CSVN – “Muốn gắn bó với cây cao su phải thực sự yêu nghề, đồng thời phải biết làm kinh tế gia đình thật giỏi để an tâm bám trụ với nghề”. Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Tuyến, công nhân khai thác Nông trường Minh Tân (Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng), người công nhân có gần 30 năm cống hiến cho ngành cao su.
Thu nhập khá từ phát triển kinh tế gia đình
Đầu năm 1993, chị Nguyễn Thị Tuyến vào làm công nhân cao su tại Nông trường Minh Tân, cũng như bao thế hệ công nhân, thời ấy chị Tuyến bắt đầu từ công nhân chăm sóc, sau đó làm công nhân khai thác. Hằng ngày với đôi thùng, con dao và chiếc xe đạp vượt chặng đường đất hàng chục cây số để vào vườn cây khai thác.
Vào thời điểm đó, đời sống của người lao động trong ngành còn gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng với nhiệt huyết tuổi trẻ, cùng với truyền thống gia đình, chị Tuyến quyết tâm vượt khó, vừa lao động vừa học hỏi vươn lên, nhiều năm chị luôn là lao động xuất sắc, hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng được giao
Có giai đoạn giá mủ cao, đời sống gia đình được cải thiện và phát triển rõ rệt, từ thu nhập làm công nhân chị tranh thủ làm thêm kinh tế gia đình, như chăn nuôi, trồng thêm cây cao su,… gần đây chị phát triển thêm nhà nuôi chim yến tự nhiên lấy tổ. Đến nay gia đình chị đã có hơn 1ha cao su đang cho khai thác và trên 400m² mặt sàn nhà yến trị giá xây dựng gần 2 tỷ đồng, cho thu hoạch hàng tháng 2kg tổ yến sào trị giá trên 30 triệu đồng. Thu nhập từ phát triển kinh tế phụ, từ đó gia đình chị trở thành hộ công nhân cao su có thu nhập khá.
Vượt khó bám trụ vườn cây
Ngoài lao động sản xuất và làm kinh tế gia đình giỏi, chị Tuyến còn tích cực tham gia các phong trào tại đơn vị, đồng thời chị luôn là tấm gương tiêu biểu trong việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong lao động và đời sống, để vượt khó vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, chị còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm khai thác trên vườn cây, những kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt làm kinh tế gia đình cho nhiều anh chị em công nhân trong đơn vị học tập. Qua đó có nhiều gia đình công nhân vừa lao động sản xuất vừa tranh thủ phát triển kinh tế gia đình, góp phần không nhỏ vào công tác đảm bảo an sinh xã hội của đơn vị và địa phương. Với những thành tích nổi bật đó, chị Tuyến được VRG, Công đoàn các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen về lao động sản xuất và làm kinh tế gia đình giỏi, là tấm gương tiêu biểu để nhân rộng trong đơn vị.
Chị Tuyến tâm sự: “Từ những ngày gian khó tôi đã gắn bó với cây, qua bao nhiêu thăng trầm, đến nay với tôi, làm công nhân cao su không chỉ là cái nghề nữa mà nó trở thành cái nghiệp. Chính tình yêu nghề và truyền thống gia đình là chất keo gắn kết để tôi bám trụ với vườn cây. Trong thời điểm hiện tại, mỗi hộ công nhân phải biết làm kinh tế gia đình thật giỏi để có thể an tâm bám trụ với nghề”.
Thực tế hiện nay, phong trào phát triển kinh tế gia đình của công nhân đã và đang phát triển mạnh mẽ trong công nhân lao động ngành cao su theo tinh thần Nghị quyết 6a/NQ-CĐCS, ngày 27/7/2015 của Ban Thường vụ Công đoàn Cao su Việt Nam “Về việc đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế gia đình trong CNVCLĐ”. Những tấm gương như chị Nguyễn Thị Tuyến đã trở thành điển hình tiêu biểu trong phong trào này, đồng thời cũng là tấm gương đầy nhiệt huyết trong việc bám trụ, gắn bó với ngành,vượt qua những khó khăn trước mắt để hoàn thành kế hoạch được giao.
VĂN THỌ – MINH THI
Related posts:
- Công nhân khai thác có thu nhập cao nhất NT Cẩm Đường (Cao su Đồng Nai)
- Kỳ tích Lê Thị Lệ
- "Trở về"
- "Hãy mang sức trẻ vào công việc"
- Lương Thị Dung: Nữ công nhân đi đầu trong lao động sản xuất
- Các đồn điền cao su mở rộng diện tích
- "Nên nghiên cứu sản phẩm mới để công nghiệp hóa nông nghiệp"
- Hạnh phúc khi được quan tâm và yêu thương!
- Đoàn kết, vững lòng sẽ vượt qua khó khăn
- Gắn bó với cao su không chỉ là công việc mà còn là truyền thống