CSVN – Đợt dịch thứ 4 là đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước tới nay, hiện đang ghi nhận trên 25,6 ca bệnh/ngày – cao nhất trong cả 4 đợt dịch.
Các số liệu thống kê đều cho thấy đợt dịch thứ 4 này là nguy hiểm nhất từ trước tới nay, với tốc độ lây lan nhanh hơn, phạm vi lây lan rộng hơn, biến chủng vi rút nguy hiểm hơn, nhiều bệnh viện tuyến cuối bị tấn công hơn.
4 đợt dịch tại Việt Nam
Theo cách phân chia của Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam đang trải qua đợt dịch thứ 4.Đợt dịch đầu tiên kéo dài 85 ngày (từ 23.1.2020 – 16.4.2020) và có số ca bệnh ít nhất (100 ca bệnh trong cộng đồng). Với ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM, là ca nhập cảnh từ Vũ Hán (Trung Quốc), dịch bệnh sau đó lan ra 13 tỉnh, ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam.
Đợt dịch thứ 2 kéo dài 129 ngày (từ 25.7.2020 – 1.12.2020), nhưng chỉ diễn ra cao điểm trong 36 ngày (từ 25.7.2020 – 29.8.2020) tại Đà Nẵng (trong gần 100 ngày tiếp theo chỉ ghi nhận 4 ca tại TP.HCM từ nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines không tuân thủ quy định phòng dịch). Với ca bệnh chỉ điểm là 1 bệnh nhân của Bệnh viện (BV) C Đà Nẵng, chưa rõ nguồn lây, đợt dịch thứ 2 lây lan ra 15 địa phương, cũng ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Tuy bùng phát ngắn ngày, nhưng đợt dịch thứ 2 ghi nhận tới 554 ca bệnh ngoài cộng đồng, gấp hơn 5,5 lần đợt dịch thứ nhất.
Đợt dịch thứ 3 kéo dài 57 ngày (từ 28.1.2021 – 25.3.2021), bùng phát tại Hải Dương từ 1 người xuất khẩu lao động được phát hiện dương tính khi nhập cảnh Nhật Bản, cũng chưa rõ nguồn lây. Đợt dịch này ghi nhận tới 910 bệnh nhân mắc Covid-19 trong cộng đồng, cao gần gấp đôi đợt dịch thứ 2, chủ yếu tại ổ dịch Hải Dương (726 ca, chiếm gần 80% tổng số ca bệnh). Đợt dịch thứ 3 lây lan ra 13 tỉnh, thành ở cả 3 miền như 2 đợt trước.
Đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27.4, khi Việt Nam phát hiện một bệnh nhân là nhân viên khách sạn tại Yên Bái – nơi cách ly các chuyên gia Ấn Độ. Tiếp đó là ca bệnh 2899 trở về từ Nhật Bản bị phát hiện dương tính (29.4) sau khi đã hoàn thành cách ly 14 ngày. Từ đó, dịch bệnh lây lan ra cộng đồng và đến nay đã kéo dài đến ngày thứ 13, ghi nhận 333 ca bệnh, lây lan ra đến 26 tỉnh, thành. Đây là đợt lây lan rộng nhất của dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Đợt dịch nguy hiểm nhất
Nếu trung bình đợt dịch thứ nhất ghi nhận bình quân 1,17 ca bệnh/ngày, đợt 2 ghi nhận 15,28 ca/ngày, đợt 3 ghi nhận gần 16 ca/ngày, thì đợt dịch thứ 4 hiện đang ghi nhận trên 25,6 ca bệnh/ngày – cao nhất trong cả 4 đợt dịch.
Trong đợt dịch đầu tiên, đỉnh dịch là ngày 30.3.2020, tức là ngày thứ 69 của đợt dịch, ngày ghi nhận 14 ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng.
Đợt dịch thứ 2, đỉnh dịch là ngày 31.7.2020, tức là chỉ vào ngày thứ 6 sau khi dịch bùng phát, với 56 ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng.
