“Học Bác từ những điều bình dị, gần gũi với đời sống hàng ngày”

CSVN – Với những phấn đấu không ngừng nghỉ, chị Nghiêm Thị Thúy Vân – Tổ 4, Nông trường Xa Cam, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long luôn đạt thành tích cao trong công việc. Chị là một tấm gương điển hình trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được nhân rộng trong toàn đơn vị.
Học Bác từ những đức tính giản dị, chị Nghiêm Thị Thúy Vân ứng dụng trong công việc và đời sống hàng ngày để hoàn thiện mình hơn.
Học Bác từ những đức tính giản dị, chị Nghiêm Thị Thúy Vân ứng dụng trong công việc và đời sống hàng ngày để hoàn thiện mình hơn.
Học từ Bác đức tính cần, kiệm, liêm, chính

Tìm đến Nông trường Xa Cam hỏi thăm chị thì ai cũng biết bởi chị nhiều lần là đại diện duy nhất cho NLĐ của công ty nhận khen thưởng của các cấp. Năm 2018 chị được tỉnh Bình Phước tuyên dương là tấm gương tiêu biểu nhân dịp 128 năm ngày sinh của Bác. Vừa qua, chị cũng là công nhân trực tiếp duy nhất của công ty được Công đoàn CSVN tuyên dương nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác.

Dáng người nhỏ nhắn, thoăn thoắt trên vườn cây, chị tỉ mẫn, đặt hết tâm huyết, trách nhiệm của mình vào đó bởi lẽ chị đã tròn 21 năm gắn bó với nghề cạo. Không ngại gian khó, sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp, chị được mọi người quý mến. Năng nổ tham gia phong trào VHVN – TDTT, trong các cuộc họp tổ chị đều có những đóng góp ý kiến thiết thực vì sự phát triển chung của đơn vị.

Anh Trương Quang Dương – Tổ trưởng tổ 4, Nông trường Xa Cam cho biết: “Chị Vân là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, rất yêu nghề. Mặc dù có những thành tích tốt trong lao động sản xuất nhưng chị không tự mãn mà luôn phấn đấu học tập, nâng cao tay nghề. Luôn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ kinh tế, đóng góp vốn xoay vòng để giúp các chị em làm kinh tế gia đình. Chị là một tấm gương điển hình được nhân rộng để các anh chị khác noi theo”.

Nhiều lần được tuyên dương là tấm gương tiêu biểu trong phong trào Học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khi được hỏi, chị đã học được điều gì từ Bác và ứng dụng trong thực tiễn như thế nào, chị chia sẻ: “Tôi học từ Bác đức tính cần, kiệm, liêm, chính. Những đức tính đó đóng vai trò rất quan trọng trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, đối với một người công nhân trực tiếp trên vườn cây, muốn hoàn thành tốt công việc của mình thì đầu tiên phải siêng năng, cần cù, biết phấn đấu, trách nhiệm với công việc, không vụ lợi và hết lòng vì công việc. Học Bác từ những điều giản dị nhất, gần gũi nhất với đời sống hàng ngày chúng ta”.

Ngành sẽ đứng vững trước những khó khăn

Gần đến giờ trưa, chúng tôi cũng tò mò đôi chút về cơ duyên chị gắn bó với nghề này. Quả thật, nghe chị tâm tình chúng tôi càng thêm phục sự nỗ lực của chị. Chị kể: “Quê tôi ở tận Hà Tĩnh, gia đình có đến 6 chị em, ở quê thì quanh năm làm lúa, trồng măng. Gia đình đông con, cha bệnh nặng nên mấy chị em đi làm xa để trang trải cuộc sống, phụ giúp gia đình. Lúc đầu tôi vào phụ chị gái làm công nhân tại Cao su Dầu Tiếng. Sau đó khi biết Cao su Bình Long tuyển công nhân dù chưa biết Bình Phước nơi nào nhưng tôi nghĩ ở đâu rồi cũng phải làm, công việc nào cũng có những khó khăn riêng, thế là khăn gói lên đường. Gia tài của tôi những ngày đầu lên đây chỉ một chiếc xe đạp, may mắn là tôi được xếp ở nhà tập thể. Hai năm sau tôi lập gia đình, vợ chồng cưới nhau từ đôi bàn tay trắng, được như hôm nay là nhờ chắt chiu từng đồng lương công nhân cao su”.

21 năm người không phụ nghề và nghề cũng không phụ người, gia đình chị hiện nay cũng đã khá hơn, có làm thêm tiêu, cao su. Ngoài thời gian trên vườn cây rảnh rang chút nào chị đi làm thêm ngoài, ấy vậy mà chị nói: “Làm công nhân cao su vẫn sướng hơn làm công nhân trong khu công nghiệp chứ. Tôi có một niềm tin rằng ngành cao su sẽ đứng vững trước những khó khăn của thị trường. Tôi sẽ gắn bó với nghề cho đến khi nào không còn sức khỏe nữa thì mới thôi”.

Ra về, chúng tôi khấp khởi niềm vui và thầm nghĩ, NLĐ ai cũng vững tin và quyết tâm đồng hành với ngành như chị chắc chắn ngành sẽ vượt qua muôn vàn sóng gió.

HÀ KHUÊ