Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su

CSVNĐúng như nhận xét của Pôn Mô-nê, đồng lương mà chủ các đồn điền trả cho công nhân là đồng lương chết đói. Chúng tính lương chi li sao cho hết tháng thì người công nhân cũng vừa hết tiền để họ không thể dành dụm được tiền, vì chúng sợ công nhân có tiền đi tàu xe sẽ về xứ hết.
Công nhân giao nộp mủ cao su cho chủ Tây.
Công nhân giao nộp mủ cao su cho chủ Tây.

Đối với công nhân các đồn điền, ngày lĩnh lương hàng tháng thường diễn ra trong không khí lo sợ    và hồi hộp. Lo sợ bị đánh và hồi hộp bị cúp phạt.  Khi đến lãnh lương, viên thủ quỹ của đồn điền bắt  họ xếp thành hàng ở phòng phát tiền rồi chiếu theo danh sách mà gọi số của từng người”. Chúng gọi đến người nào thì người ấy phải “dạ” một tiếng thật nhanh, nhào tới lĩnh luôn, nhét vội vào túi rồi ra ngay. Người nào không nghe rõ để cho chúng phải gọi tới lần thứ hai, chắc chắn sẽ ăn đòn. Khi nhận tiền, người công nhân không được đếm lại, vì theo chúng “đếm lại” tức là nghi chúng ăn gian, người nào làm trái sẽ bị đánh hoặc không được trả lương.

Về ở, thời gian đầu, nhà ở của công nhân đồn điền cao su thường là một căn nhà lụp xụp, rộng khoảng 24 m², không đắp nền, nên rất ẩm thấp. Mỗi căn nhà có 6 người ở. Có nhà ở nhưng không có bếp, phải đem nấu ngay cạnh giường nằm. Giường làm bằng tre, bương ghép lại. Mỗi giường ba người ngủ, khi nào công nhân đến nhiều thì bốn, năm người ngủ một giường.

Về sau trước sự đấu tranh mạnh mẽ của công nhân, bọn chủ đồn điền buộc phải cải thiện phần nào chế độ nhà ở. Chúng phân cho hai, ba gia đình ở một gian nhà lợp tôn nhưng vẫn chật hẹp tồi tàn, ẩm thấp, tốì tăm và nóng bức. Nền nhà thấp gần như sát mặt đất. Xung quanh lại không có rãnh thoát nước, nên nước rửa chảy đọng thành từng vũng, lâu ngày gặp trời nắng, mùi hôi thối xông lên nhức óc. Ruồi, nhặng, muỗi, bọ nhiều vô kể.

Đờ-la-ma (Delamarre) trong bài báo nêu trên, đã mô tả chỗ ở của công nhân đồn điền cao su như sau: “Mái nhà lợp không đủ dầy nên hở huếch hở hoác nhiều chỗ. Nhà lợp tôn thì xấu xí. Tôn lợp hai bên để hở một đường kẻ khá rộng như bàn tay ở phía trên, từ đó mưa đổ xuống nhà. Hơn nữa các nền nhà lại gần sát mặt đất, nước mưa từ trên đồi tràn vào nhà và biến nền đất thành bùn, đó là điều mà tôi đã có thể khẳng định khi đi thăm những lán trại vào buổi sáng ngày 26/3 khi gặp mưa to. Xung quanh các lán trại thì bẩn thỉu, hàng đàn muỗi bay trên đồi và đốt vô tội vạ người công nhân”.

Về điều kiện vệ sinh của công nhân, theo các tài liệu còn để lại, công nhân cao su miền Đông Nam bộ thiếu nước như người dân miền ngược thiếu muối, về mùa khô, ở những nơi xa sông, xa suối, công nhân phải tự đào giếng để lấy nước dùng. Đất rừng cao nên có chỗ phải đào giếng sâu đến 18 mét mới có nước. Vì không đủ nước để tắm rửa nên nhiều người bị ghẻ lở. Nước đã thiếu lại bị ô nhiễm làm cho việc ăn uống không đảm bảo được vệ sinh, khiến bệnh kiết lỵ trở thành phổ biến. Tình hình đó cũng đã được phản ánh rất rõ trong nhận xét của Đờ- la-ma: “Phu đều nhất trí than phiền là thiếu nước… Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy trước mỗi lán trại lớn trong số 10 lán trại chỉ có mỗi một thùng nước ăn nhỏ… Vì thiếu nước nên các phu đều bẩn… rất nhiều người bị ghẻ lở và rận chấy đầy người”.

CSVN

(Xem tiếp kỳ sau)

(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)