Đợt dịch thứ 3, đỉnh dịch là ngày 31.1.2021, ngày thứ 4 của đợt dịch, với 97 ca bệnh được ghi nhận trong ngày đó.
Đợt dịch thứ 4 chưa xác định được đỉnh, nhưng cho đến nay, ngày ghi nhận số ca bệnh cao nhất là hôm qua (9.5), ngày thứ 13 của đợt dịch, với 92 ca bệnh trong cộng đồng – gần bằng đỉnh dịch của đợt thứ 3. Tuy nhiên, đây có thể chưa phải là số ca bệnh cao nhất trong 1 ngày của đợt dịch này.
Đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam cũng ghi nhận sự xuất hiện của vi rút SARS-CoV-2 chủng Ấn Độ tại Việt Nam với các ca bệnh lây từ các chuyên gia Ấn Độ. Chủng vi rút mới này được cho là có những biến thể làm lây lan nhanh hơn (đặc tính của chủng biến thể Anh) và có dấu hiệu làm giảm tác dụng của vắc xin (đặc tính của chủng biến thể Nam Phi), nên được gọi là chủng vi rút biến thể kép.
2 bệnh viện tuyến cuối phải phong tỏa
Nếu đợt dịch đầu tiên chủ yếu là các ca bệnh xâm nhập (do những người nhập cảnh Việt Nam rồi lây lan ra cộng đồng), thì từ đợt dịch thứ 2 Việt Nam chính thức ghi nhận những ổ dịch cộng đồng với những chuỗi lây nhiễm lớn tại Đà Nẵng và Hải Dương.
Trong khi đó, một điểm đáng chú ý của đợt dịch thứ 4 là các ca bệnh chỉ điểm đều bắt đầu từ khu cách ly hoặc những người đã hoàn thành thời hạn cách ly đủ 14 ngày theo quy định (các chuyên gia Trung Quốc, ca bệnh 2899 tại Hà Nam).
Bên cạnh đó, ở đợt dịch mới nhất này, nhiều ổ dịch lớn như ổ dịch tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, BV K cơ sở Tân Triều (Hà Nội), các ổ dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương… đều chưa xác định được một cách chính xác nguồn lây nhiễm, tạo nên nguy cơ rất lớn.
Đợt dịch này cũng là đợt nhiều BV tuyến cuối bị “tấn công” nhất, đáng chú ý là cả BV Bệnh nhiệt đới T.Ư. Suốt từ khi dịch xuất hiện đến nay, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân từ khắp các tỉnh, thành, chưa có ca nào tử vong.
Nhưng đến ngày 7.5, BV này đã không thể tiếp nhận thêm bất cứ ca bệnh nào, và sẽ chưa thể giãn tải bệnh nhân trong khoảng 10 ngày.Lần đầu tiên, một BV của Hà Nội là BV Thanh Nhàn đã phải tiếp nhận 11 bệnh nhân Covid-19 từ BV K – một việc mà Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng sẽ rất khó khăn, vì phải điều trị cả bệnh nhân thường và bệnh nhân Covid-19.
Tuy vậy, không có lựa chọn nào khác, các BV của Hà Nội và các địa phương khác sẽ phải chủ động thu dung bệnh nhân Covid-19 của tỉnh mình.Nếu như đợt dịch đầu, BV Bạch Mai phải phong tỏa. Đợt thứ 2, một số BV ở Đà Nẵng cũng bị phong tỏa, có 35 bệnh nhân tử vong – đánh dấu lần đầu tiên có bệnh nhân Covid-19 tử vong ở Việt Nam, thì lần này, BV K bị phong tỏa sẽ là một nguy cơ cao, khi BV này cũng có quy mô rất lớn (đang phong tỏa khoảng 5.000 người) và điều trị nhiều bệnh nhân nặng.
