Sống khỏe giữa “bão giá” nhờ chăn nuôi vịt

CSVN – Ngoài công việc hàng ngày làm bảo vệ cho Nông trường Đồng Nơ, Cao su Bình Long, vợ chồng anh Nguyễn Bá Đạo còn phát triển kinh tế gia đình, mỗi năm doanh thu gần 1 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Nguồn thu này giúp anh chị ổn định cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.

Anh chị nuôi vịt theo hình thức cuốn chiếu, nên tháng nào cũng có vịt xuất chuồng
Ấp ủ tìm cách tăng thu nhập

Giữa thời điểm “bão giá” đang làm nhiều gia đình phải loay hoay tiết kiệm tiền và tìm kiếm thêm nguồn thu nhập, nhưng với vợ chồng anh đã “sống khỏe” hơn 3 năm nay nhờ chăn nuôi vịt ở quy mô lớn.

Của cải từ hai bàn tay và ý chí quyết tâm làm nên mà có, quan điểm này đúng với vợ chồng anh. Anh làm bảo vệ ở Nông trường Đồng Nơ, chị đi làm dược sĩ ở tiệm thuốc tây. Thu nhập của hai vợ chồng nếu vun vén khéo chỉ đủ chi tiêu trong gia đình và nuôi con ăn học.

Anh nói: “Và tháng ngày sẽ cứ vậy, không biết chừng nào mới có dư, hai vợ chồng đều trẻ nên bảo ban tu chí làm ăn. Một người đi làm Nhà nước, còn một người phát triển kinh tế gia đình. Khi đó vợ tôi nói với tôi sẽ nghỉ việc để lùi về làm kinh tế, thời gian linh động, có thể đưa đón con cái đi học. Lúc bấy giờ, hai vợ chồng cũng chưa biết sẽ trồng cây gì, nuôi con gì hay buôn bán để tăng thêm thu nhập. Thế rồi trong dịp đi thăm bạn bè ở Vũng Tàu, Đồng Nai, tôi thấy nhiều hộ chăn nuôi vịt, từ đó nảy ra ý định triển khai mô hình nuôi vịt”.

Đã làm thì quyết tâm đến cùng

Đem ý tưởng này bàn với vợ, anh được vợ ủng hộ nhiệt tình, vậy là trong thời gian ngắn, anh chị làm chuồng trại, tìm nguồn giống, tìm nơi cung cấp thức ăn cho vịt. Trong quá trình làm, dần dần, vợ chồng anh chị tìm giải pháp để làm sao việc chăn nuôi trở nên dễ dàng hơn, đỡ tốn công sức. Hệ thống cung cấp nước cho vịt ăn được anh chế tạo tự động nhằm cung cấp đầy đủ nước cho vịt uống. Anh chị còn đầu tư cả chuồng ấp vịt. Mỗi năm, vợ chồng anh chị nuôi 3 lứa, mỗi lứa 3.000 con, cứ lứa này xuất chuồng xong là nuôi liền lứa khác. Quy mô chăn nuôi dần được mở rộng và chuyên nghiệp hơn, bởi anh cho rằng làm gì cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng, khoa học để tránh tình trạng “cụt vốn”.

Ngoài thời gian làm việc trên lô, anh tranh thủ về phụ vợ cho vịt ăn, vệ sinh chuồng trại. Ở nhà vẫn là hai vợ chồng tự làm và không thuê mướn ai. Nói về những khó khăn trong chăn nuôi vịt, anh cho biết: “Vịt là loài gia cầm tương đối khó nuôi, đề kháng yếu, dễ bệnh, nếu thiếu nước uống thì những con yếu sẽ dễ chết, do đó không để tình huống xảy ra tình trạng thiếu nước. Về phòng chống bệnh thì định kỳ phải tiêm phòng nhằm hạn chế số con hao hụt do bệnh. Nói chung là cũng vất vả, tôi xác định đã chăn nuôi thì phải theo”.

Vào thời điểm dịch bệnh Covid – 19, đàn vịt nuôi lớn nhưng công tác tiêu thụ gặp khó khăn, tưởng chừng có những lúc phải bỏ ngang nhưng rồi anh chị quyết tâm làm đến cùng. Anh chia sẻ: “Vì chăn nuôi số lượng nhiều nên cứ đến khi xuất chuồng là có mối lái đến tận nơi thu mua. Trong 3 năm qua, có những giai đoạn giá vịt thịt rớt thê thảm, có lứa lỗ nhiều nên cũng từng nghĩ hay là thôi không làm nữa. Nhưng rồi lại nghĩ, giá cả chăn nuôi cũng như giá cả nông sản, lúc lên lúc xuống nên vợ chồng cứ làm, không nản chí”.

Hơn 1 năm nay, giá cả vịt thịt ổn định ở mức 50 – 54.000/kg, nhờ nuôi theo mô hình cuốn chiếu nên tháng nào vợ chồng anh chị cũng có vịt để xuất. Doanh thu mỗi lứa anh chị có khoảng 300 – 400 triệu đồng, trừ vốn đầu tư, mỗi lứa anh chị lời hơn 100 triệu đồng.

LÂM KHANH