Trồng cao su không am hiểu kỹ thuật, giống mua trôi nổi dẫn đến hậu quả cây không có mủ, người dân phải phá bỏ trồng cây khác. Đó là thực trạng đáng buồn tại xã Ia Phìn, huyện Chư Prông (Gia Lai).
Giá rẻ mà có mủ cũng cố giữ vườn cao su
Chúng tôi đã tìm đến vườn cao su của anh Phạm Văn Mạnh ở thôn Hoàng Hưng, xã Ia Phìn. Đứng bên những gốc cao su ngổn ngang cạnh miệng hố vừa được san gạn chuẩn bị xuống giống cà phê, anh Mạnh thất vọng chia sẻ: “Trước mắt, tôi phá bỏ 3 ha cao su, còn để lại 2 ha sang năm phá tiếp vì chưa có tiền thuê nhân công”.
Ngoài việc thuê người chặt bỏ, anh còn thuê người đào gốc với giá 11.000 đồng/gốc, tính ra 3 ha cao su anh phải mất hơn 40 triệu đồng. Anh than thở: “Vườn cao su này đã tiêu tốn của tôi rất nhiều chi phí từ san ủi đất, mua cây giống, thuê người trồng cho đến chi phí xăng dầu, công chăm sóc… chỉ tính riêng công bón phân cũng đã ngốn khoảng 125 triệu đồng”.
Tuy vậy, anh Mạnh cũng thừa nhận: “Việc trồng cao su không có mủ như hôm nay một phần lỗi của tôi, không có kỹ thuật, không được tư vấn, giống mua trôi nổi. Thấy người dân ở Bình Phước lên mua đất trồng cao su, tôi học theo họ rồi trồng. Nói thật là giá mủ cao su rẻ thì chúng tôi không sợ, rẻ mà có mủ thì chúng tôi vẫn cố giữ cao su. Nhưng giờ thì cao su vừa bệnh, vừa không có mủ nên phải phá bỏ”.
Không riêng gì trường hợp anh Mạnh, các hộ xung quanh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chỉ tay về các phía xung quanh, anh cho biết: “Phía xa kia là vườn cao su của bà Mỵ (4 ha); bên phải đất của tôi là vườn ông Hậu (3 ha) vừa chặt bỏ; hay giáp bên trái là diện tích cao su của bà Nhuần (3 ha) đang khai thác theo kiểu “chống đói” cũng chỉ được chút mủ tạp tráng quanh đáy chén… Toàn khu vực này có khoảng 40 ha cao su của nhiều hộ khác cũng đều rơi vào tình trạng giống như tôi.
Cách đó một quãng là vườn cao su rộng mênh mông, hàng theo hàng thẳng tắp nhưng trơ trọi vì vừa được tỉa cành, chặt ngọn, biến loài cây được mệnh danh “vàng trắng” một thời trở thành trụ trồng tiêu.
Chị Nguyễn Thị Huệ – thôn Hoàng Yên, xã Ia Phìn cho biết: “Tôi và người anh vừa mua lại hơn 3 ha cao su khoảng 7 năm tuổi của một nông dân, để chặt cành, ngọn trồng cà phê và trồng tiêu. Đành phải chọn cách tận dụng thân cây cao su, bởi trồng kiểu này giúp tôi tiết kiệm được một khoản tiền mua trụ tiêu. Tuy chưa biết hiệu quả đến đâu nhưng thấy có một số người dân đã trồng theo cách này và cây tiêu phát triển tốt, nên tôi cũng đánh cược với vận may lần này, nếu thấy không hiệu quả thì phá đi”.
Khuyến cáo nông dân không nên chuyển đổi cây trồng
Xác nhận tình trạng chặt bỏ cao su do cây không có mủ trên địa bàn, ông Trần Văn Duân – P. Chủ tịch UBND xã Ia Phìn cho biết: “Việc chặt bỏ cao su bắt đầu từ năm 2013, nhưng đến thời điểm này thì rầm rộ hơn. Diện tích cao su chặt bỏ nằm rải rác ở các thôn Bản Tân, Hoàng Tiến, Hoàng Tân, nhưng nhiều nhất là ở thôn Hoàng Yên…. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn xã Ia Phìn có đến 29 hộ trồng cao su với tổng diện tích hơn 110,7 ha. Tất cả các hộ này đều trồng từ năm 2006, hộ nhiều nhất 9,4 ha, hộ thấp nhất là 1 ha, số hộ còn lại trồng từ 3-5 ha.
Cũng theo ông Duân: “Diện tích cao su tiểu điền trên địa bàn xã không nhiều bằng các xã khác, tuy nhiên đến thời kỳ thu hoạch một phần do giá cao su xuống thấp, quan trọng hơn là phần lớn diện tích cao su không cho mủ, cạo không đủ ngày công thuê nên đa số các hộ nông dân trồng cao su đã chặt để chuyển sang trồng tiêu, trồng cà phê, chỉ một số hộ còn giữ lại xen với cà phê… nhưng diện tích rất ít”.
Không chỉ riêng ở xã Ia Phìn mà hầu hết các xã có cao su tiểu điền đều xảy ra hiện tượng này như Ia Pia, Ia Băng… cũng đang trong tình trạng báo động. “Với góc độ của Phòng Nông nghiệp huyện thì ở thời điểm này chúng tôi không thể định hướng người dân trồng cây gì cho chắc ăn, vì còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố như: giá cả, đầu ra sản phẩm… “, ông Nguyễn Văn Gặp – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Prông chia sẻ.
Do vậy, UBND huyện Chư Prông đã có văn bản yêu cầu UBND các xã, thị trấn có hộ dân trồng cao su tiểu điền khuyến cáo nhân dân không nên phá bỏ cây cao su để trồng các loại cây trồng khác, đồng thời kiểm tra, theo dõi tình hình chặt phá cao su để báo cáo UBND huyện có ý kiến chỉ đạo.
Minh Triều – Văn Vĩnh
Related posts:
- Cao su Lộc Ninh góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới
- Khoán vườn cây lâu dài tạo ổn định về lao động
- Yếu tố then chốt quyết định năng suất vườn cây
- Máy cạo mủ: Dễ sử dụng, phù hợp công nhân mới vào nghề
- Nuôi ong dú, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm
- Hiệu quả xen canh, luân canh ở Cao su Chư Sê
- Nguyễn Hữu Hậu – Cao su Sa Thầy: Tổ trưởng có nhiều sáng kiến hữu ích
- Tổ 3 tấn điển hình ở Cao su Đồng Nai
- Tiết kiệm tiền tỷ nhờ đẩy mạnh cải tiến
- Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến mủ cao su (kỳ 2)