CSVN – Ngành cao su vừa mất đi một cây đại thụ, một cán bộ lão thành suốt cuộc đời gắn bó với ngành từ khi mới thành lập đến nay. Đó là ông Phan Đắc Bằng – Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cao su VN.
Người suốt đời gắn bó từ vườn cây cao su đến những tiến bộ kỹ thuật trong ngành, từ trồng cây cao su cho năng suất cao, nhà máy chế biến cao su từ mủ cốm, mủ kem đến các loại mủ tờ. Ông mất đi là niềm mất mát lớn đối với ngành cao su, đây là một tấm gương mẫu mực, một hình ảnh tốt đẹp trong những năm tháng còn công tác trong ngành cao su.
Ông Phan Đắc Bằng sinh ngày 1/4/1933 tại xã Hưng Đạo, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Ông là một trí thức hiếm hoi ngoài Bắc, lại là kỹ sư nông nghiệp từ tháng 1/1959. Thời kỳ đầu ông làm việc ở Cục trồng trọt Bộ Nông trường Quốc doanh ở Hà Nội với chức vụ trưởng phòng kỹ thuật Tổng cục Nông trường và vùng kinh tế trọng điểm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương.
Sau ngày miền Nam giải phóng, nhà nước ta đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trong đó có ngành cao su. Từ tháng 6/1976 ông được điều động chuyển hẳn vào làm ở Tổng cục Cao su giữ chức vụ trưởng phòng kỹ thuật nông nghiệp, phó giám đốc, giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng. Sau đó về lại Tổng cục làm vụ trưởng vụ sản xuất nông nghiệp. Từ tháng 9/1987 ông được bổ nhiệm là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cao su, Ủy viên Hiệp hội nghiên cứu và phát triển cao su Quốc tế ( IRRDB), Chủ tịch hội đồng khoa học ngành cao su. Ông làm đến 2/1996 thì được nghỉ hưu. Trong quá trình công tác, ông đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì, Huân chương Lao động hạng 3, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…
Tôi biết ông Phan Đắc Bằng ngay từ những ngày đầu tiên làm việc ở Vụ hợp tác Quốc tế Tổng cục Cao su. Tôi còn nhớ, hồi đó mỗi đồng chí Phó Tổng cục trưởng được sử dụng một thư ký giúp việc cho mình. Hồi đó, tôi đang làm phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô, ông Phan Đắc Bằng có gợi ý tôi làm thư ký cho ông. Lúc đó tôi không dám nhận vì đang đam mê với nghề phiên dịch tiếng Nga và nghề viết báo. Có một lần vào năm 1986, tôi được tham gia đoàn kiểm tra liên hợp giữa Tổng cục Cao su và đoàn chuyên gia Liên Xô. Hồi đó đi kiểm tra trồng mới ở Công ty Cao su Phú Riềng. Ông Phan Đắc Bằng là trưởng đoàn kiểm tra, khi kiểm tra vườn cây trồng mới ở nông trường 8, cây lồ ô, cây mắc cỡ (hay gọi là cây mimôsa) phát triển rất nhanh, lại có gai đã chèn ép làm cây cao su trồng mới không phát triển được. Nhiều thực trạng vườn cây như vậy, ông Bằng dí dỏm đã nhẹ nhàng hát câu: “Mimôsa, mimôsa từ đâu, từ đâu em tới đất này?”…
Sau đợt kiểm tra trồng mới đó, ở Phú Riềng phải thanh lý gần 6.000 ha cao su trồng mới để trồng lại, hàng trăm cán bộ ở công ty, nông trường đã buộc phải nghỉ việc hoặc nghỉ chế độ. Nhờ vậy, Phú Riềng có vườn cao su phát triển tốt như hiện nay, năng suất vườn cây nhiều năm liền luôn đạt 2 tấn/ha/năm. Là người phụ trách nông nghiệp, thời ông Phan Đắc Bằng phụ trách đã hoàn thành trồng mới hai hiệp định trồng mới với Liên Xô với diện tích cao su lên tới 120.000 ha ở các công ty cao su Đồng Nai, Dầu Tiếng, Phú Riềng, Bình Long, Đồng Phú. Đồng thời với sự lãnh đạo, chỉ đạo của ông, cây cao su được phát triển ở Tây Nguyên, vườn cây ở đây giờ rất tốt, cho năng suất cao. Do có công to lớn trong việc phát triển cao su hợp tác Việt- Xô, ông Phan Đắc Bằng được tặng thưởng huy chương 30 năm hợp tác khoa học kỹ thuật Việt – Xô.
Cả quãng đời đẹp nhất ông Phan Đắc Bằng đã cống hiến cho ngành cao su. Đây là tấm gương mẫu mực, tiêu biểu về cách sống, làm việc, tính tình hiền lành, hòa đồng, rất nhiệt tình, kiên quyết khi giải quyết công việc. Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đức, nguyên Trưởng ban Quản lý kỹ thuật VRG nhận xét về người thủ trưởng cũ của mình: “Ông Phan Đắc Bằng là một nhà lãnh đạo cao su uyên bác, đầy uy tín, tài năng và đạo đức. Gắn bó với ngành cao su đến khi về hưu, ông mất đi, cán bộ, công nhân viên ngành cao su vô cùng thương tiếc, nhớ thương tới ông – một người thầy trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cây cao su”.
Khi về nghỉ hưu ở địa phương cư trú, ông luôn được mọi người yêu mến, kính trọng và yêu thương. Tại buổi lễ truy điệu tiễn đưa ông Bằng về nơi an nghỉ cuối cùng, ngày 12/4/2020, ông Lê Thanh Tú – Phó Tổng giám đốc VRG, Trưởng ban lễ tang xúc động: “Trong lễ tang vô cùng trang trọng này, với tấm lòng tri ân sâu sắc và niềm tiếc thương vô hạn, tôi xin thay mặt lãnh đạo VRG và các thế hệ CBCNV trong toàn ngành cao su xin được ghi nhận những đóng góp vô cùng to lớn của đồng chí Phan Đắc Bằng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành cao su Việt Nam”.
THANH LA
Related posts:
- Nữ chủ tịch công đoàn tâm huyết với nghề
- Kinh tế khá nhờ làm công nhân cao su
- Hạnh phúc lớn nhất là được lao động, sáng tạo và cống hiến
- Khó mấy cũng không rời cao su
- Di sản gia đình được gìn giữ
- "Về hưu mới thấy lương hưu giá trị và ý nghĩa"
- Vinh danh tập thể, cá nhân có đóng góp đặc biệt xuất sắc
- Sáng kiến tiết kiệm bạc tỷ của một giám đốc nông trường
- "Luôn cố gắng noi gương Bác Hồ bằng những việc làm gần gũi nhất"
- Đinh Thị Nga - Người đội trưởng tận tâm với nghề