còn lại đã có người sẵn sàng mua lại với giá gần 10 con số (trên 1 tỷ đồng) nhưng tôi quyết không bán vì sợ bị hớ và chờ có người trả cao hơn mới quyết định”, anh Vĩnh tiết lộ.

Cũng như anh Vĩnh, theo bà con nơi đây cho biết, trung bình mỗi ha đất canh tác cây cao su, mỗi năm bà con thu về chưa tới 200 triệu đồng, có thời điểm giá mủ rẻ, người dân phải lấy công làm lời, bởi giá đất sốt, nhiều bà con tạm ngưng sản xuất để lao theo vòng xoáy bất động sản, có người thậm chí bỏ cả việc làm để chuyển sang đi làm “cò đất” để thực hiện ước mơ đổi đời. Từ đó gây ra hệ lụy bất ổn về phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Cảnh giác thủ đoạn “sốt đất ảo”

Theo tìm hiểu, thủ đoạn chủ yếu của “cò đất” là thổi giá thông qua hình thức “đặt cọc”, sang tay nhanh. Ví dụ ông A bán mảnh đất cho người B giá 5 tỷ. Người B đặt cọc cho ông A 1 tỷ. Sau đó có người C vào hỏi ông A mảnh đất trên và mua với giá 10 tỷ (cao hơn 5 tỷ) và yêu cầu ông A “bẻ cọc” đối với người B, người C sẽ tạm ứng cho ông A 200 triệu, hẹn vài ngày, một tháng sẽ đặt cọc thêm và làm thủ tục.

Như vậy, nếu ông A “bẻ cọc” sẽ phải bồi thường cho người B gấp đôi, thậm chí gấp ba số tiền cọc, là 2 tỷ đến 3 tỷ đồng. Người C sau khi tạm ứng, viết giấy hẹn nhưng sẽ không quay lại, vì người C là người thân, “đồng bọn” với người B. Như vậy ông A tự nhiên mất 800 triệu đến 1,8 tỷ đồng bồi thường tiền “bẻ cọc” cho người A. Trong tình huống này, thậm chí có thêm một hai người nữa vào hỏi mua và trả giá mảnh đất của ông A cao hơn 10 tỷ nhằm tạo lòng tin cho ông A. Sau khi lấy được tiền “bẻ cọc” từ ông A, cả người B, C đều đi mất và không liên lạc được. Thủ đoạn này là khá phổ biến của dân “cò đất” hiện nay.

Ngoài ra, để trục lợi, các đối tượng “cò đất” còn tạo hiệu ứng đám đông, hoạt động như loại hình đa cấp biến tướng. Theo đó, xác định được người có nhu cầu bán đất, đối tượng A sẽ tập hợp các “cò đất” khác để làm giá, sau đó, từng đối tượng sẽ tiếp cận người bán để chèo kéo với phương châm người đến phải đưa ra giá mua thấp hơn người đến trước để người bán tin rằng giá người đầu tiên đưa ra là hợp lý nhất và họ sẽ liên hệ người đầu tiên để bán.

Ngay sau khi mua được đất, các đối tượng lại tìm khách hàng theo hình thức người đưa ra giá bán sau phải cao hơn người bán trước, lợi nhuận sẽ được chia đều cho cả đội. Với cách làm này cả người mua và người bán sẽ bị tổn thất và người hưởng lợi là giới “cò đất” trong khi giá trị thật sự của miếng đất không hề thay đổi. Đây chỉ là 2 trong rất nhiều thủ đoạn tinh vi của giới “cò đất” để gây lũng đoạn thị trường đất, tạo sốt đất ảo nhằm trục lợi…

Người dân địa phương bị cuốn vào vòng xoáy sốt đất ảo, biển bán rất sơ sài được treo khắp mọi ngõ ngách.
Ngành chức năng nói gì?

Liên quan đến vấn đề sốt đất tại địa phương, UBND huyện Hớn Quản đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn và khuyến cáo người dân cảnh giác đối với các thủ đoạn của các đối tượng “cò đất”.

Theo đó, công văn nêu rõ, người dân không nên mua đất khi chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng, đặc biệt là các khu dân cư chưa được cấp sổ đỏ, các khu vực các đối tượng “cò” tự ý mở đường, phân lô, bán nền trái quy định. Khi có thông tin, giao dịch về đất, UBND huyện đề nghị người dân liên hệ ngay đến cơ quan chức năng địa phương để tìm hiểu kỹ thông tin quy hoạch, tính pháp lý và được hướng dẫn các thủ tục mua bán đúng quy định để hạn chế rủi ro, phát sinh tranh chấp khi giao dịch. Giao chủ tịch UBND các xã thị trấn cắm biển cảnh báo, băng rôn tuyên truyền cho người dân được biết tại các khu vực có dấu hiệu san lấp, phân lô, tách thửa không đúng quy định và xử lý nghiêm theo trường hợp vi phạm đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng trên…

Bà Phan Thị Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản cho biết thêm, ngay sau khi tiếp nhận văn bản chỉ đạo của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn cần phải tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng; kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi tụ tập đông người trái phép gây mất an ninh, trật tự… “Hiện nay, thực trạng trên bước đầu đã được kiểm soát, tình trạng “sốt đất” dần hạ nhiệt, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân địa phương tránh rơi vào bẫy làm giá, thổi giá trục lợi của các đối tượng đầu cơ”, bà Oanh nhấn mạnh.

TRUNG NGUYÊN