Sản xuất cao su thiên nhiên tại Việt Nam trước thách thức phát triển bền vững

Ảnh minh họa: Ng.Cường

Về bản chất, cao su thiên nhiên là vật liệu tái tạo và sản xuất cao su thiên nhiên có tính bền vững cao hơn nhiều ngành kinh tế khác. Gần một triệu hecta cao su ở Việt Nam có thể góp phần quan trọng vào mục tiêu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Tuy vậy trong những năm gần đây, nguy cơ phá rừng để trồng cây cao su ở một số nước Đông Nam Á đã là nguyên nhân chính dẫn tới sự quan ngại của các tổ chức quốc tế bảo vệ môi trường, từ đó vấn đề phát triển bền vững của ngành sản xuất cao su thiên nhiên được đặt ra. Với sự thành lập Diễn đàn Toàn cầu về Cao su thiên nhiên bền vững (Global Platform for Sustainable Natural Rubber – GPSNR) vào tháng 10/2018 tại Singapore, sự phát triển bền vững đã trở thành xu hướng tất yếu đối với ngành cao su thiên nhiên.

Bất chấp mục tiêu tốt đẹp của nó, yêu cầu phát triển bền vững đặt ra những thách thức cho người sản xuất cao su thiên nhiên vốn đang đối mặt với tình hình ảm đạm của thị trường hiện nay và trong tương lai gần, khiến cho sự ổn định của hoạt động sản xuất không thể được bảo đảm nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ.

Những lợi thế bền vững của sản xuất cao su thiên nhiên

– Hấp thu carbon trong khí quyển

Khí CO2 chiếm khối lượng áp đảo trong số các khí nhà kính có mặt trong khí quyển, do đó nó là nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Cây cao su có khả năng hấp thu khí CO2 trong khí quyển cao hơn hẳn so với nhiều loại cây trồng và nhiều loại rừng tự nhiên. Năng suất quang hợp của lá cây cao su trưởng thành đạt khoảng 11 μmol CO /m2/s trong khi con số này thường thấp hơn ở nhiều loài cây khác (Jones, 2000). Cây cao su hấp thu carbon trong khí quyển và tích trữ nó trong sinh khối, trong latex và trong xác bã thực vật. Nghiên cứu của Jacob (2003) thực hiện ở Ấn Độ trình bày khả năng này dựa trên cơ sở so sánh với nhiều hệ sinh thái khác như trong Bảng 1 dưới đây.

Bảng 1. So sánh khả năng hấp thu carbon khí quyển của một số hệ sinh thái

(Nguồn: Jacob, 2003)

Nghiên cứu của Kongsager (2013) thực hiện ở Ghana trên 4 loại cây trồng là ca cao, cọ dầu, cao su và cam cho thấy sau 30 năm trồng, cao su tích lũy được 75 tấn C/ha trong sinh khối phía trên mặt đất. Khả năng tích lũy này đối với ca cao, cọ dầu và cam lần lượt là 46, 30 và 46 tấn C/ha.

Một nghiên cứu ở Trung Quốc (Cheng và cộng sự, 2006) cũng xác nhận sau 30 năm trồng, vườn cao su hấp thu khoảng 272 tấn C/ha, trong khi đó rừng mưa nguyên sinh hấp thu khoảng 234 tấn C/ha và rừng mưa tái sinh hấp thu khoảng 150 tấn C/ha.

Ngoài ra, các nghiên cứu về tiềm năng hấp thu carbon của vườn cây cao su khác nhau khoảng 20 năm tuổi, thực hiện ở Indonesia (Sone và cộng sự, 2014), Malaysia (Shorrocks và cộng sự, 1965) và Thái Lan (Saengruksawong và cộng sự, 2012) cho thấy tiềm năng này lần lượt là 4,2 tấn C/ha/năm, 5,6 tấn C/ha/năm và 3,5 tấn C/ha/năm không kể khối lượng carbon hấp thu trong latex.

