Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến mủ cao su (kỳ 2)

>> Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến mủ cao su (kỳ 1)

4.Gia công cơ học.

Quá trình gia công cơ học được chia làm 02 phần: phương pháp và thiết bị. Hai phần này đều có ảnh hưởng nhiều tới chất lượng sản phẩm.

a.Phương pháp gia công cơ học.

Hiện nay, gia công cơ học được phân chia làm gia công liên tục và gia công gián đoạn. Mỗi loại đều có ưu khuyết điểm riêng. Tuỳ theo điều kiện của công ty mà có thể áp dụng 1 trong 02 phương pháp này.

Ngoài ra, để gia công cơ học được tốt hơn, việc gia công sơ bộ cần được quan tâm để nguyên liệu mủ đông được cán vắt nước khi về đến nhà máy tạo điều kiện tốt cho quá trình lưu trữ đồng nhất, giảm thiểu mùi hôi, gia công cưa cắt và ổn định PRI do:

– Gia công sơ bộ loại bỏ khoảng 25-35% lượng nước serum ban đầu – tăng tính đồng nhất về hàm lượng DRC của khối mủ đông. Tạo điều kiện tốt các công đoạn sau và tăng chất lượng sản phẩm.

– Bình quân giảm 50% thể tích và 30% trọng lượng, giảm chi phí nhân công cưa cắt và vận chuyển.

– Hạn chế quá trình lên men.

Do đó: nếu trang bị được hệ thống cán sơ bộ tại trạm thu mủ ở vườn cây, sẽ góp phần giảm chi phí chuyên chở và giảm mùi hôi.

Ảnh: Tùng Châu
Ảnh: Tùng Châu

b.Thiết bị:

Phần thiết bị chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong quá trình chế biến là trong giai đoạn gia công cơ học. Việc tạo tờ và tạo hạt cốm được ổn định phần lớn là do thiết bị quyết định. Do đó, để công đoạn gia công cơ học hoạt động ổn định cần cải tạo các phần sau:

Thay thiết bị nạp nguyên liệu cho máy Rotary Cutter: Thiết bị nạp liệu bằng tải gàu có đặc điểm nạp liệu gián đoạn với số lượng lớn nên máy làm việc với tải trọng động lớn, không ổn định, làm sụp áp trong dây chuyền. Vì vậy, máy sẽ mau hỏng phần cơ-điện, tiêu thụ điện lớn và làm dây chuyền chế biến hoạt động kém ổn định. Để khắc phục điểm này, cần thay thế thiết bị nạp liệu tải gàu bằng băng tải có gờ hoặc trục vít tải, những thay đổi này nhằm nạp liệu cho thiết bị với tải nhỏ và đều.

 – Thay thiết bị nạp liệu cho máy cán 3 trục: Thay gàu tải nạp liệu cho máy cán 3 trục bằng bơm cốm và sàn rung. Điều này làm giảm nhân công và nạp liệu đều hơn nên tạo tờ ở máy cán tốt và ổn định hơn.

Cải tạo thiết bị cán tạo tờ: tạo tờ là công đoạn quan trọng, nó ảnh hưởng tới công suất dây chuyền và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, việc tạo tờ bằng máy cán 2 trục có thanh nén thường tạo tờ không ổn định, hiệu suất thấp, làm ảnh hưởng tới chất lượng cán. Đề nghị thay thiết bị máy cán 2 trục có thanh nén bằng máy cán 3 trục để khắc phục các khuyết điểm trên. Tuy nhiên, máy cán 3 trục có khuyến điểm là chi phí chế tạo cao hơn.

Cải tiến dao cắt cho máy Rotary Cutter: Hiện nay, thường sử dụng máy băm búaHammermill, do thiết kế đầu dao, số lượng dao băm, lưới dao (dao tĩnh) nên máy băm búa xin ra tải trọng lớn khi băm, máy làm việc ồn và kém hiệu quả. Để khắc phục, sử dụng dao băm máy cắt-Rotary Cutter được cải tiến về biên dạng dao, số lượng dao, lưới dao nên làm việc hiệu quả hơn.

P.V (Nguồn: Ban Công nghiệp VRG)