CSVN – Ngành gỗ cao su đang có lợi thế lớn, nhưng làm sao biến lợi thế này thành hiện thực thì các doanh nghiệp cần biết khách hàng đang cần gì. Nếu không có liên kết chuỗi về nguyên liệu đến sản xuất thì sẽ không tận dụng hết cơ hội.
Lợi thế chưa tận dụng hết
Khu vực Tây Nguyên hiện có 9 công ty đang chăm sóc, khai thác và chế biến cao su thiên nhiên, trong đó có đến 7 đơn vị vừa khai thác mủ cao su vừa thanh lý gỗ cao su. Mỗi năm các đơn vị này thanh lý hàng ngàn ha, cụ thể như năm 2019 Cao su Mang Yang thanh lý trên 400 ha, Chư Sê trên 600 ha, Chư Prông trên 300 ha, Chư Păh trên 200 ha, Kon Tum trên 500 ha… Đây là một lợi thế rất lớn cho các nhà máy chế biến gỗ, bởi nguồn nguyên liệu đầu vào lớn và chủ động.
Bên cạnh nguồn nguyên liệu sẵn có của các công ty cao su thuộc VRG, Tây Nguyên còn vùng nguyên liệu khá dồi dào từ cao su tiểu điền và các doanh nghiệp khác. Riêng tổng diện tích cao su tại tỉnh Gia Lai hiện nay trên 96.200 ha, trong đó diện tích đang khai thác chiếm 75%.
Từ lâu các công ty trên địa bàn Tây Nguyên cũng đã thành lập nhà máy chế biến gỗ phôi cao su để nắm bắt lợi thế này như Nhà máy chế biến của Cao su Chư Prông hay Công ty TNHH MTV Chế biến gỗ Đăk Đoa thuộc Cao su Mang Yang, Công ty CP Chế biến gỗ cao su Chư Păh và mới nhất là Cao su Kon Tum đã góp vốn thành lập nhà máy chế biến gỗ cây cao su với công suất chế biến trong giai đoạn đầu là 28.200 m³/năm và giai đoạn 2 là 24.000 m³/năm.
Mặc dù vậy, theo ông Trương Tiến Toàn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến gỗ Đăk Đoa thì: “Tuy nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng một số nhà máy chế biến gỗ vẫn gặp khó khăn do cơ chế còn chưa linh động so với các doanh nghiệp tư nhân. Mặt khác, áp lực hạ giá thành trong khi các chi phí khác đều tăng như nhân công cưa cắt, công tác vận chuyển…”
Còn ông Phạm Đình Luyến – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, công ty có tỷ lệ góp vốn 33% vào Công ty CP Chế biến gỗ cao su Chư Păh cho hay: “Hầu như diện tích thanh lý cây cao su của Cao su Chư Păh đều ưu tiên cho Công ty CP Chế biến gỗ cao su Chư Păh. Tuy vậy, trong quá trình hoạt động đơn vị này vẫn có những khó khăn, nhất là công tác tiêu thụ. Hiện sản phẩm của đơn vị này sản xuất ra có xuất khẩu sang Trung Quốc và tiêu thụ nội địa nhưng khá chậm”.
Cần tạo sự liên kết
Chế biến các sản phẩm từ gỗ cao su đang được coi là một trong những hướng đi nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành. Tuy nhiên, hiện nay dường như giữa các công ty chế biến gỗ và các doanh nghiệp trồng cao su chưa tìm được tiếng nói chung. Hiện tại giữa hai bên gần như chưa có sự liên thông, do vậy giá trị cộng hưởng giữa hai bên là còn thấp.
Theo ông Nguyễn Mạnh – Giám đốc điều hành Công ty CP gỗ Minh Dương Chu Lai: “Sự liên kết và phối hợp đang là mong muốn lớn của chúng tôi. Nếu có sự liên kết thì sẽ có được sự yên tâm hơn. Chúng tôi có thị trường, cần nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất bởi hiện nay công ty sử dụng rất nhiều gỗ cao su cho sản xuất nội thất xuất khẩu. Hiện địa bàn Tây Nguyên đang là vùng nguyên liệu khá lớn, nhưng giá thành chưa thật sự ổn định và có nhiều thay đổi”. Còn ông Vi Nhất Trường – Chủ tịch Hệ thống Nhất Hưng, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ngãi cho hay: “Có những thời điểm giá gỗ cao su nguyên liệu quá cao gây khó cho doanh nghiệp, việc mua được gỗ cao su của các công ty cao su là hết sức khó khăn, trong khi đó thị trường Hoa Kỳ khá ưa chuộng các sản phẩm là nội thất của Việt Nam, chúng tôi phải nhập khẩu gỗ sồi thay cho cao su để chế biến mặt hàng nội thất rồi xuất ngược trở lại thị trường Mỹ”.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Cần có cơ chế, chính sách đặc thù đối với cán bộ công tác ở Lào, Campuchia
- Đảng bộ VRG quán triệt và triển khai các nội dung Hội nghị Trung ương 8 khóa XII
- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ VRG đối với phong trào công nhân và hoạt động công...
- Đảng bộ VRG: Nghiêm túc thực hiện quy định của các cấp về công tác quản lý cán bộ, quản trị doanh ng...
- Nguyễn Thị Thủy đạt Bàn tay vàng NT Ia H’lốp, Cao su Chư Sê
- GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học v...
- Trước ngày 25/5, tổ chức xong Đại hội Đảng bộ, Chi bộ cơ sở
- Gần 100% người lao động Công ty CP KCN Nam Tân Uyên được tiêm vaccine ngừa Covid – 19
- Hơn 60 đại biểu tập huấn nghiệp vụ giải quyết khiếu nại tố cáo
- Công tác tái cơ cấu của VRG: Quyết liệt, vững chắc, hiệu quả