– Tích lũy carbon hữu cơ cho đất

Xác bã thực vật từ cây cao su (gồm có lá, hoa, quả và cành nhánh) cũng đóng góp đáng kể trong việc làm gia tăng nguồn carbon cho đất. Một nghiên cứu được thực hiện ở Brazil (Maggiotto và cộng sự, 2014) xác nhận hàm lượng carbon trong đất trồng cao su cao hơn so với đất đồng cỏ chăn nuôi. Lớp đất mặt dày 60 cm trên đất đồng cỏ chứa 63,4 tấn C/ha trong khi cũng lớp đất như vậy trong vườn cao su kế cận chứa 66,8 tấn C/ha đối với cao su 4 tuổi và 79,3 tấn C/ha đối với cao su 15 tuổi. Sự tích lũy carbon cho đất được tính ra là 0,85 tấn C/ha và 1,06 tấn C/ha mỗi năm khi trồng cao su.

– Bảo tồn chất dinh dưỡng trong đất

Cây cao su sử dụng ít phân bón hóa học (cũng như ít thuốc bảo vệ thực vật) hơn so với nhiều cây trồng khác. Bên cạnh đó, thu hoạch từ vườn cây cao su chỉ lấy đi latex, vốn là một hydrocarbon, vì thế nó lấy đi rất ít chất dinh dưỡng từ đất. Do đó, chất dinh dưỡng phần lớn được bảo tồn trong đất dưới dạng mùn hữu cơ. Bảng 3 trình bày khối lượng các chất dinh dưỡng chủ yếu (N, P, K) bị lấy đi khỏi đất dưới dạng sản phẩm nông nghiệp từ một số loại cây trồng khác nhau.

Bảng 3. Khối lượng chất dinh dưỡng lấy đi bởi 50 tấn/ha sản phẩm nông nghiệp từ các cây trồng khác nhau

(Nguồn:Moreira và cộng sự, 2009)

Căn cứ Bảng 3 ta thấy chỉ một số ít cây trồng như mía đường, chuối và chanh là có thể so sánh với cây cao su về khả năng lấy ít chất dinh dưỡng từ đất.

Bảo tồn nước ngầm

Cân bằng nước giữa đất và khí quyển trên vườn cây cao su có khả năng giữ lại nước mưa nhiều hơn, và do đó có khả năng bổ sung nguồn nước ngầm nhiều hơn so với một số kiểu diện tích che phủ thực vật khác. Sự khác biệt này chủ yếu là do sự bốc thoát hơi nước từ lá cây cao su thấp hơn, do chỉ số diện tích bề mặt lá của chúng thấp hơn.

Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất

Năng lượng tiêu thụ trong sản xuất cao su thiên nhiên rất thấp so với các cao su tổng hợp có nguồn gốc hóa thạch với những quy trình sản xuất có nhiệt độ và/hoặc áp suất rất cao như cracking, alkyl hóa và khử hyđrô. Cần 16 MJ năng lượng để sản xuất một tấn cao su thiên nhiên, trong đó năng lượng tiêu thụ ẩn trong phân bón và các hóa chất khác là khoảng 5 GJ, năng lượng tiêu thụ trong chế biến là khoảng 3 GJ, và 5-8 GJ là năng lượng tiêu thụ trong vận chuyển (Jones, 1994).

Yêu cầu của thị trường cao su bền vững

Vấn đề cao su thiên nhiên bền vững được đặt ra lần đầu bởi Sáng kiến Cao su thiên nhiên bền vững (Sustainable Natural Rubber Initiative – SNR-i), được đề xuất bởi Nhóm Nghiên cứu Cao su Quốc tế (International Rubber Study Group – IRSG) tại Singapore vào tháng 5/2014. Vấn đề được nhấn mạnh hơn bởi sự tham gia của Đề án Công nghiệp Lốp (Tire Industry Project

– TIP), một diễn đàn toàn cầu của ngành công nghiệp lốp xe nhằm mục đích phát triển bền vững. Diễn đàn này hiện bao gồm 10 nhà sản xuất lốp xe hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 65% năng lực sản xuất toàn cầu và hoạt động trong khuôn khổ Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới vì Phát triển Bền vững (World Business Council for Sustainable Development – WBCSD). Các nhà sản xuất lốp xe thuộc TIP đều cam kết ưu tiên mua cao su thiên nhiên bền vững, tiến tới 100% cao su thiên nhiên bền vững vào năm 2050.

Nói tóm tắt, sản xuất cao su thiên nhiên được coi là bền vững khi thỏa các yêu cầu sau đây:

(1) Bảo vệ quyền con người: Không bóc lột, không phân biệt đối xử, không sử dụng lao động trẻ em.

(2) Sử dụng đất có trách nhiệm: Không phá rừng, không lấn chiếm đất của cư dân bản địa.

(3) Canh tác có trách nhiệm: Áp dụng Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), áp dụng Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bảo tồn đất, bảo tồn nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học.

(4) Chế biến thân thiện với môi trường: Áp dụng Thực hành sản xuất tốt (GMP), xử lý nước thải và chất thải rắn đạt yêu cầu.

(5) Bảo đảm truy xuất nguồn gốc.

Một vườn cây cao su hoặc một nhà máy chế biến cao su đáp ứng các yêu cầu trên sẽ được cấp chứng nhận bền vững sau một quá trình khảo sát và đánh giá bởi một tổ chức chứng nhận. Các tổ chức chứng nhận hiện đang hoạt động trong lĩnh vực cao su thiên nhiên là Hội đồng Quản lý Rừng (Forest Stewardship Council – FSC) và Chương trình Chứng nhận Chứng chỉ Rừng (Program for the Endorsement of Forest Certification – PEFC). Đây là các tổ chức quốc tế phi Chính phủ đặt trụ sở tại Đức và Thụy Sĩ.

Nhìn chung, các tiêu chí cao su thiên nhiên bền vững là đúng đắn và có thể thực hiện được, trong đó phần lớn là đang được thực hiện ở nhiều nước, nhưng việc chứng nhận bền vững cần công tác tổ chức, quản lý chuỗi cung ứng, đòi hỏi nhiều công sức và đặc biệt góp phần làm tăng đáng kể chi phí sản xuất, trong đó có (a) chi phí ban đầu gồm tài liệu, vật liệu, huấn luyện, tổ chức khảo sát và đánh giá, cấp chứng chỉ; (b) chi phí vận hành gồm vật tư nông nghiệp, công lao động; và (c) chi phí duy trì gồm khảo sát và đánh giá lại định kỳ.

Một số chính sách hỗ trợ ngành cao su của các nước trong Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC)

Hỗ trợ tổ chức/quản lý

Bộ Nông nghiệp Indonesia đã ban hành Hướng dẫn Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) cho cây cao su từ năm 2014 trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học. Cũng tại Indonesia, cuối tháng 3/2022 Bộ Điều phối Kinh tế đã thành lập Diễn đàn Cao su thiên nhiên bền vững Indonesia (SNARPI) nhằm bảo đảm lợi ích của người sản xuất cao su đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thị trường.

Tại Trung Quốc, Phòng Thương mại Kim loại, Khoáng sản và Hóa chất (CCCMC) thuộc Bộ Thương mại đã ban hành Hướng dẫn Cao su thiên nhiên bền vững từ 2017 trong khuôn khổ hợp tác Anh-Trung Quốc trong Chương trình Đầu tư và Thương mại Rừng Quốc tế (InFIT). Từ 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trung Quốc cũng đã ban hành chủ trương Tăng cường bảo vệ hệ sinh thái và môi trường nông nghiệp, với những dự án được Chính phủ tài trợ nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường các vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có việc thành lập cơ chế đánh giá.

Hỗ trợ tài chính

Để thúc đẩy giá cao su trên thị trường, Chính phủ Indonesia từ năm 2019 đã tiến hành một loạt giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, Chính phủ cắt giảm xuất khẩu và gia tăng tái canh thông qua các chương trình tái canh của Bộ Nông nghiệp với trị giá 3,32 triệu USD tài trợ tái canh 6000 ha trong năm 2019. Về trung hạn, Chính phủ mua cao su giá hợp lý thông qua Bộ Công trình Công cộng, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ nội địa từ các dự án của Chính phủ. Về dài hạn, chính phủ thực hiện các đề án tăng năng suất vườn cao su thông qua đề án cải tiến giống quốc gia của Bộ Nông nghiệp. Bắt đầu từ 2018, Chính phủ cũng phối hợp với công ty đầu tư Tropical Landscapes Finance Facility (TLFF) trong một dự án 95 triệu USD tài trợ cho đồn điền cao su bền vững đầu tiên tại Indonesia với 23000 ha cao su và 3600 công nhân, song song với một khu bảo tồn động vật hoang dã rộng 9.700 ha.