Đây cũng là tuyến điều trị cuối, khiến BV dù bị phong tỏa vẫn phải tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu và bệnh nhân nặng.Việc dịch Covid-19 tấn công vào các BV ở tuyến cuối cũng là yếu tố khiến dịch lây lan nhanh hơn. Hầu hết các tỉnh, thành ghi nhận các ca lây nhiễm cộng đồng trong đợt này đều liên quan tới ổ dịch tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư và BV K cơ sở Tân Triều (Hà Nội).
Nếu phải nói gì đó về đợt dịch thứ 4 này, thì đó là lây lan với tốc độ mạnh hơn, phạm vi rộng hơn, đỉnh dịch có vẻ dài hơn và tấn công nhiều BV hơn, chủng vi rút lây lan nhanh hơn. Tóm lại, đợt dịch thứ 4 có đầy đủ các yếu tố để có thể khẳng định là nguy hiểm nhất từ trước tới nay tại Việt Nam.
Các biện pháp chống dịch “bình tĩnh” hơn
Dù vậy, khác với 3 đợt dịch trước, lần này phản ứng của chính quyền bình tĩnh hơn, có thể vì đã trải qua nhiều đợt dịch với kinh nghiệm chống dịch nhuần nhuyễn hơn. Trong đợt 1, ngày 1.4.2020, sau đỉnh dịch 30.3 với 14 ca/ngày, cả nước có 74 ca lây nhiễm cộng đồng, tâm điểm của dịch là Hà Nội đã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, tức là chỉ có các cửa hàng thiết yếu được mở cửa.
Trong đợt 2, vào ngày 28.7.2020, Đà Nẵng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, sau 3 ngày phát hiện ca đầu tiên.Trong đợt 3, ngày 28.1.2021, Hải Dương giãn cách xã hội vào 12 giờ trưa, ngay sau khi Bộ Y tế công bố 72 ca lây nhiễm cộng đồng.
Đợt dịch này, mới có Thái Bình giãn cách xã hội vào ngày 6.5 theo Chỉ thị 15 (giãn cách nhẹ); Quảng Ngãi giãn cách xã hội từ 12 giờ ngày 7.5 theo Chỉ thị 16; 12 tỉnh, thành khác giãn cách một số địa phương cấp huyện hoặc thực hiện các biện pháp giãn cách khác nhau. Các tâm dịch như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng… đều chưa thực hiện giãn cách nghiêm ngặt.
Cũng phải nói thêm về các phương tiện chống dịch. Đơn cử Hà Nội, theo Sở Y tế, thủ đô sẽ phải chuẩn bị cho phương án có 200 – 300 bệnh nhân, nghĩa là cần từng đó giường bệnh, 15.000 chỗ cách ly F1 và số kit xét nghiệm khoảng 200.000 – 300.000 (cứ mỗi 100 bệnh nhân dương tính cần test 100.000 – 200.000 mẫu; lần trước Hà Nội ghi nhận 64 ca bệnh thì đã phải làm trên 90.000 xét nghiệm). Tuy nhiên, hiện số kit xét nghiệm của Hà Nội khá khiêm tốn so với dự báo tình hình dịch bệnh và đây là vấn đề cần hết sức quan tâm trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về nguy cơ, mức độ nguy hiểm của đợt dịch này tới người dân cũng cần được quan tâm nhiều hơn.
theo Thanh Niên
Related posts:
- Chủ tịch HĐQT VRG Trần Công Kha thăm, làm việc với 2 đơn vị tại tỉnh Quảng Trị
- Đ/c Nguyễn Văn Thắng trúng cử Bí thư Đảng ủy TCT Cao su Đồng Nai
- Chuyến công tác đong đầy cảm xúc
- Khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
- Trần Tử Bình: Người đặt nền móng trong phong trào đấu tranh của công nhân Cao su Việt Nam
- “Cao su Phú Riềng có hiệu quả sản xuất kinh doanh nổi bật”
- Trạng thái bình thường mới trong sản xuất kinh doanh và đời sống ngành cao su
- Nghề chọn người hay người chọn nghề
- 10 hoạt động nổi bật của tuổi trẻ VRG năm 2020
- VRG đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp