Mẹ con mình là một phần của truyền thống!

CSVN – Đời mẹ như đời cây cao su xanh tốt tỏa bóng mát cho con, chắt chiu từng “giọt sữa trắng” để nuôi con khôn lớn nên người.

Ảnh: Trần Tình

Quay xe lại một vòng tôi ghé vào chợ mua thức ăn cả ngày cho gia đình và quà sáng cho cậu con trai năm nay đang học lớp 9. Giờ này chắc cu cậu đang trông mẹ lắm đây, cứ nghĩ đến hình ảnh nó chạy ra sân đón mẹ là tôi thấy vui rồi. Mọi mệt nhọc dường như tan biến.

Đều đặn như vậy, đã mười mấy năm rồi, sau khi cạo xong phần cây, trong khi chờ đến giờ trút mủ là tôi lại tranh thủ ghé qua nhà để dọn dẹp chăm chút cho gia đình nhỏ của mình. Tôi yêu sự êm ấm và ổn định trong cuộc sống.

Nét đặc trưng của nghề công nhân cao su là vậy, công việc tuy vất vả, thức khuya dậy sớm nhưng bù lại trong ngày vẫn có những khoảng thời gian để bếp lửa yêu thương luôn nồng ấm trong mỗi gia đình. Đó là một trong những lý do để tôi vẫn gắn kết với nghề trong giai đoạn hết sức khó khăn của ngành cao su là vậy!

Ngược thời gian bốn mươi năm trước. Sau chiến tranh đất nước hoang tàn, gia đình ly tán. Trong khi chờ đợi và hy vọng ngày trở về của ba tôi. Một mình mẹ dẫn hai đứa con gái thơ dại từ miền Trung vào làm công nhân cao su tại một nông trường thuộc Công ty Cao su Đồng Nai.

Những năm đầu tiên ấy không nói chắc ai cũng hiểu rằng đó là thời điểm hết sức khó khăn cho tất cả chúng ta. Thế hệ trước đã đổ biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu mới có được một ngành cao su phát triển và lớn mạnh như ngày hôm nay cho lớp trẻ chúng ta kế thừa.

Năm ấy mẹ chừng hai bảy, hai tám tuổi. Ba mẹ con thời gian đầu ở trong khu nhà tập thể, sinh hoạt thiếu thốn trăm bề. Sau này nông trường cấp cho mỗi công nhân một lô đất và hỗ trợ cho căn nhà dù là tranh tre nhưng trong thời điểm đó là tốt lắm rồi.

Một mình mẹ vừa lo làm lô mẫu vừa lo cho hai con nhỏ nên chị em tôi rất ngoan biết vâng lời, giúp đỡ để mẹ bớt vất vả. Mỗi ngày trước khi đi làm mẹ lại dặn dò kỹ càng việc nhà cho chị em tôi.

Ngày ấy là giai đoạn xây dựng cơ bản nên hoa màu xen canh, bắp đậu thu hoạch về nhiều lắm! Có hôm trong khi chờ mẹ về cả hai chị em ngồi tách bắp rồi ngủ quên trên đống bắp luôn. Mẹ về thấy các con mà thương trào nước mắt.

Trải qua bao năm, từ công việc chăm sóc đến giai đoạn khai thác, lúc nào mẹ cũng nỗ lực hết mình để vượt qua những khó khăn.Vì mẹ tâm niệm rằng, mình sức yếu nên cần phải cố gắng nhiều hơn nữa mới bằng người khác. Thế rồi nhiệt huyết của mẹ cũng được ghi nhận, tôi nhớ năm ấy mẹ được tặng bằng khen Đảm việc nước, giỏi việc nhà.

Đời mẹ như đời cây cao su xanh tốt tỏa bóng mát cho con, chắt chiu từng “giọt sữa trắng” để nuôi con khôn lớn nên người.

Có thời gian mẹ cùng các cô chú công nhân đi nhặt hạt cao su ở nông trường khác về làm giống cho vườn ươm. Mẹ bảo phải chọn những hạt to mẩy để giống tốt nhiều mủ mai sau con cháu cạo. Ngoài giờ học , rảnh rỗi tôi lại giúp mẹ làm nhiều việc lặt vặt ngoài lô. Mẹ chỉ dẫn rất cặn kẽ, khi hơi lớn chút xíu là tôi đã biết cạo rồi. Những năm đó cuộc sống còn khó khăn lắm nhưng mẹ cũng cố gắng cho chị em tôi học nghề, chị tôi học may còn tôi thì học thêu, mẹ dành dụm mua được mấy sào đất trồng cà phê, điều để tăng thêm thu nhập trong mùa cao su rụng lá.

Thế rồi thấm thoát đã hai mấy năm, mẹ cũng đã đến tuổi nghỉ hưu. Cuộc sống cũng đã đỡ hơn nhiều, căn nhà tranh tre của gia đình tôi đã được thay bằng căn nhà cấp bốn.

Tôi được nhận vào làm công nhân sau khi mẹ nghỉ hưu. Thực ra thời điểm này ngành cao su trong thời kỳ hoàng kim nên việc được làm công nhân cao su là niềm vui lớn. Tôi hòa nhập với công việc một cách thật nhẹ nhàng, các chú kỹ thuật nông trường cứ khen: “Cái con bé này nó sinh ra dưới gốc cao su hay sao mà cạo đẹp quá”.

Vài năm sau, tình duyên đưa đến tôi về làm dâu ở nông trường khác. Tôi vẫn tiếp tục công việc của người thợ cạo, ngày ngày đi về dưới những rừng cây xanh mát yên bình trong khi đó cuộc sống công nghiệp cũng bắt đầu chuyển mình và ít nhiều đã có những tác động bất lợi cho ngành cao su. Đến lúc này vợ chồng anh chị tôi cũng đã làm công nhân, tính cả thảy là bốn người trong gia đình làm chung ngành.

Mẹ tôi thường cười nói: Mẹ con mình là một phần của truyền thống ngành cao su đó các con ạ!

Mà nghĩ lại thấy cũng đúng!

Truyền thống là những giá trị tốt đẹp được duy trì từ đời sang đời khác mà có chứ đâu phải cao xa gì đâu! Nhờ tận tâm với nghề mà anh chị tôi lo cho các cháu học hành đàng hoàng.

Xin cảm ơn đời, cảm ơn nghề đã đem đến cho gia đình tôi một cuộc sống dù còn vất vả nhưng nhiều niềm vui, bình yên và ổn định… Một năm mới đang về, tôi nhận thấy cuộc sống lao động của mình thật ý nghĩa, tôi luôn vững niềm tin, gắn bó với nghề dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.

(Phỏng theo lời của chị Cái Thị Quỳnh Thi – công nhân tổ 1, Đội 1, Nông trường Thái Hiệp Thành)

NGUYỄN HƯNG

(NT Thái Hiệp Thành -TCT Cao su Đồng Nai)