Chính phủ Thái Lan đã thực hiện một chương trình trị giá 9,78 triệu THB bù giá cho người trồng cao su từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022. Các cơ sở chế biến cao su cũng được hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi 3% mỗi năm từ Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan với tổng trị giá 10 triệu THB từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2024. Một chương trình tăng cường tiêu thụ nội địa cũng được thực hiện từ 2019 với sự tham gia của 11 Bộ ngành Chính phủ. Tại Malaysia, thông qua Cục Phát triển cao su tiểu điền (RISDA) thuộc Bộ Nông nghiệp, Chính phủ hiện đang duy trì chính sách trợ cấp cho nông dân trồng cao su với tỷ lệ từ 7,8-28,1% chi phí tái canh, 24,3-43,2% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cùng hàng loạt các chi phí nông nghiệp khác ở nhiều tỷ lệ khác nhau.

Bắt đầu từ kế hoạch tài chính 2019, Chính phủ Ấn Độ cũng đã dành các khoản ngân sách cho nghiên cứu, sáng chế, nâng cấp công nghệ, cải thiện chất lượng, tăng năng suất, GAP và quy trình thân thiện môi trường, phát triển và củng cố kỹ năng, bảo vệ và hỗ trợ nông dân tiểu điền, công nhân và doanh nghiệp quy mô nhỏ, tăng cường chất lượng và tính bền vững của chuỗi cung ứng cao su.

Nhằm khuyến khích nông nghiệp bền vững, Chính phủ Trung Quốc cũng đã ban hành từ năm 2018 với hiệu lực đến 2023 các giải pháp quản lý tài chính cho tài nguyên nông nghiệp và bảo vệ sinh thái, trong đó có tài trợ cho doanh nghiệp và nông dân trong các dự án bảo vệ đất canh tác và đất đồng cỏ.

Chính sách môi trường

Chính sách môi trường hợp lý cũng tạo điều kiện giảm nhẹ khó khăn cho các nhà sản xuất cao su trong sản xuất bền vững. Vấn đề môi trường quan trọng nhất trong chế biến cao su là xử lý nước thải. Hầu hết các nước sản xuất cao su thiên nhiên trong ANRPC đều có quy chuẩn nước thải chế biến cao su vừa phù hợp với đặc trưng ngành nghề, trình độ kỹ thuật và năng lực tài chính của doanh nghiệp, vừa đạt mục tiêu bảo vệ môi trường nước. Bảng 6 dưới đây trình bày quy chuẩn nước thải hiện hành của một số nước điển hình, so sánh với quy chuẩn Việt Nam. Quy chuẩn môi trường khắt khe hơn có thể dẫn tới gia tăng chi phí đầu tư, điện năng, hóa chất, chi phí sản xuất khác và do đó làm giảm sức cạnh tranh của cao su Việt Nam trên thị trường cao su bền vững.

Bảng 6. Quy chuẩn nước thải chế biến cao su của một số nước trong ANRPC

Chú thích: Giá trị trong ngoặc vuông [] dành cho nước thải từ cơ sở sản xuất latex cô đặc, giá trị trong ngoặc tròn () được áp dụng khi nguồn nước tiếp nhận không dùng cho cấp nước sinh hoạt.
Cần có các chính sách phù hợp về tổ chức/quản lý, tài chính và môi trường

Ngành cao su thiên nhiên về bản chất là một ngành kinh tế có tính bền vững nội tại, có thể góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước và mục tiêu phát thải ròng bằng không của đất nước vào năm 2050. Tuy nhiên, đứng trước thách thức của yêu cầu phát triển bền vững trong thực tế thị trường suy thoái hiện nay và trong tương lai gần, ngành cao su thiên nhiên Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn vướng mắc. Do vấn đề phát triển bền vững có tầm vóc vượt quá khả năng của doanh nghiệp và nông dân, để duy trì hoạt động và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, ngành cao su cần sự hỗ trợ của chính phủ bằng các chính sách phù hợp về tổ chức/quản lý, tài chính và môi trường.

(Tham luận tại Hội thảo “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững”, TP. Hồ Chí Minh, ngày 8/11/2022)

Tiến sĩ NGUYỄN NGỌC BÍCH