CSVN – Gần 1 năm sau ngày giải phóng Lộc Ninh, ngày 25/3/1973, Đồn điền cao su Lộc Ninh là đơn vị đầu tiên ở Đông Nam bộ được Ban Cao su Nam bộ tiếp quản. 47 năm xây dựng và phát triển, sản phẩm của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh đã tạo dựng thương hiệu vững chắc với khách hàng trong và ngoài nước. Đồng thời, đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội 2 huyện biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp tỉnh Bình Phước.
Năng suất vườn cây đạt 2,03 tấn/ha
Năm 2019, sản lượng khai thác của công ty đạt 11.434 tấn (vượt 3,95% kế hoạch). Năng suất vườn cây 2,03 tấn/ ha. Công ty đã có 8 năm liền đạt năng suất trên 2 tấn/ha. Thu mua 2.900 tấn (đạt 100% KH); giá bán bình quân 33,44 triệu đồng/tấn (vượt 1,33% KH). Xuất khẩu và ủy thác xuất khẩu 2.306 tấn mủ các loại, đạt kim ngạch 3,58 triệu USD, chiếm tỉ trọng 19,13% tổng sản phẩm tiêu thụ. Thu nhập bình quân 5,75 triệu đồng/người/tháng.
Năng suất lao động đạt bình quân 7,91 tấn/công nhân. 8/8 NT hoàn thành và vượt mức kế hoạch. 7/8 NT đạt năng suất 2 tấn/ha. Trong năm, công ty tái canh được 663 ha, tỉ lệ cây sống đạt 100%. Thực hiện chủ trương của Tập đoàn trong việc trồng xen canh, công ty tiếp tục trồng xen canh cây gáo vàng trên diện tích keo lai đã thu hoạch là 604 ha. Tiết giảm được chi phí chăm sóc trong toàn chu kỳ KTCB 16,18 triệu đồng/ha.
Những sản phẩm làm nên thương hiệu
Trong năm 2019, công ty đã điều chỉnh cơ cấu chủng loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Với lợi thế sản phẩm đa dạng cùng chất lượng uy tín trên thị trường, công ty đã ký các hợp đồng dài hạn với khách hàng truyền thống, như: Edgepoint tiêu thụ mủ latex, Michelin tiêu thụ mủ RSS, Weber (Đức) và POC (Nga) tiêu thụ RSS1, RSS3… Thị trường xuất khẩu chủ yếu châu Âu, Mỹ.
Sản phẩm của Cao su Lộc Ninh luôn hướng tới quy trình “sản xuất xanh”. Đây là điều mà nhiều khách hàng nước ngoài đang quan tâm. Mủ tờ được Tập đoàn Micheline (Pháp) đặt hàng bao tiêu toàn bộ với sản lượng chế biến 3.000 tấn/năm. Công ty sản xuất thành công mủ RSS1-CV cung cấp độc quyền cho Công ty Weber & Schaer của Đức. Sản phẩm này
cần những ưu điểm sản phẩm RSS truyền thống của đơn vị nhưng phải đạt chuẩn CV60. Công ty là đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam sản xuất thành công mủ RSS1-CV, đáp ứng yêu cầu cao của khách hàng.
Quyết tâm nâng cao hiệu quả SXKD
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động SXKD năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của công ty, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG đánh giá: “Công ty đi đầu trong chủ trương trồng xen canh nâng cao hiệu quả sử dụng đất của VRG. Nhờ trồng xen công ty đã tiết giảm được chi phí chăm sóc trong toàn chu kỳ KTCB 16,18 triệu đồng/ha”.
“Trong năm 2020, ban lãnh đạo Cao su Lộc Ninh cần có đường đi đúng, chủ trương đúng, quyết liệt thực hiện để nâng cao hiệu quả SXKD, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo tăng trưởng năm sau phải cao hơn năm trước” – ông Thuận nhấn mạnh.
TRẦN HUỲNH
Related posts:
- Tận tâm, sáng tạo trong công việc
- Giữ màu xanh cho rừng: Khởi sắc kinh tế lâm nghiệp
- Giải pháp đảm bảo năng suất, sản lượng cao và bền vững tại Cao su Phú Riềng (bài 2)
- Chuyển đổi công nghệ chế biến SVR 3L sang SVR 10, 20
- Cao su Phú Riềng: Hiệu quả kinh tế từ những sáng kiến
- Hiệu quả từ phong trào "lao động giỏi", "lao động sáng tạo"
- A lô, tổ vá xe lưu động đây!
- Cao su Đồng Phú tiên phong áp dụng rộng rãi cạo D4
- Hiệu quả xen canh, luân canh ở Cao su Chư Sê
- Quyết liệt nhiều giải pháp hoàn thành 245.000 tấn mủ